Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024 | 11:8

Các chương trình MTQG góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở Lai Châu

Ba chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Đặc biệt, các CTMTQG đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương trong cả nước đang thay đổi nhờ vào thực hiện tốt 3 chương trình MTQG. Trong đó, tỉnh dựa vào nguồn lực để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Mường Tè thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Mường Tè là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Xác định tầm quan trọng của việc triển khai chương trình, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện hiệu quả các nội dung nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng; tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có nhiều lợi thế: nông - lâm nghiệp, dịch vụ du lịch và thủy điện… Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Là huyện thuần nông có 14 đơn vị địa giới hành chính, dân số trên 47 nghìn người với 10 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 90%. Giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Tè được bố trí tổng nguồn vốn trên 600 tỷ đồng từ các chương trình MTQG, trong đó: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khoảng 27 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 201 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 372 tỷ đồng. Để các chương trình được triển khai, thực hiện hiệu quả, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025 và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Ông Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Huyện đưa ra những giải pháp cụ thể để các nguồn lực đầu tư phát huy hiệu quả lớn nhất và gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng, nghị quyết HĐND các cấp. Ban Chỉ đạo cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện các dự án ngay từ những tháng đầu năm, ngay sau khi được phân bổ vốn. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè.

Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác thẩm định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo mặt bằng để thực hiện triển khai thi công các công trình, dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng theo hạng mục, giai đoạn, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, hỗ trợ người dân phát triển những sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, cây dược liệu, sâm Lai Châu. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những cơ quan chủ lực tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện về triển khai thực hiện các nội dung chương trình. Đồng chí Lùng Văn Sáng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới đã được giao, phòng tham mưu cho UBND huyện phân bổ ngân sách và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng UBND các xã triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phòng phối hợp với UBND các xã, chủ đầu tư tổ chức rà soát tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp. Tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại 13 xã và phát triển dược liệu quý ở các xã có thế mạnh: Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Ka Lăng...

Đặc biệt, với Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, phòng kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn liên kết với người dân, hỗ trợ các bước liên quan đến hồ sơ, thủ tục. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 10 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thực hiện dự án với diện tích trồng ước đạt trên 50ha. Giai đoạn 2023-2025, dự kiến huyện Mường Tè triển khai trồng khoảng 210ha cây dược liệu quý, trọng tâm là sâm Lai Châu, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trên 60 tỷ đồng.

Nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình MTQG đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè, qua đó đóng góp tích cực vào hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông; 69% số bản có đường xe máy hoặc ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% đồng bào các dân tộc được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…

Tuy nhiên, để các chương trình MTQG sát với cơ sở và phát huy hiệu quả, các sở, ban, ngành của tỉnh cần sớm tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn giao hàng năm, bao gồm cả vốn kéo dài của các tiểu dự án thuộc các dự án thành phần phù hợp với thực tế các địa phương. Đặc biệt, cần sớm thông báo, phân bổ vốn dự kiến hàng năm cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, thực hiện.

Giang Ma tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường) xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao. Từ đó, nhiều nông dân trên địa bàn xã vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi trở lại bản Giang Ma, xã Giang Ma, chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của bản vùng cao này. Đường nội bản được đổ bê tông giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện, nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát hai bên đường. Những thửa ruộng bậc thang cùng nương dong riềng, nương sắn xanh tốt gợi hình ảnh của xã vùng cao ngày càng trù phú.

Dừng tay làm cỏ, anh Giàng Páo Giang (bản Giang Ma) chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng lúa, trồng ngô giống địa phương nên năng suất thấp, kinh tế gia đình khó khăn lắm. Được cấp uỷ, chính quyền xã tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Với gần 10ha, tôi trồng đa dạng các loại cây trồng như: cây ăn quả ôn đới, lúa, ngô, sắn, dong riềng, khoai sọ, cỏ voi… Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, trừ các loại chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm".

Người dân bản Giang Ma (xã Giang Ma, huyện Tam Đường) chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dong riềng.

Gia đình anh Lù A Gôn ở bản Tả Cu Tỷ cũng là hộ gia đình có kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích đất nông nghiệp rộng, màu mỡ, anh Gôn quyết định phát triển các loại cây trồng để có thêm thu nhập, nhận thấy các xã lân cận như Hồ Thầu, Bình Lư trồng dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Gôn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng 1ha dong riềng.

Anh Gôn cho biết: “Để cây dong riềng sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình thường xuyên huy động nhân lực tập trung chăm sóc, bón phân phòng trừ sâu bệnh. Nhiều năm nay, cây dong được mùa, được giá, mang lại thu nhập cao. Tôi không bán củ dong tươi mà tiến hành nghiền bột để bán, bột dong riềng giá khá cao, dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Năm 2023, tôi thu được gần 70 tấn củ, trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng 3.000m2 khoai sọ, thu lãi gần 35 triệu đồng, năm nay mở rộng diện tích lên 4.000m2. Thấy hiệu quả kinh tế cao từ trồng khoai sọ, nhiều hộ dân trong bản đã tới tham quan, học hỏi và mạnh dạn trồng thử nghiệm”.

