KTNT - Đã có hàng chục vụ trộm chó khi bị phát hiện, người dân bao vây đốt xe, đánh đối tượng đến “thập tử nhất sinh”. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những tên trộm chó vẫn ngang nhiên lộng hành...
Hiện trường một vụ đốt xe của “cẩu tặc” tại Nghệ An. Ảnh: Đ.Ngọc.
Cứ nuôi là mất
Nạn trộm chó hoành hành tại Nghệ An khiến nhiều người khi nhắc đến “cẩu tặc” là rùng mình. Vì sao những tên “cẩu tặc” liều mình đến thế và vì sao vấn nạn này vẫn không thể giải quyết được dứt điểm?
Chúng tôi vào nhà anh Lê Huy Hùng trú tại xóm 3, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), nhắc đến nạn trộm chó, anh lắc đầu cho hay: “Mấy năm nay nhà chúng tôi liên tục mất chó, phải hơn 10 con rồi chứ không ít. Gia đình tôi cứ nuôi được một con tầm 10kg là những kẻ trộm chó câu luôn, mà không hiểu sao chó xích trong nhà chúng cũng câu được, giờ tôi không nuôi nữa”.
Cũng theo anh Hùng, không riêng gì gia đình anh, ở xóm 3 này không nhà nào không bị “cẩu tặc” ghé thăm, có nhà mất tới 20 con trong vòng 5 năm. “Nhiều nhà đi làm cả ngày nên cố gắng nuôi con chó giữ nhà, mất con này thì nuôi con khác, nhưng mất nhiều quá nên họ không dám nuôi nữa. Nếu có nuôi cũng phải xích nhốt cẩn thận, hở ra để “cẩu tặc” thấy là tối đó mất ngay. Mà bọn chúng rất manh động, chúng thường đi 2 nhóm, trang bị nhiều hung khí như dao, kiếm, thậm chí súng, gặp người dân truy đuổi chúng không ngại chống trả quyết liệt để thoát thân. Vì vậy, nhiều người trong xóm cũng e dè”, anh Hùng cho biết.
Tại xã Thanh Đức (Thanh Chương), bà Nguyễn Thị Vân cũng ngán ngẩm khi nói về việc mất trộm chó, bà cho biết: “Tháng 6/2017, nhà tôi mất một lúc hai con chó, trọng lượng hơn 30kg, rất bức xúc về vấn đề này nhưng “cẩu tặc” thường đi buổi đêm, khi nghe ẳng một tiếng, nó đã tha chó chạy xa rồi, đuổi theo thì rất nguy hiểm vì bọn trộm còn mang theo hung khí, sẵn sàng đánh trả”.
Anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Văn Thành (Yên Thành) cũng vô cùng bức xúc: “Hôm đó là khoảng 12 giờ trưa, tôi đi làm về ăn cơm xong 15 phút thì nghe chó kêu ẳng một tiếng, dậy đã thấy xe của cẩu tặc chạy đi xa rồi, đuổi theo nhưng không kịp. Tính đến thời điểm năm 2016, tôi đã mất 4 con và sẽ không bao giờ nuôi chó nữa mà thay bằng camera giám sát”.
Liều lĩnh, manh động
Ngày 12/10/2012, hai đối tượng trộm chó đã bị người dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) phát hiện và rượt đuổi, chúng bỏ chạy rồi rút kiếm chém ông Phạm Bá Cậy (SN 1961) phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau đó, người dân đã bao vây 2 tên “cẩu tặc”. Một tên nhanh chân chạy thoát, tên còn lại bị người dân đánh đến chết là Hoàng Công Hiệp (26 tuổi), trú xã Nghi Long (Nghi Lộc). Chiếc xe máy của 2 đối tượng cũng bị người dân đốt cháy rụi.
Ngày 23/10/2012, hai đối tượng lạ mặt sau khi câu trộm được 3 con chó, tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Duy Cầu, xóm 12, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) trộm tiếp thì bị người dân bao vây. Một tên nhanh chân chạy thoát, tên còn lại là Phạm Văn Kiều (SN 1990), trú xã Nghi Phong bị người dân đánh nguy kịch phải đi cấp cứu ở Hà Nội. Chiếc xe máy của chúng cũng bị đốt cháy trơ khung.
Ngày 10/6/2013, tại xóm 3, xã Tân Thành (Yên Thành), hai “cẩu tặc” bị người dân vây đánh khi phát hiện chúng bắt trộm chó, đến khi xe của Công an huyện Yên Thành tới mới giải cứu được.
Trao đổi với phóng viên, một đồng chí Công an huyện Nghi Lộc, cho hay: Nghi Lộc là địa bàn tương đối phức tạp, các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản, trong đó có trộm chó. Trộm chó mang lại lợi nhuận khá cao, khi bị bắt tang vật thu được chỉ có 1 - 2 con chó, tính ra tiền chưa đủ 2 triệu đồng nên chỉ phạt hành chính. Những đối tượng trộm lần 2, lần 3 mới xem xét khởi tố hình sự.
Rõ ràng, với luật pháp hiện hành, đối tượng trộm chó khi bị bắt giữ xử lý còn nhẹ nên vấn nạn này vẫn hoành hành. Cũng vì thế, có một thực tế là, khi phát hiện trộm chó, người dân bức xúc đã tự xử bằng cách đốt xe, đánh người. Hầu hết những đối tượng này là con nghiện, ít học, lêu lổng. Đã có trường hợp trộm chó sau khi bắt giam thả ra lại tiếp tục đi hành nghề trở lại.
Sỹ Thăng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.