Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 9 năm 2024 | 11:13

Gặp người được anh trai lập "bàn thờ" suốt 20 năm

Cuối 1954, sau khi tập kết ra Bắc để chuẩn bị cho cuộc cách mạng thống nhất đất nước, mất liên lạc với người nhà, ông Phan Lạo bị người thân tưởng rằng đã chết, lập bàn thờ suốt 20 năm, cho đến ngày giải phóng ông được trở về thăm quê hương.

Hai mươi năm biệt tích

Tháng 8, dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu Thu, chúng tôi đặt chân đến vùng đất Nông trường Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), nơi các đồng chí bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc còn đang sinh sống tại đây. Được các đồng chí Nông trường Bãi Trành đưa đến thăm gia đình ông Phan Lạo, thôn 12, xã Xuân Bình. Tuy ở tuổi 93, nhưng nhìn ông Lạo rất minh mẫn.

Chia sẻ về hành trình tiến ra Bắc của mình chuẩn bị cho công tác cách mạng của Đảng, ông Lạo nói: Là người con thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, tham gia bộ đội 1952, của tiểu đoàn 71, Quân khu V. Theo quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956 và đào tạo lực lượng cán bộ cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, những người lính, cán bộ, học sinh ngày ấy đã lên chuyến tàu rời quê hương tập kết ra Thanh Hóa, để lại sau lưng những người thân yêu, hình bóng của làng quê xa dần. Với lời thề sắc son đi vinh quang, ở lại anh dũng, cùng lời hẹn hai năm sau thực hiện tổng tuyển cử ngày non sông đất nước giải phóng sẽ trở về.

Ông Phan Lạo quê thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, tiểu đoàn 71, Quân khu V, tập kết ra Thanh Hóa năm 1954.

Ông Phan Lạo quê thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, tiểu đoàn 71, Quân khu V, tập kết ra Thanh Hóa năm 1954, người được anh trai lập bàn thờ sống suốt 20 năm.

“Rời bến cảng Quy Nhơn trên chuyến tàu Hà Lan, tháng 10 năm 1954, con tàu cập bến cảng Sầm Sơn, bộ đội chúng tôi được người dân đón tiếp rất nồng hậu. Sau 7 ngày, tôi cùng đoàn trở về Nông trường Bãi Trành để làm kinh tế, lúc này tiểu đoàn chúng tôi mới thành lập Trung đoàn 324, thuộc Quân khu 4”, ông Lão nói.

Theo ông Lạo, Thanh Hóa thời điểm đó còn gánh chịu thêm nạn đói vì hạn hán, rồi lũ lụt, quần áo vá vai, cuộc sống rất khó khăn vất vả nhưng mọi người nhường cơm sẻ áo, dành mọi thứ tốt nhất cho con em đồng bào miền Nam được hưởng để học tập. Do bị thương, sức khỏe không đủ để di chuyển vào miền Nam phục vụ kháng chiến, nên ông đã phải ở lại Nông trường Bãi Trành làm kinh tế.

Việc đưa con em cán bộ, chiến sỹ cách mạng miền Nam ra Bắc là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa của Đảng. Đó cũng là cách để bảo vệ cho thế hệ tương lai cho đất nước, vì chiến sự lúc đó vô cùng căng thẳng. Khi đó, Bác Hồ biết rằng sự nghiệp thống đất nước là một cuộc đấu tranh kéo dài vô cùng gian khổ, Đảng ta nắm được âm mưu của chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ từ chối thực hiện thi hành Hiệp định Geneve.

Trải qua 20 gian khổ mới giành được độc lập, là từng ấy năm các chiến sỹ bặt vô âm tín, hy sinh cái tình thân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng trên mọi mặt trận, cho đất nước được ngày độc lập, nghe câu nói của ông Lạo “cuộc sống của chúng tôi ngày Bắc, đêm tâm hồn lại ở miền Nam” mà khiến chúng tôi cũng phải rớm giọt nước mắt theo cùng ánh nhìn xa xăm của ông.

