Là phóng viên viết về nông nghiệp, nông thôn đã nhiều năm, sướng cũng có, khổ cũng có, thế nhưng cảm xúc lại là thứ mà tôi đang “có” nhiều nhất.
Cứ mỗi lần gặp những người nông dân khắc khổ, lao động quần quật cả năm mà cuộc sống vẫn muôn bề thiếu thốn, khiến những người làm báo như tôi cũng buồn, trăn trở theo... giống như bản thân đang là nông dân đích thực.
Thực tế ấy càng thôi thúc những người làm báo chúng tôi tìm tòi nhiều hơn những mô hình nông nghiệp thành công để giới thiệu đến bà con nông dân, để lan tỏa phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế ở vùng nông thôn.
Hết mình với nông thôn mới
Là một trong những phóng viên đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện chương trình, tôi đã nhanh chóng nhập cuộc. Để làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, bản thân tôi cùng nhiều phóng viên khác luôn hăng hái đi thực tế gặp gỡ người dân, thu thập các thông tin, tư liệu về XDNTM để có bài viết sâu sắc, chính xác, có sự lan tỏa.
Từ cố gắng đó, nhiều tác phẩm tuyên truyền về phong trào XDNTM đã ra đời như: “Hội An phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024”, “Điện Trung nỗ lực cán đích xã NTM kiểu mẫu”, “Thăng Bình nỗ lực xây dựng NTM nâng cao”... Và gần đây nhất là bài viết về NTM của huyện Hoà Vang (TP. Đà Nẵng).
Không ngại nắng, gió, sẵn sàng xắn quần, để chân trần lội ruộng là những bản chất tốt đẹp, chịu khó của phóng viên viết về nông dân.
Bên cạnh những mô hình mới, cách làm hay, những vấn đề khó khăn, bất cập trong XDNTM... cũng được đề cập trong các bài viết, từ đó tạo sức lan tỏa, nhân rộng cách làm hay, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn, hạn chế nhằm XDNTM đạt chất lượng, hiệu quả lâu dài và bền vững. Được gắn bó với đồng ruộng, vuông tôm, với những vụ mùa và hiểu hơn giá trị của hạt lúa, con tôm, hạt muối được làm ra từ mồ hôi, nước mắt của người dân là niềm vui, là động lực để chúng tôi gắn bó và lăn xả với nghề báo, đặc biệt là với các đề tài về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Sinh ra và lớn lên ở huyện thuần nông, nên tôi dường như luôn cảm thấy sự gần gũi và có cảm hứng để thực hiện những đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt khác, những câu chuyện, những vấn đề ở nông thôn như: Người dân chưa có điện, sử dụng điện chia còn nhiều khó khăn, vất vả; Sức lan tỏa của phong trào XDNTM; Việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt lúa, con tôm... rất cần được đề cập để tuyên truyền cũng như gỡ khó cho bà con.
Chính vì vậy mà hầu như các tin, bài của tôi luôn tập trung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không thể nhớ hết những kỷ niệm vui, buồn trong những lần tác nghiệp ở các vùng nông thôn, nhưng không thể quên được tấm chân tình của các cô chú, anh chị làm nông. Sự thật thà, chất phác của họ làm cho tôi càng muốn gắn bó hơn với nghề báo, muốn được thực hiện nhiều hơn những bài viết về nông thôn, nông dân...
Người bạn đáng tin cậy của nông dân
Hiểu và thương người nông dân bao nhiêu, nhà báo cũng thấy nao lòng bấy nhiêu khi chứng kiến cảnh thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hay những trăn trở của bà con khi nhọc nhằn làm ra hạt lúa, hạt muối, con heo, con cá mà không bán được, nhiều khi là mất giá.
Tình hình bệnh dịch ở heo đã và đang hoành hành không chỉ ở Quảng Nam mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính quyền các địa phương, ngành chức năng phải vất vả với công tác phòng chống dịch, còn người chăn nuôi thì buồn, tiếc khi chứng kiến đàn heo bệnh bị tiêu hủy và đối mặt với tình trạng thua lỗ. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ một phần, thế nhưng không thể bù đắp được công sức, tâm huyết mà bà con đã đầu tư, gắn bó với nghề. Đó là chưa nói đến việc ngành chăn nuôi Quảng Nam và các tỉnh, thành khác bị ảnh hưởng, kéo theo đó là người chăn nuôi thất thu trong một khoảng thời gian.
Chuyến vào rừng để được nghe kể về câu chuyện của những người giữ rừng ở khu vực “ngã ba Đông Dương”.
Viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chắc chắn đòi hỏi phải là một nhà báo có “Tâm”; là người không ngại nắng, gió, sẵn sàng xắn quần, để chân trần lội ruộng, hay không ngần ngại vào tâm điểm của “ổ dịch”… thì mới có thể đem đến những tác phẩm chân thực, mang “hơi thở cuộc sống”. Hơn thế nữa, do các đề tài cũng rất phong phú nên muốn viết tốt thì không có cách nào khác - phải học tập không ngừng để có kiến thức thực tế và phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân.
Những chuyến lặn lội đến các thôn, bản, làng, xã... cũng ghim lại trong chúng tôi bao kỷ niệm đẹp. Khi thì lên “ngã ba Đông Dương” cheo leo đỉnh núi, nơi một tiếng gà gáy ba nước nghe thấy; khi lại đi giữa tán cây đại ngàn, nghe chuyện người trồng rừng, giữ rừng; khi đến vùng đất bãi mướt mát màu xanh cây trái... Nhiều vùng nông thôn của Đà Nẵng trước kia, nay đã “thay da đổi thịt” trong quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá. Phóng viên trẻ chúng tôi miệt mài để đi hết mấy trăm xã, mấy nghìn thôn, nơi nào cũng để lại những dấu ấn khó phai nhòa.
Tác giả trong một lần tác nghiệp tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam), nơi xảy ra nhiều vụ phá rừng.
Ở bất cứ công việc gì không chỉ là nghề báo cũng cần thời gian, cần độ ngấm, cần sự trải nghiệm đủ lâu, cần sự gắn bó chân thành để thắt chặt tình cảm giữa nhà báo với cơ sở. Đa số phóng viên nông nghiệp như chúng tôi sau khi thâm nhập thực tế, có những bài viết biểu dương cái đẹp, phê phán cái xấu..., thì hơn tất cả là tình yêu tha thiết, gắn bó với những con người, những miền quê... Bởi vậy, chúng tôi vẫn thường nói, nếu được chọn lại, vẫn muốn được là phóng viên viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bởi đó không chỉ là nghề nghiệp mà còn cho chúng tôi những trải nghiệm riêng, biết trăn trở và được tích lũy thêm nhiều tri thức, luôn gắn với khát khao góp phần “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.