Nghề báo đầy vinh quang nhưng cũng không ít thử thách. Trên con đường rèn luyện “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, không thể thiếu sự lăn xả, cống hiến, đam mê trong các cuộc thi nghiệp vụ - sân chơi để mỗi phóng viên, nhà báo khẳng định mình…
Nâng tầm tác phẩm
Dù được tham gia các câu lạc bộ, được thực tập, được trải nghiệm và làm việc tại các cơ quan báo chí truyền thông nhưng khi trở thành phóng viên thực thụ, tôi mới thấy, để “sống” được với nghề, để có những tác phẩm hay, chất lượng, có dấu ấn thì phóng viên phải trải qua nhiều thử thách, một trong số đó là tích cực tham gia vào các kỳ thi nghiệp vụ.
Tạo ra một tác phẩm báo chí đã khó nhưng để tác phẩm đó hay, chất lượng, được ghi nhận bằng những giải thưởng báo chí, còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng chính những giải thưởng báo chí lại là một trong những “mỏ neo” giúp người làm báo giữ lửa đam mê với nghề. Sự ghi nhận, vinh danh đó như là động lực, hun đúc người làm báo ngày càng cố gắng hơn nữa trong mỗi chuyến đi, mỗi bài viết của mình.
Yếu tố tiên quyết để có thể sáng tạo một tác phẩm báo chí có khả năng đạt được giải cao, hiệu quả cao, chính là đam mê của chính tác giả. Có đam mê thì sẽ có trăn trở, suy tư và không ngừng tìm tòi những đề tài hay. Có đam mê thì mới có động lực, quyết tâm chinh phục những đề tài khó, đề tài nóng. Một câu nói được khá nhiều người trẻ chia sẻ trong cách thể hiện quan điểm sống, đó là: “Nếu bạn được làm công việc mình thích thì cả đời này bạn sẽ không phải làm việc”. Nói như vậy để thấy rằng, tự thân niềm đam mê có thể nhân lên sức mạnh, khả năng sáng tạo để thấy đó là niềm vui trong công việc, từ đó sản xuất những tác phẩm chất lượng.
Phóng viên Trà Giang chụp ảnh cùng TS. Nguyễn Xuân Tình, nhân vật trong tác phẩm Người đặt nền móng cho vườn mẫu ở Hà Tĩnh, đạt giải C giải báo chí Trần Phú.
Phải khẳng định rằng, những tác phẩm dự thi với đề tài nóng luôn chiếm phần trăm cao trong khả năng đoạt giải thưởng, thế nhưng phóng viên phải sẵn sàng đánh đổi “bình yên” với nghề, nói cách khác là cần có bản lĩnh, sự dấn thân, dám đấu tranh với những mặt xấu của xã hội. Nghề báo đầy vinh quang nhưng vô cùng khắc nghiệt, nhưng “Muốn có được thành công ít người có được thì phải chịu được cảm giác không ít người chịu được”.
Như một quy luật, đề tài hấp dẫn, vấn đề nóng hổi, thu hút dư luận thì nghiễm nhiên sẽ vô cùng khó khăn trong quy trình tác nghiệp, thậm chí bị đe doạ bởi chúng ta đang lên án, phanh phui những điều khuất tất trong xã hội. Vậy, để đi được đến cùng vấn đề và nâng tầm tác phẩm, không có gì khác ngoài việc bắt buộc phải dấn thân và có một đôi chân biết lăn lộn trên khắp các cung đường... Dấn thân ở đây không có nghĩa là lao vào điểm nóng hay nhập vai để điều tra các vụ việc, mà bên cạnh đó còn là sự quyết liệt, miệt mài theo đến cùng những đề tài mang tính xã hội, kiên trì trong việc tiếp cận các nhân vật và sống cuộc sống của chính họ để bản thân “mắt thấy, tai nghe, đầu cảm nhận, tay viết”. Đối với tôi, không chỉ đơn giản là trách nhiệm của mỗi nhà báo mà đó còn là trách nhiệm với bạn đọc để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.
Làm báo nếu xét ở nhiều góc độ chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện nhưng quan trọng là phải kể thật, kể như thế nào, và chỉ có đến tận nơi, ra tận hiện trường thì câu chuyện mới thực sự trở nên sống động mới hấp dẫn bạn đọc.
Bí quyết giữ lửa nghề
Một điều quan trọng không kém là kỹ năng nghiệp vụ. Có đam mê rồi, có dấn thân rồi nhưng nếu không nắm vững các kỹ năng nghiệp vụ thì sẽ rất dễ bị đổ bể, trong nhiều trường hợp cụ thể còn gây hại cho chính bản thân mình. Thật ra, chặng đường làm báo là suốt chặng đường đó đều không ngừng phải học hỏi, đối với tôi thì không thể học hết, rèn hết mọi kỹ năng nghiệp vụ trước khi bạn “xuất trận”, thế nhưng luôn phải có sự chuẩn bị sẵn sàng. Ví dụ, đối với những phóng sự điều tra, cần chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị các kỹ năng nhập vai, phải tìm hiểu trước nhân vật mà mình định hoá thân là gì. Hoặc đối với các nhân vật nhạy cảm, e dè, ngại ngùng chia sẻ, cần có kỹ năng thuyết phục khéo léo, nương vào tâm lý nhân vật để xây dựng niềm tin, sẵn sàng chia sẻ…, có như thế mới giúp tác phẩm tròn trịa và chân thật nhất.
Phóng viên Trà Giang (thứ 4 từ phải sang) nhận giải thưởng báo chí Trần Phú.
Tiếp theo đó là sự kiên trì. Kiên trì thể hiện ở chỗ có những tác phẩm khi đi thi chưa đoạt giải không có nghĩa bạn không giỏi. Công bằng mà nói, đã có không ít phóng viên, nhất là những người trẻ, từng trải qua cảm giác hụt hẫng, mà ở độ tuổi chúng tôi vẫn hay dùng từ là “vỡ mộng” với nghề vì nhiều lý do. Lúc mới chập chững vào nghề thì hừng hực khí thế, nhưng sau vài năm trong nghề hoặc vài bận mắc sai lầm, hoặc chỉ đơn giản là tác phẩm dự thi không có giải thì lại tự tắt đi lửa nghề của mình. Kết quả giải thưởng chỉ là một trong những thước đo, mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng, “sân chơi” này không phải của bạn thì ắt rằng sẽ có “sân chơi” khác. Điều quan trọng nhất là qua mỗi cuộc thi chúng ta tích luỹ thêm kinh nghiệm gì để sẵn sàng chinh phục những đợt thi mới với sự trưởng thành, vững vàng hơn.
Hơn 10 năm làm báo, tôi luôn ý thức được rằng, bản thân mình chỉ là “hạt cát” nhỏ bé. Là người trẻ, tôi cũng như các phóng viên khác cần phải tự định vị bản thân, phải hiểu mình là ai, thế mạnh và sở trường như thế nào. Một điều quan trọng khác, đó là cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với mỗi vấp ngã, sự thất bại, biết làm quen với cảm giác không an toàn như là một kỹ năng cần có nếu muốn theo đuổi nghề nghiệp cao quý, thiêng liêng này.
Với tôi, điều vinh dự nhất của nghề báo là được tổ chức, xã hội và chính quyền ghi nhận những cố gắng, nỗ lực mang tinh thần góp ý xây dựng của người cầm bút. Lửa nghề đã giúp tôi vượt qua khó khăn, thách thức và thậm chí là nguy hiểm. Giải báo chí đã tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục đương đầu với những hành trình chông gai ở phía trước.