“Cán bộ, chiến sỹ ngày ấy không được liên hệ với gia đình, nếu bị phát hiện, gia đình gặp nguy hiểm. Năm 1976, sau độc lập chúng tôi mới trở về quê hương. Khi không có liên lạc của tôi, gia đình quay vào Quy Nhơn để tìm kiếm trong khoảng thời gian dài, tưởng rằng tôi đã mất, nên người anh trai lập bàn thờ, thờ tôi cho đến ngày gặp lại; thời điểm đi bố vẫn còn, khi quay lại không còn bố”, ông Lạo kể trong ánh mắt rơm rớm đỏ.

Vợ chồng ông Lạo cùng những người con của mình sinh sống tại vùng đất Như Xuân, Thanh Hóa.

Vợ chồng ông Lạo cùng những người con của mình sinh sống tại vùng đất Như Xuân, Thanh Hóa.

Ở lại Nông trường Bãi Trành làm kinh tế tiếp viện cho miền Nam, ông lập gia đình cùng với bà Dung công nhân Nông trường, hiện có 5 người con trưởng thành và sinh sống tại vùng quê Thanh Hóa.

Ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết, sau Hiệp định Geneve hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ học tập tại Nông trường Bãi Trành (trên mảnh đất xã Xuân Bình). Theo đường lối của Đảng, cán bộ, chiến sỹ rời Nông trường, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, rất nhiều các chiến sỹ do sức khỏe phải ở lại gây dựng kinh tế, xây dựng miền Bắc đi lên XHCN. Ông Phan Lạo là một trong 3 đồng chí bộ đội cao tuổi (ông Phan Lạo 93 tuổi, ông Trần Ấm 94 tuổi, ông Phạm Nhiều 102 tuổi) sinh sống cùng gia đình trên mãnh đất Xuân Bình.

Tiếng gọi của Đảng

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, cách đây 70 năm, ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước theo hiệp định Geneve: Ðể thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Ðể ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược, đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam tập kết ra bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng.

Theo Hiệp định Geneve, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại ba khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các lán trại, nhà điều dưỡng, nhà đón tiếp để tiến hành tổ chức trao trả tù binh cho đối phương và đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị địch bắt. Đồng thời đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh, học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc.

Hình ảnh con tàu tập kết được xây dựng tại Phường Quãng Tiến, TP.Sầm Sơn, nhằm lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Hình ảnh con tàu tập kết được xây dựng tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn - khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Ông Trần Chí Trác (87 tuổi), cựu Bí thư Đảng uỷ phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, cho biết, thời điểm chuẩn bị đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, ông là cán bộ Đoàn thanh niên phường Quảng Tiến, được uỷ ban phường giao nhiệm vụ vận động Đoàn viên thanh niên ra đón tiếp, huy động thuyền đánh cá của ngư dân đưa đồng bào miền Nam lên bờ do lường Lạch Hới cạn. Để đón tiếp đồng bào miền Nam, hàng ngàn người dân ở Sầm Sơn, huyện Quảng Xương và các địa phương lân cận được huy động xuống Lạch Hới xây dựng lán trại.

Ngày 25/9/1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến cảng Lạch Hới, được chào đón trong niềm hân hoan, thắm đượm tình cảm của Nhân dân Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa.

Trong 8 tháng (từ 9/1954 đến 5/1955), toàn tỉnh đã đón 7 đợt, gồm 45 chuyến tàu, trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ. Không ít cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ở Thanh Hóa đã tham gia gây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể ở Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành… góp phần xây dựng mục tiêu đi lên CNXH tại miền Bắc.

Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, tháng 8/2022, tỉnh Thanh Hóa đã khởi công dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn. Công trình có tổng vốn gần 255 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 76 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.Sầm Sơn và các nguồn huy động xã hội hóa.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top