Anh Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết: “Giang Ma là xã vùng cao của huyện Tam Đường, để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả ôn đới (cây lê, đào chín sớm), dong riềng, bí xanh... Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Thường xuyên cử hội viên nông dân tham quan, học hỏi những mô hình mới, cách làm hay ở các địa phương trong huyện, tỉnh để áp dụng vào thực hiện tại gia đình mình.

Hiện nay, xã Giang Ma có 116ha cây ăn quả ôn đới, hơn 48ha dong riềng, hơn 4ha khoai sọ. Đặc biệt, những năm trở lại đây xã duy trì mô hình trồng bí xanh với diện tích 4ha tại cánh đồng các bản Mào Phô, Giang Ma, Phìn Chải, sản lượng thu hoạch đạt 250 tấn. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 20,28%. Chuyển đổi cây trồng theo hướng tích cực, người dân đã có nguồn thu nhập cao, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính đồng đất quê hương".  

Tam Đường: Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp

Tam Đường là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Những năm qua, huyện lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương Tam Đường ngày một khởi sắc.

Tại các xã: Bản Hon, Thèn Sin, Bình Lư, Bản Bo và Sơn Bình chúng tôi thấy bà con nơi đây đã hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gồm: lúa, chè, chanh leo, dong riềng và cây ăn quả ôn đới. Để khơi dậy tiềm năng đất đai, nguồn nước, phát triển nông nghiệp, huyện định hướng cho nông dân xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Từ đó, huyện giải quyết việc làm cho 2.023 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,57% năm 2023 (đạt 117% kế hoạch).

Người dân xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) kiểm tra sự phát triển của cây chanh leo.

Điểm dừng chân đầu tiên chúng tôi đến ruộng chanh leo xanh tốt, sai quả của xã Sơn Bình. Toàn xã có 109ha chanh leo trên đất ruộng một vụ ngô, lúa. Bà con tham gia dự án trồng chanh leo được huyện hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón năm thứ nhất và hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Mỗi năm, bà con thu hoạch sản lượng quả đạt 7 tấn/ha.

Đứng ngắm ruộng chanh leo xanh non mơn mởn, sai trĩu quả của anh Giàng A Của ở bản Chu Va 8 (xã Sơn Bình), chúng tôi cảm nhận được nỗ lực lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của gia đình. Anh Của tâm sự: “Nhờ cán bộ huyện, xã luôn đồng hành, hướng dẫn, 2 năm gần đây, gia đình tôi chuyển đổi 0,5ha ruộng 1 vụ lúa sang trồng chanh leo. Tôi tiếp thu kiến thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây chanh leo theo từng thời kỳ. Hiện, tôi đang tỉa bớt lá, phun thuốc phòng bệnh loang dầu đúng thời điểm. Nhờ đó, tôi thành công từ trồng cây chanh leo với thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi năm”.

Trước đây, nhiều người chỉ biết cây chè ở xã Bản Bo nhưng nay, cây chè trên đất Bản Hon sinh trưởng, phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế cao. Bà con tìm tòi, nắm bắt khoa học, công nghệ mới để ứng dụng vào thực tiễn chăm sóc cây chè. Hiện, toàn xã có 122,3ha cây chè, trong đó 122,3ha chè kinh doanh với sản lượng chè búp đạt 1.125,2 tấn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lò Văn Giọt - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Thời gian qua, người dân trong xã được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt  là hỗ trợ về giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như: lúa, chè, mắc-ca, cây ăn quả. Bà con khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn nước, khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao đời sống gia đình”.

Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, những năm qua, huyện Tam Đường chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025; xây dựng bản đồ nông nghiệp của huyện, xác định rõ cây trồng chủ lực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thực hiện hiệu quả các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con mở rộng diện tích các loại cây trồng tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến như: chè, chanh leo, dong riềng. Bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 20 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết với người dân trồng, sản xuất chè, miến dong, chanh leo gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 2.227,9ha chè với sản lượng chè búp đạt 14.350 tấn (tăng 1.350 tấn so với cùng kỳ năm trước). Người dân mở rộng trồng mới trên 300ha, sản lượng đạt 5.845 tấn, tăng 965 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây chanh leo thường xuyên cho thu hoạch quả, khẳng định được năng suất, chất lượng, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường Nguyễn Đình Thượng cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, khí hậu ôn hòa, những năm gần đây huyện định hướng cho bà con phát triển vùng thâm canh cây chè, mắc-ca, chanh leo tập trung, mang lại năng suất, sản lượng cao. Qua đó, nâng cao thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 42 triệu đồng/người/năm”.

Với kết quả trên, tin rằng, thời gian tới, huyện Tam Đường tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn. Từ đó, thúc đẩy kinh tế địa phương khởi sắc.

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top