Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023 | 10:4

An toàn bếp ăn tập thể “chuyện không bao giờ cũ”

Năm học mới đã bắt đầu, ngoài chuyện chăm lo cho con mình đủ điều kiện để học tập, phụ huynh học sinh và toàn xã hội lại phải căng mình lo đến sự an toàn về sức khỏe của học sinh. Bởi nguy cơ đến từ những bữa ăn tập thể bán trú tại trường, câu chuyện về “an toàn bếp ăn tập thể” không bao giờ cũ.

Nguy cơ ngộ độc từ những bếp ăn tập thể luôn hiện hữu

Phải nhắc lại những vụ ngộ độc từ bếp ăn tập thể của trường học trên địa bàn cả nước, để thấy rằng nếu không chú trọng vào công tác kiểm tra, khiểm soát thực phẩm, sử dụng thực phẩm để chế biến thành thức ăn cho học sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì nguy cơ xảy ra ngộ độc đến với các học sinh là rất cao. Ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng học tập của các em học sinh.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) ăn trưa tại trường. Ảnh: N.Y

Hẳn chúng ta còn nhớ vào tháng 3/2023 vừa qua, hơn 70 học sinh của trường tiểu học Kim Giang, Hà Nội, bị ngộ độc sau chuyến dã ngoại. Nguyên nhân được xác định là thực phẩm nhiễm vi sinh trong quá trình vận chuyển thức ăn từ điểm nấu tới nơi trẻ dã ngoại.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, Sơn La, cũng cho biết bệnh viện từng tiếp nhận hàng chục học sinh ngộ độc. Các học sinh này đều thuộc trường Tiểu học Mộc Ly (Mộc Châu, Sơn La) đi dã ngoại và về ăn tối tại một khách sạn trên địa bàn. Sau bữa ăn vài tiếng, 40 học sinh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm đã phải vào cấp cứu tại bệnh viện.

Nguyên nhân xác định ban đầu là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây ra ngộ độc cấp tính. May mắn, không có trường hợp nào bị ngộ độc nặng.

Trước đó vào lúc 10 giờ ngày 17/11/2022, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 930 học sinh, gồm các món: cơm gà, xốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh, dưa leo. Buổi chiều cùng ngày, các em được ăn bánh mì paparoti và uống nước tại hệ thống lọc nước của trường. Sau đó, nhiều em xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi có yêu cầu khẩn về việc làm rõ vụ ngộ độc tập thể tại trường iSchool Nha Trang, đến trưa 20-11, Sở Y tế tỉnh này cho biết số ca tiếp nhận là 600 ca, trong đó số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Hiện còn 266 ca đang được điều trị tại 6 bệnh viện. Số ca nặng là 21 ca và có 1 ca tử vong là cháu L.Z.X (SN 2016, là người nước ngoài).

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, từ những bếp ăn tập thể của trường học xảy ra trên phạm vi cả nước. Điều này cho thấy bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào ở những bếp ăn tập thể, luôn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộc độc có thể xảy ra.

Làm gì để học sinh không bị ngộ độc thực phẩm?

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, thay vì lo lắng, cầu mong con mình không rơi vào trường hợp xấu, không bị ngộ độc thực phẩm các phụ huynh nên có những biện pháp phòng tránh kịp thời bằng cách chủ động kiểm soát chất lượng bữa ăn của các em để phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Một bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP.HCM)- Ảnh: PV

Theo bà Lan có 5 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho học sinh gồm: ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật; ngộ độc thực phẩm do nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chứa độc tố (nguyên liệu chủ yếu cho chế biến thực phẩm là thực vật và động vật); ngộ độc thực phẩm do các quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm; ngộ độc thực phẩm do các chất phụ gia; ngộ độc thực phẩm do phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với học sinh, nhất là học sinh mầm non và tiểu học có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, vì thế dễ dàng bị ngộ độc thức ăn tập thể, nếu thức ăn không đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm (ATTP).

“Học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học bị ngộ độc thường rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, vì thế, phụ huynh và nhà trường cần chú ý vào khẩu phần ăn của con trẻ”, bà Lan nói.

Do đó để học sinh không bị ngộ độc thực phẩm, theo bà Lan các bậc phụ huynh cần kiểm tra, tìm hiểu cơ sở vật chất của nhà trường, đặc biệt là khu vực nhà bếp. Bởi bếp đạt chuẩn sẽ giúp phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh.

