KTNT - Đang cùng người dân đề nghị chủ tàu của Công ty TNHH Hiệp Phú không được khai thác vào khu vực cấm gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích canh tác, bất ngờ anh Trần Văn Báu bị ông Trần Hoài Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Đội Bình (Yên Sơn - Tuyên Quang) bẻ tay ra sau và bắt về trụ sở…
Đơn gửi báo Kinh tế nông thôn, anh Trần Văn Báu, trú tại thôn Cầu Cháy, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương – Tuyên Quang), cho biết, vào khoảng 12h30 ngày 4/11, khi nghe thông báo có tàu cuốc của Công ty TNHH Hiệp Phú đang khai thác cát gần khu vực đất của bà con và của tôi thầu để trồng hoa màu, tôi đã ra hiện trường và gọi điện cho anh Đặng Minh Phong là công an viên và là Phó trưởng thôn Chiến Thắng báo cáo sự việc.
Đơn kiên nghị của anh Nguyễn Văn Báu gửi tới báo Kinh tế nông thôn Khi anh Phong xuống đến nơi, bà con thôn Chiến Thắng có mặt tại bãi đang phản đối việc hút cát nhưng tàu cuốc vẫn tiếp tục khai thác. Sau đó, tôi điện cho ông Thông là Công an huyện Yên Sơn, phụ trách địa bàn xã.
Vì người dân trong thôn ra đã đông nên tôi vào Bờ Soi ngồi. Khoảng 20 phút thì thấy anh Trần Hoài Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Đội Bình cùng anh Hoàng Văn Quỳnh, Hoàng Văn Tiến là Trưởng, Phó công an xã và ông Thông ra hiện trường. Sau đó, bất ngờ ông Cảnh lao vào bẻ tay tôi ra sau, rồi hô anh Tiến và anh Quỳnh khóa tay tôi áp giải tôi ra xã mà không rõ lí do.
Cũng theo anh Báu, tại trụ sở UBND xã, theo yêu cầu, tôi viết bản tường trình đúng như sự việc xảy ra. Tuy nhiên, đến khoảng 16h30’ chiều cùng ngày, thì bất ngờ Công an huyện Yên Sơn lại đưa tôi về trụ sở Công an huyện. Đến 21h đêm, sau khi lấy lời khai, tôi bị giữ lại không cho về. Khi đó, tôi có hỏi về lý do mình bị bắt, nhưng không ai giải thích. Đến khoảng 18h ngày 05/11/2014, sau khi yêu cầu tôi viết bản tường trình lần 2 thì họ mới cho tôi về.
Người dân thôn Chiến Thắng có mặt tại nơi anh Báu bị bắt để kể lại sự việc Việc ông Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã, trực tiếp bắt tôi có nhiều bà con thôn Chiến Thắng chứng kiến. Hơn thế nữa, mọi người chứng kiến sự việc đều bức xúc vì hành vi bắt người của chính quyền mà không hề có lệnh bắt giữ. "Mọi người đều thắc mắc vì sao Phó Chủ tịch UBND xã lại có thẩm quyền bắt người", anh Báu cho biết thêm.
Xác minh thêm thông tin của bạn đọc, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có mặt tại thôn Chiến Thắng – xã Đội Bình. Đa số người dân trong thôn chứng kiến sự việc anh Báu bị ông Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Đội Bình bắt khi đang ngồi ngoài khu vực tàu cuốc khai thác cát đều rất ngỡ ngàng vì không biết anh Báu mắc tội gì.
Bờ sông Lô bị sạt lở 2- 3m ngay sát diện tích đất canh tác của người dân Tại hiện trường nơi xảy ra sự việc, phóng viên ghi nhận là những đống sỏi cát mà tàu cuốc khai thác để lại khi bị người dân xua đuổi, sát bờ sông là những vết bờ bị sạt lở cao từ 2 - 3m ăn sát vào khu vực canh tác của bà con trong thôn. Cách vị trí phóng viên đứng vài trăm mét là những chiếc tàu cuốc vẫn đang vô tư khai thác sát vào khu vực hành lang chân bờ của sông Lô.
Văn bản số 357/YKKT-SXD (ngày 12/06/2014) của Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang quy định rõ: Khoảng cách an toàn từ vị trí khai thác tới bờ sông phải lớn hoặc bằng 50m, được xác định theo ranh giới trên bản đồ khu vực khai thác… Vì vậy, việc Công ty Hiệp Phú cho tàu cuốc khai thác ngay bờ sông là vi phạm pháp luật.
Tàu khai thác cát vẫn đang hoạt động phía xa Để củng cố lòng tin của nhân dân đối chính quyền cũng như đảm bảo danh dự của công dân, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xem xét để làm rõ nội dung tố cáo về việc bắt giữ người không có lý do, không có lệnh bắt giữ và trái thẩm quyền của ông Trần Hoài Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Đội Bình cũng như việc tàu cuốc của Công ty TNHH Hiệp Phú vẫn đang ngày đêm khai thác làm sạt lở bờ sông Lô.
Báo
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./
Nhóm PVPL
KTNT