Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 9 năm 2023 | 9:58

Bản Lầu chuyển mình

Bị tàn phá trong chiến tranh biên giới năm 1979 nhưng Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) đã mạnh mẽ vươn lên và có bước chuyển mình ngoạn mục trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, trở thành điểm sáng nông thôn mới nơi “phên giậu” Tổ quốc.

Phong trào giúp nhau làm kinh tế

Là xã cửa ngõ của huyện Mường Khương có chiều dài đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc 10,42km, Bản Lầu có 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Kinh tế ở Bản Lầu khởi sắc từ khi tái lập tỉnh Lào Cai năm 1991 bởi đường lối đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền và sự năng động, cần cù, đoàn kết trong lao động sản xuất của người dân.

Sát biên giới, người dân Bản Lầu cũng như cư dân nước bạn thường xuyên giao thương và trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, xã đã sớm hình thành vùng sản xuất hàng hóa với sản lượng dứa, chuối lớn.

Phong trào giúp nhau làm kinh tế luôn được duy trì ở Bản Lầu.

Bà Sùng Díu, Trưởng thôn Na Lốc II, chia sẻ: “Thôn có 82 hộ với hơn 300 khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông. Trước đây, ngô, chuối, dứa là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao nên bà con trong thôn rất tích cực tham gia sản xuất. Nhà tôi cũng trồng gần 13 vạn cây dứa, mỗi năm có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, chưa kể diện tích chuối, ngô và đàn lợn đen gần 20 con”.

Gần nhà trưởng thôn có gia đình bà Hoàng Ca cũng giàu lên từ 1.200 gốc chuối, 13 vạn gốc dứa, mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, bà con trong thôn còn bảo nhau giúp những gia đình khó khăn, hộ nghèo cùng vươn lên phát triển kinh tế. Bà Díu cho biết, ngoài những chương trình hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, Hội Phụ nữ thôn gồm 56 thành viên cũng tự gây quỹ bằng một ngày đi làm được 15 triệu đồng. Số tiền này dành cho những hội viên nghèo vay không tính lãi. Bằng nguồn vốn này, gia đình bà Sùng Thị Xay mua được 8 lợn con. Sau 6 tháng, đàn lợn đen được xuất chuồng, gia đình bà Xay đã trả được tiền vay và có vốn để tiếp tục đầu tư nuôi mới. Tiền quỹ lại được tiếp tục đến tay những hộ nghèo khác... Ngoài ra, bà con cũng chung tay giúp nhau đổi công lao động, giúp nhau khi các gia đình có công to việc lớn, tặng quà gia đình khó khăn vào mỗi dịp lễ, Tết.

Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, cho biết: “Bản Lầu là một trong những xã sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của huyện với hơn trên 1.000ha dứa, 600ha chè, trên 400ha quế, có vùng sản xuất lúa đặc sản Séng Cù trên 100ha. Năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.864 tấn, bằng 105 % kế hoạch (sản lượng thóc là 1.438 tấn và ngô là 1.426 tấn). Sản xuất chăn nuôi đại gia súc, gia cầm phát triển ổn định với tổng đàn gia súc của xã năm 2022 đạt 1.200 con. Trồng rừng đạt 61ha/35ha”.

Quyết tâm XDNTM nâng cao

Là địa phương về đích NTM sớm nhất huyện Mường Khương (năm 2015), hạ tầng nông thôn ở Bản Lầu được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có sự chuyển biến đáng kể. Xã đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và phát triển kinh tế ở địa phương.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đồng bộ, đặc biệt là XDNTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư là chính. Công tác tuyên truyền miệng được coi là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả nhất, nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự chủ, tự lực tự cường; nhất là tại các hội nghị tuyên vận, cuộc họp giao ban của các ban, ngành đoàn thể, cuộc họp thôn, tại các buổi lễ cúng rừng đầu năm..., thu hút được 1.800 lượt người  tham gia.

Diện mạo bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã (17 cụm loa), những chuyên mục hay về XDNTM, những gương điển hình trong XDNTM được biểu dương như: Tổ tuyên vận thôn Na Pao vận động 7 hộ nhân dân hiến 2.326m2 đất để mở rộng đoạn đường Na Pao đến Bãi Nghệ, xã Bản Xen; Tổ tuyên vận 2 thôn Na Mạ 1, Na Mạ 2 vận động 24 hộ dân hiến 16.505m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; Tổ Tuyên vận thôn Pạc Bo vận động 4 hộ hiến 200m2 đất để làm đường giao thông nông thôn... Nhờ vậy, năm 2022, Nhân dân đã hiến 19.031m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Công tác tuyên truyền cũng khích lệ người dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí NTM, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, chỉnh trang bộ mặt nông thôn, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ông Hoàng Văn Kiên chia sẻ: “Những năm gần đây,  Nhân dân trong xã cũng gặp không ít khó khăn như: Sản phẩm hàng hóa của một số cây chủ lực (chuối, dứa) không còn được duy trì và phát triển mạnh như trước do giá nông sản thấp trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao; dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên việc tái đàn bị hạn chế. Ngoài ra, thời tiết những tháng đầu năm 2023 nắng nóng kéo dài làm cho một số loại cây trồng bị thiệt hại, năng suất, sản lượng giảm sút khiến việc thực hiện một số tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất... gặp khó khăn. Xã  đang duy trì 3 thôn kiểu mẫu và nâng cao 8/19 tiêu chí đã đạt chuẩn NTM.

Trong lộ trình từ năm 2022-2025, Bản Lầu đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tập trung mở rộng quy mô, diện tích đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như: chè, dứa, quế, chăn nuôi lợn…, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm; công khai, minh bạch mọi thông tin để tạo sự tin tưởng của khách hàng, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương..., tạo động lực để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa giàu bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh trật tự, phấn đấu sớm trở thành xã NTM nâng cao”.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top