Trong đó, bếp ăn phải đảm bảo được thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều; có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp; vị trí bếp cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh; gian bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến (khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa…); dụng cụ chế biến thức ăn phải được phân loại sống, chín riêng biệt.

Nếu nhà trường có bất cứ điểm nào chưa đạt, phụ huynh thông báo lên Ban giám hiệu để có biện pháp khắc phục, hoặc có quyền yêu cầu cơ quan chức năng kiểm định để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Ngoài vệ sinh ATTP đến từ nơi chế biến và nguyên liệu, bà Lan còn lưu ý các phụ huynh phải chú ý đến vấn đề vệ sinh của các em, nhất là học sinh mầm non và tiểu học như: rửa tay trước khi ăn, nhất là khi ăn bốc; chỉ uống nước chín (đun sôi để nguội), hoặc đã qua thiết bị tinh lọc.

Các phụ huynh cần hạn chế cho các em ăn quà vặt có những dấu hiệu bất ổn từ hình thức, lẫn chất lượng. Trong đó, phụ huynh không cho các em sử dụng quà bánh có màu khác lạ, quá sặc sỡ do tẩm màu hóa chất; không ăn nấm, củ, rau, quả hoang dại nghi có độc, sản phẩm động vật có độc (phủ tạng, và da cóc, cá nóc…); không dùng đồ hộp lon phồng cứng ở 2 đáy hộp, bị gỉ, móp méo; sữa, nước giải khát trong hộp giấy bị phơi ngoài nắng dù còn hạn sử dụng; nước giải khát, nước đóng chai bị biến màu, đục, có cặn; không mua hàng bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng; tránh ăn ở quán không có nước sạch, hoặc cách xa nguồn nước sạch và không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường…

Khi các em sử dụng rau, củ, quả tươi, đặc biệt thức ăn sống phải được ngâm kỹ rồi rửa lại vài lần bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước chảy; thức ăn chín để qua bữa quá giờ, nếu không không được bảo quản lạnh (dưới 10°C), phải được hâm lại kỹ hoặc chần nước sôi.

Không thể thiếu công tác kiểm tra

Để hạn chế tối đa những nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm từ những bếp ăn tập thể ở các trường học, một điều không thể thiếu đó là công tác kiểm tra của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, y tế…đối với những bếp ăn tập thể nói chung và bếp ăn tập thể tại các trường học nói riêng.

Mới đây Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết Trung thu và các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên) cùng phụ huynh học sinh giám sát thực phẩm cung cấp cho bếp ăn trường học. Ảnh: Trang Thu

Cụ thể, từ ngày 15/8 - 9/10/2023 các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ tiến hành đợt cao điểm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh Trung thu, các sản phẩm từ bột... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong đó, tiến hành kiểm tra các nội dung như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sổ thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước;…

Ngoài ra, Ban quản lý sẽ kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở, cụ thể: Điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; điều kiện về con người; các hồ sơ pháp lý và nội dung khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra.

Ngay trước thềm năm học mới 2023-2024, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận và kiểm tra, đánh giá hồ sơ của các cơ sở đăng ký cung cấp thực phẩm cho các trường học.

Kết quả, đã tiếp nhận và thẩm định, đánh giá 46 hồ sơ (42 hồ sơ nộp đúng hạn, 4 hồ sơ nộp sau thời gian quy định); trong đó có 39/42 cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm, dịch vụ theo đơn đăng ký, 3 cơ sở không đạt. Không chỉ vậy, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận cũng đã kiểm tra, đánh giá thực tế các cơ sở chế biến suất ăn sẵn; sơ chế, kinh doanh thực phẩm hỗn hợp; sản xuất bánh, nước uống đóng chai… cung cấp cho trường học.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận Đinh Thị Thu Hương cho biết, quận yêu cầu thông báo công khai kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở đăng ký cung cấp thực phẩm cho các trường học để lựa chọn, ký hợp đồng trước khi bước vào năm học 2023-2024. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong tổ chức ăn bán trú cho các trường học. Để việc tập huấn đạt hiệu quả, quận yêu cầu xác định rõ đối tượng, nội dung tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng cụ thể theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định, tiêu chí về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; kịp thời điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở giáo dục (nếu có).

Công tác đảm bảo ATTP trong trường học là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Do đó, các đơn vị trường học có tổ chức bếp ăn tập thể đều xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo ATTP.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top