Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 11 năm 2022 | 12:7

Cam Hà Giang - “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”

Chắt lọc tinh hoa của đất trời cực Bắc, cam Hà Giang đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Không chỉ chinh phục thị trường miền Bắc, cam Hà Giang đang vươn xa, phủ rộng trên toàn quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Niềm vui vụ cam chín sớm

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) - ông Hoàng Hải Chư cho rằng: Giá cam Vinh tại xã hiện cao gấp đôi so cùng kỳ. Vĩnh Phúc hiện có khoảng  450ha cam thuộc nhóm chín sớm đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 16 tấn/ha. Sản lượng đầu vụ ước đạt trên 7.200 tấn, mang về cho nhà vườn trồng cam khoảng 860 tỷ đồng. Giá bán cam sớm cuối vụ có thể tăng lên khoảng 18-20 ngàn đồng/kg.

Mỗi cây cam 5- 6 năm tuổi, được chăm bón đúng cách, sẽ cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Bình quân, 1ha cam Vinh trồng tại Vĩnh Phúc mang lại cho bà con doanh thu 450- 550 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình trở thành tỷ phú nhờ trồng cam.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra sự phát triển của cam.

Thương lái thu mua cam nhận định, sẽ có một mùa cam sôi động về giá. Bởi lẽ, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi và du lịch, dịch vụ đang “ấm” trở lại. Sự phát triển ổn định về kinh tế và đang đà tăng tốc dịp cuối năm sẽ tạo ra nhu cầu tiêu dùng lớn.

 Người trồng cam ở Bắc Quang cho biết, giá bán cam năm nay sẽ cao hơn, dễ bán hơn và thị trường tiêu dùng cũng rộng mở. Vụ thu hoạch cam cuối năm sẽ là mùa cam bội thu của nhà nông trong huyện. Còn hiện tại,  cam C1, C36, cam Đường Canh... là những giống chín sớm, có giá bán tốt. Cam Vinh được trồng khá phổ biến tại Bắc Quang, khoảng 1.500ha, cũng đang có nhiều khách hàng tìm mua. Giá bán cam Vinh tại các vườn cũng được định giá theo ngày.

Thực tế cho thấy, niềm vui của người dân vùng trọng điểm trồng cam ở Bắc Quang đang thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) - Hoàng Văn Xuân cho biết: Thị trường cam chín sớm khá sôi động, bán được giá. Giá bán cam Vinh tại xã Vĩnh Hảo hiện được thương lái đặt mua tại vườn cao gấp đôi thời điểm năm 2021. Giá bán cam Vinh ở Vĩnh Hảo đang có chiều hướng tăng. Mỗi ngày có ít nhất khoảng 10 chuyến xe chở cam chín sớm về xuôi.

“Tung” mạnh sản phẩm trên các nền tảng số

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam, các cơ quan chức năng của huyện Bắc Quang đã cùng vào cuộc.

Trưởng phòng Công Thương huyện Bắc Quang - Hà Mạnh Thắng cho biết: Bắc Quang đã sử dụng hiệu quả các kênh thông tin để quảng bá sản phẩm cam chín sớm  trên các nền tảng số. Tiếp tục duy trì các mối liên kết bán hàng tại các siêu thị lớn trong toàn quốc để tiêu thụ cam. Đồng thời, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội trong, ngoài tỉnh cùng giúp nông dân trong huyện tiêu thụ sản phẩm...

Chủ tịch Hội trồng cam huyện Bắc Quang - Phạm Quang Lân cho biết: Hội đã chủ động gặp Giám đốc các HTX trồng cam VietGAP, gặp lãnh đạo các đầu mối tiêu thụ ký các hợp đồng ghi nhớ ngay khi vụ cam chín sớm bắt đầu cho thu hoạch.

Cam Sành Hà Giang được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: THU PHƯƠNG.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản xuất cam theo quy trình VietGAP đã thay đổi nhận thức của  nhà vườn trong việc sản xuất an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng phân bón hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; ghi chép quá trình chăm sóc đầy đủ theo hướng dẫn...

Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất mà còn bảo vệ cân bằng sinh thái, môi trường, làm cho đất, nước, không khí không bị ô nhiễm bởi dư thừa, mất cân đối phân hóa học và các chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, giúp sản phẩm cam Sành có chất lượng tốt hơn đến các thị trường nông sản chất lượng cao.

Cùng với đó, để minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cam sành,  Hà Giang còn áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý. Chỉ riêng năm 2021, ngành chuyên môn đã cấp 4,8 triệu tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Sành, cam vàng của tỉnh Hà Giang.

Giám đốc HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc - Trần Trung Thuyết chia sẻ: HTX hiện có trên 410ha cam Sành, trong đó, diện tích sản xuất cam VietGAP đạt hơn 250ha, năng suất đạt 150 tạ/ha/vụ. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thẩm định, đánh giá để cấp giấy chứng nhận VietGAP cho khoảng 70 ha cam sành đủ tiêu chuẩn, từ 100% kinh phí của HTX.

Bên cạnh sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc cam Sành Hà Giang chính là “giấy thông hành” giúp HTX khẳng định sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn về chất lượng. Qua đó, vừa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nhà vườn, vừa nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nhờ đó, sản phẩm cam sành của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong cả nước, được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso, Sendo). Mặc dù chưa bước vào vụ thu hoạch cam sành niên vụ 2022 - 2023 nhưng thời điểm này, chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ các siêu thị lớn như BigC, Saigon co.op.

Chắt lọc tinh hoa của đất trời cực Bắc, cam Sành Hà Giang đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” - danh hiệu vàng do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận; xuất sắc lọt top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận.

Cùng với đó, thông qua công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cam Hà Giang ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ chinh phục thị trường miền Bắc, cam Hà Giang đang vươn xa, “phủ sóng” toàn quốc khi sản phẩm được bày bán ở các siêu thị lớn trong cả nước, như: WinMart, BigC, Hapro, Saigon co.op... với sản lượng bình quân  300 - 500 tấn/năm.

Thực tế chứng minh, cam Sành có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Hà Giang. Giá trị sản xuất cam sành niên vụ 2021- 2022 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 7,26% giá trị ngành nông nghiệp… Nhà vườn cần tuân theo quy hoạch và tăng sản phẩm chế biến, có vậy, cam Hà Giang mới phát triển bền vững.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top