Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 6 năm 2024 | 14:47

Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Tỉnh Bắc Giang xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng ngành Nông nghiệp; giúp quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận, đồng thời khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

Một trong 9 lĩnh vực ưu tiên

Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thực hiện số hóa phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của ngành.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Bắc Giang ưu tiên áp dụng chuyển đổi số.

Ngành đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) một số lĩnh vực chủ lực phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống thông tin và CSDL về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang; xây dựng phần mềm CSDL quản lý về cấp giấy chứng nhận ATTP và kết quả thanh kiểm tra vệ sinh ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh bằng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

Xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Xây dựng mã số vùng trồng (quy mô từ 10ha trở lên), thực hiện số hóa vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Xây dựng mã Qrcode, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho HTX, doanh nghiệp; Xây dựng gian hàng không gian ảo lên sàn thương mại điện tử cho hợp tác xã,…

Cập nhật thông tin lớp CSDL công trình thủy lợi trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang. Ứng dụng phần mềm số hoá quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng mô hình xã thương mại điện tử xã Phúc Hòa. Hệ thống CSDL tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) toàn quốc.

Sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc BVTV được áp dụng ở một số địa phương ở Bắc Giang.

Ứng dụng công nghệ tưới tự động cho cây trồng trong nhà màng, nhà lưới. Ứng dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) vào tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc BVTV,… Xây dựng, triển khai mô hình chuyển đổi số như: Mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh; Mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh.

Cung cấp 16 tệp dữ liệu mở thuộc lĩnh vực của ngành nông nghiệp và PTNT trên cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang tại địa chỉ http://data.bacgiang.gov.vn để phục vụ các tổ chức, người dân và doanh nghiệp khai thác dữ liệu. Năm 2024, ngành Nông nghiệp xây dựng CSDL về các sản phẩm, khu vực trồng trọt nông nghiệp trọng điểm, cập nhật CSDL vào hệ thống GIS dùng chung của tỉnh; chỉnh lý, xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình đê điều, thuỷ lợi….

Đặc biệt, trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính việc áp dụng chuyển đổi số cho hiệu quả rất tích cực, 100% hồ sơ nộp trực tuyến; được giải quyết đúng và trước hạn, nhiều thủ tục hành chính thời gian giải quyết giảm từ 14-15 ngày xuống chỉ còn 01 ngày, qua đó đáp ứng kịp thời tính mùa vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Điểm sáng từ ngành Lâm nghiệp

Bắc Giang hiện có trên 160.000 ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 55.000 ha, diện tích rừng lớn, địa bàn rộng, hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, do đó việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã khởi động chương trình chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm số trong theo dõi, quản lý và bảo vệ rừng.

Giờ đây, chỉ cần điện thoại smartphone cài đặt FRMS FRMS 4.0, các cán bộ có thể cập nhật diễn biến rừng một cách nhanh, chính xác từ đó đưa ra phương án xử lý nhanh nhất.

Trước đây, mỗi khi đi kiểm tra tại thực địa cán bộ kiểm lâm phải mang theo bản đồ, giấy bút, định vị, la bàn, máy ảnh... Giờ đây, chỉ cần điện thoại smartphone cài đặt FRMS FRMS 4.0, các cán bộ có thể cập nhật diễn biến rừng một cách nhanh, chính xác từ đó đưa ra phương án xử lý nhanh nhất. Theo ông Đồng Thanh Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế, bây giờ tích hợp vào điện thoại, cán bộ kiểm lâm chỉ cần cầm điện thoại đã có thông số, tọa đồ, muốn chụp ảnh, điện thoại tích hợp phần mềm chụp ảnh, ảnh đó gắn với tọa độ khu rừng đó luôn.

Để cảnh báo nguy cơ cháy rừng kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã trang bị biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động ở khu vực có nguy cơ cháy cao. Biển báo sẽ tự động thu nhận các yếu tố khí tượng về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa để tính toán cấp dự báo cháy rừng, sau đó tự động điều kiển kim quay, đồng thời thông báo về số điện thoại của người quản lý biển. Điều này không chỉ giảm bớt thời gian đi lại của cán bộ kiểm lâm mà còn giúp chủ rừng cập nhật nhanh thông tin để đề phòng cảnh giác. Ông Lăng Văn Tâm, ở thông Đèo Sặt, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế cho biết, biển báo này cập nhật rất nhanh. Ở khu vực này hầu như nhà nào cũng có rừng, chính vì vậy liên quan đến cấp độ cảnh báo rừng có nguy cơ, người dân tự biết để phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm đã trang bị nhiều thiết bị không người lái (flycam) phục vụ công tác chỉ huy phòng cháy rừng, kiểm soát rừng thông qua video, hình ảnh được truyền tải trực tiếp, hỗ trợ xác minh thông tin biến động ngoài thực địa một cách nhanh chóng. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ kiểm lâm triển giao công nghệ, kỹ thuật để tất cả các bộ kiểm lâm cũng như lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có thể thực hiện được. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị máy móc đồng bộ để sử dụng có hiệu quả.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thực hiện giám sát, quản lý bảo vệ rừng bằng hệ thống Camera có chức năng phát hiện tình trạng phá rừng, cháy rừng, hệ thống thu phát tín hiệu từ các vị trí lắp đặt Camera về trung tâm điều hành với các chức năng cảnh báo sớm các đám phá rừng, cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại diện tích rừng bị cháy, phá gây ra.

Việc trang bị biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động ở khu vực có nguy cơ cháy cao tạo thuận lợi trong việc chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ứng dụng thiết bị bay không người lái (flycam) vào tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; kịp thời phát hiện cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật để ngăn chặn, xử lý triệt để; kịp thời phát hiện ra sâu bệnh hại rừng để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời làm cho rừng được bảo vệ tốt hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) vào xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp hàng năm.

Triển khai các giải pháp gỡ khó

Tại Hội nghị Đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cơ sở năm 2024, diễn ra mới đây, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang thông tin, một trong những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vì thế gây khó khăn trong tiếp cận thị trường. Khắc phục vấn đề trên, ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó nông dân có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước.

Nắm bắt thực tế về trình độ công nghệ của nông dân còn hạn chế, ngành ưu tiên hàng đầu là tăng cường tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về chuyển đổi số; xây dựng các đề án giúp nông dân có thể sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thâm canh thuỷ sản. Đồng thời, quan tâm mã hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói để các bạn hàng ở nước ngoài cũng biết được mã vùng sản xuất của chúng ta, từ đó tiếp cận thông tin năng suất, sản lượng. Qua đó, người dân tự giới thiệu sản phẩm cho các thị trường. Ngoài ra, nhiều thủ tục hành chính được cải tiến, có thủ tục rút ngắn từ 18 ngày còn một ngày, vừa đáp ứng yêu cầu thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Thành cho biết.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp tạo thành công để nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân hiểu tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số; khuyến khích nông dân sử dụng các thiết bị điện tử để thay đổi tập quán sản xuất từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Xây dựng đội ngũ chuyên trách về chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang trang bị nhiều thiết bị không người lái (flycam) phục vụ công tác chỉ huy phòng cháy rừng, kiểm soát rừng.

Đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, hình thành sản xuất quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phát triển các HTX nông nghiệp, coi đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng cho các tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án/kế hoạch tổng thể chuyển đổi số ngành nông nghiệp để tổ chức thực hiện đồng bộ hơn. Tập trung xây dựng CSDL lớn của ngành. Thực hiện tích hợp các phần mềm CSDL vào CSDL dùng chung của tỉnh, Bộ, ngành. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top