Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 3 năm 2017 | 8:15

“Cát tặc” đục khoét sông Lam

KTNT - Thời gian qua, dù các ngành chức năng ra quân xử lý nhưng tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn tiếp diễn công khai trên dòng sông Lam, đoạn qua địa phận huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Những ngày đầu tháng 3, đi dọc Quốc lộ 46 đoạn qua địa bàn huyện Thanh Chương, không khó khăn gì để nhóm phóng viên tiếp cận đoàn tàu đang ngang nhiên hút cát một cách công khai dọc sông Lam.

Nhiều tàu ngang nhiên hút cát trái phép trên sông Lam đoạn qua xã Đồng Văn,  huyện Thanh Chương. 

Đứng trên Quốc lộ 46 tại rú Nguộc (đoạn qua địa phận xã Ngọc Sơn) nhìn xuống, dễ dàng nhận thấy một bãi tập kết cát lớn. Cách đó không xa về hướng thượng nguồn sông Lam là 4 - 5 tàu, sà lan đang hút cát. Theo những người dân canh tác trên bãi bồi, khu vực các tàu hút cát đang hoạt động thuộc địa phận xóm Đông Thượng, xã Đồng Văn. Trong khi nửa phía bên kia sông Lam, thuộc địa phận xã Thanh Chi thì lại yên ắng. 

Thấy có phóng viên, những người dân địa phương ngưng việc chạy đến, một người phụ nữ trung niên mở lời: “Nhà báo về viết bài kêu giúp người dân chứ ở đây tàu bè hút cát đêm ngày khiến đất canh tác hoa màu bị sông nuốt hết”.

Khi được hỏi thực trạng tàu bè khai thác cát ở đây, người phụ nữ này cho biết: Họ hút tự do cả ngày, không một ai xử lý cả. Các chú thấy đó, chỉ một lát đã đầy thuyền. Một ngày mỗi thuyền hút 4-5 chuyến rồi chở xuống bãi tập kết dưới kia. Người phụ nữ nói rồi chỉ tay về hướng bãi tập kết cát dưới chân rú Nguộc (cạnh Quốc lộ 46, xã Thanh Ngọc).

“Ngày mô họ cũng hút cát ở khu vực này khiến đất trồng ngô, khoai của bà con dọc sông bị sạt lở. Chúng tôi kêu nhiều rồi cũng vậy”, một phụ nữ trung tuổi xin giấu tên than thở. Điều đáng nói là, tại thời điểm phóng viên có mặt, tuyệt nhiên không có sự tuần tra, xử lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Bãi bồi trồng ngô, khoai dọc sông Lam bị sạt lở.

Làm việc với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, lý giải: Đồng Văn là xã ven sông, tài nguyên chỉ có cát. Theo quy hoạch của tỉnh thì Đồng Văn có 9ha quy hoạch mỏ trên sông Lam ở xóm Phượng Đình. Các bước tiến hành thẩm định, thăm dò, lập quy hoạch... đều đã được các ngành chức năng triển khai nhưng vẫn chưa hoàn thiện để cấp mỏ.

“Về công tác quản lý thường xuyên, xã giao cho công an xã và lực lượng quản lý hoa màu hợp tác xã bảo vệ. Nhìn chung, từ năm 2016 trở lại đây, xã đã phối hợp với huyện để tăng cường tuần tra, xử lý nên thực trạng tàu hút cát trái phép đã giảm nhiều. Còn hiện tại, bãi cát Đồng Văn là bãi cạn, tàu thuyền không thể vào hút cát được”, ông Chương khẳng định.

Khi hỏi về thực trạng khai thác cát trái phép, ông Chương thừa nhận: “Thời gian gần đây, xã đã nhận được thông tin phản ánh nhưng chưa xử lý được vì khi đoàn kiểm tra có mặt ở hiện trường thì các tàu hút cát chạy sang địa phận xã khác. Thêm nữa, xã cũng không có đủ phương tiện để truy bắt xử lý”.

Không riêng gì xã Đồng Văn, thực trạng khai thác cát trái phép ở các xã Thanh Hưng, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, thị trấn Dùng… cũng diễn ra tương tự. Đứng ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Thanh Chương phóng tầm mắt ra sông Lam, chúng tôi không khỏi bất ngờ với “đại công trường” khai thác cát. Quan sát ra một khúc sông Lam đoạn chạy qua thị trấn Dùng và xã Thanh Lĩnh, từng đoàn tàu, bè xếp hàng hút cát trái phép một cách ngang nhiên.

Cách đó không xa, khu vực cầu Rạng (đoạn qua địa phận hai xã Thanh Hưng và Thanh Tiên), hoạt động khai thác cát trên sông Lam diễn ra khá nhộn nhịp. Tại đây, cứ đầu giờ chiều, 4 - 5 tàu cỡ lớn túc trực, hút cát.

Ông Lê Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 2 điểm tập kết cát, sạn chứ chưa cho khai thác. Còn dòng sông Lam ở đây một nửa là do xã Thanh Hưng quản lý, nửa kia thuộc về xã Thanh Tiên. Mà khai thác cát chủ yếu ở nửa bên kia, còn phía xã Thanh Hưng, dòng chảy mạnh, không khai thác được. 

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa một số hình ảnh và video mới ghi lại trong sáng 2/3, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng phân trần: “Anh em chúng tôi trực ở đây, còn nắm ngoài đó cũng chỉ thỉnh thoảng thôi chứ không phải liên tục”.

Nói rồi, ông gọi điện cho công an xã và cấp dưới ra khu vực cầu Rạng, nơi có tàu  đang hút cát để xử lý. Tuy nhiên, trong chiều cùng ngày, nhóm phóng viên đi qua khu vực trên, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra.

Rất mong các cơ quan chức năng của huyện Thanh Chương  nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm để chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép này, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Nhóm phóng viên

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top