Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 13:58

Yên Thành tiên phong trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Năm 2019, Yên Thành (Nghệ An) đạt chuẩn và được công nhận huyện nông thôn mới.

Sau lễ đón trang trọng ngày 01/12/2020, cấp ủy, chính quyền huyện Yên thành xác định: Công cuộc xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, và quyết định bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025 đạt nông thôn mới nâng cao, năm 2030 đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2025, hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành - Nguyễn Quý Linh cho biết: Yên Thành là huyện tiên phong của Nghệ An trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành vào năm 2025 nhưng khả năng sẽ đạt và về đích sớm hơn 1 năm, vào năm 2024.

 

z3722972418824_bcb9429ef72a803165eea73af783a10c.jpg
Trường mầm non của xã nông thôn mới nâng cao Tăng Thành.

 

Người đứng đầu cấp ủy huyện phấn khởi cho biết thêm, năm 2021, huyện có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, bao gồm: Hoa Thành, Sơn Thành, Tân Thành, Tăng Thành, Long Thành. Dự kiến, cuối năm 2022, tiếp tục có thêm 7 xã: Bắc Thành, Đồng Thành, Xuân Thành, Nhân Thành, Hồng Thành, Thọ Thành, Tiến Thành đạt nông thôn mới nâng cao, nâng lên 12/38 xã đạt nông thôn mới nâng cao, chiếm gần 1/3 số xã của huyện…

Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên cho rằng: Đến nay, Yên Thành là huyện duy nhất của tỉnh Nghệ An có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 7 xã cuối năm nay đạt. Với tiến độ này, chắc chắn mục tiêu năm 2025  huyện đạt nông thôn mới nâng cao là khả thi. Cách làm của chúng tôi là: Hàng năm, lãnh đạo huyện chọn các địa phương có khả năng xây dựng nông thôn mới nâng cao, sau đó mời lãnh đạo các xã đó lên làm việc, giao cho các phòng ở huyện theo chuyên môn, giúp địa phương lĩnh vực phòng phụ trách. Giao cho  các xã được chọn phải song hành  vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa xây dựng và đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Quyết tâm, đồng lòng

Các xã xây dựng nông thôn mới ở Yên Thành, ngoài nguồn lực ở địa phương, nguồn lực xã hội hóa, còn được huyện hỗ trợ về kinh phí, xi măng. Sau khi đạt nông thôn mới còn được huyện trao thưởng. Vì vậy, từ trên xuống dưới, từ người dân đến chính quyền huyện, xã đều rất quyết tâm, đồng sức đồng lòng, để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

 

z3722972440911_5f470312beb8a61f8ce85103688f82af.jpg
Cam Đồng Thành trĩu quả đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

 

Để minh chứng cho sự quyết tâm đó, lãnh đạo huyện giới thiệu chúng tôi về  Tăng Thành, xã nằm ở trung tâm huyện. Đây là xã đã đạt nông thôn mới nâng cao, đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Đào Văn Khai cho biết: Tăng Thành đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, đạt nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã đang chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó chú trọng các tiêu chí: sáng, xanh, sạch, đẹp. Toàn xã có 7 xóm, tất cả các xóm được đầu tư để đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, hai bên đường trồng cây xanh, được đầu tư lắp đặt cột cao áp, đèn chiếu sáng…

Mỗi xóm của xã được đầu tư 500 triệu đồng, dân đóng góp 500 triệu đồng, tổng kinh phí là 1 tỷ đồng để xây dựng từng xóm theo 10 tiêu chí mà xã đề ra: Có hội quán (theo mẫu, trị giá trên 500 triệu đồng), có tường bao quanh và cổng với diện tích 3.500m2, có chỗ ngồi cho 200 đại biểu; có sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân khấu ngoài trời; có nhà vệ sinh tự hoại; có cột cờ; có đường đi bộ xung quanh sân vận động; có khu thể thao ngoài trời cho người già và trẻ em… Đây là những tiêu chí giống với khu dân cư đô thị của thành phố và đang dần trở thành hiện thực trên vùng đất Tăng Thành.

Sơn Thành, xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Yên, đã đạt nông thôn mới nâng cao, đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu lại là điểm sáng về công tác bảo vệ an ninh trật tự và PCCC. Sơn Thành có 8 xóm, mỗi xóm có một ban tự quản, có 92 tổ liên gia tự quản chuyên cung cấp tin tức về ANTT cho lực lượng công an. 

Ngoài ra, theo đại úy Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng công an xã, tại Sơn Thành còn có các tổ tuyên truyền bảo vệ pháp luật, PCCC, cổng trường an toàn giao thông. Đặc biệt, mỗi xóm có 1 tổ CCB (14-16 người), thường xuyên tuần tra, đảm bảo ANTT, giải tán thanh niên tụ tập rượu chè, đua xe… Nhờ vậy, Sơn Thành vừa giàu mạnh, vừa bình yên.

Dù đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ đạt nông thôn mới nâng cao, nhưng Đồng Thành lại có thế mạnh phát triển kinh tế. Xã có 2 sản phẩm nổi tiếng không những trong tỉnh mà khắp cả nước, đó là cam Đồng Thành đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 và sản phẩm mật ong đã được cấp chứng chỉ Làng nghề nuôi và chế biến mật ong thương phẩm năm 2020, hiện đang lập hồ sơ để cuối năm 2022 đề nghị cấp chứng chỉ sản phẩm đạt OCOP.

Đồng Thành có 95 hộ trồng cam, tổ chức thành HTX với diện tích 131ha, năm 2021 cho sản lượng 1.400 tấn, giá trị đạt xấp xỉ 43 tỷ đồng.

Làng nghề mật ong có 141 thành viên, với số lượng 1.300 đàn, mỗi đàn một năm cho 8 chai mật, ước tính cả năm đạt 10.400 chai, với giá bán tại chỗ 200.000 đồng/chai, tổng doanh thu đạt 2.080.000.000 đồng/năm.

Nông thôn mới Yên Thành đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ, mỗi xã có một màu sắc, thế mạnh riêng cùng phát triển, hướng tới tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiếu mẫu và sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, như lãnh đạo huyện từng khẳng định: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, sẽ là địa phương đi đầu, làm hình mẫu cho các huyện trong tỉnh Nghệ An học tập, làm theo.

 

 

 

Bá Minh
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top