Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 7 năm 2024 | 10:30

Những cựu chiến binh truyền cảm hứng cho phong trào làm kinh tế giỏi ở Thừa Thiên – Huế

Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều cựu chiến binh ở Thừa Thiên - Huế đã vượt khó khăn trong cuộc sống, góp phần truyền cảm hứng cho nhiều hội viên khác vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

Cựu binh làm kinh tế giỏi

Năm 1984, chàng thanh niên 20 tuổi Hồ Đăng Minh nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, đến 1986 thì xuất ngũ trở về địa phương (nay là phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Những năm đầu về quê, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần, nghị lực của người lính, ông Minh luôn trăn trở tìm hướng đi, phát triển kinh tế với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.

Cựu chiến binh Hồ Đăng Minh bên vườn cây trồng của gia đình.

“Là lao động chính, tôi quyết định tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình”, ông Minh nói.

Ông Minh tham dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nông dân giỏi, bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh trà. Nhờ đó, vườn cây ăn quả cho năng suất khá cao, giúp đời sống kinh tế của gia đình ông dần ổn định.

Hiện, gia đình ông Minh canh tác xen ghép hơn 1ha  thanh trà và chuối tiêu. Cây thanh trà mỗi năm cho thu nhập 250- 300 triệu đồng, cùng với đó, 1 tháng  gia đình ông thu về 3 - 4 triệu đồng từ chuối tiêu. Ngoài ra, ông Minh còn canh tác hơn 3ha rừng keo tràm, 1 mẫu (1 mẫu Trung Bộ = 5.000m2) hồ sen, đậu…, thu nhập 70 triệu đồng/năm.

Thương binh hạng 4/4 Trần Phi (ở tổ dân phố An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà) cho hay: Sau gần 4 năm nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam (Campuchia), đến đến 1988, tôi xuất ngũ trở về địa phương. Những năm đầu, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng với nghị lực của người lính, tôi luôn trăn trở tìm hướng đi, phát triển kinh tế với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.

Sau thời gian vừa tìm hiểu, vừa bắt tay mở cơ sở xay xát gạo cho bà con địa phương, khi đã có kha khá vốn làm ăn, ông Phi kết hợp thêm việc thu mua dự trữ lúa gạo, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa và hoa màu.

Hiện, gia đình ông Phi có hơn 3 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) hành lá với 4 vụ thu hoạch mỗi năm, mang lại thu nhập hơn 75 triệu đồng. Gia đình ông còn trồng xen canh hơn 5 sào bầu, bí, mướp… để nâng cao thu nhập.

Không chỉ siêng năng lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, thương binh Trần Phi còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Cũng chính nhờ ý chí, nghị lực, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Trần Phi cùng vợ đã xây dựng cho gia đình một cơ ngơi khang trang và nuôi dạy 4 người con ăn học thành tài.

Hiện nay, mặc dù tuổi cao, lại mang những vết thương trên mình nhưng hằng ngày ông Trần Phi vẫn miệt mài lao động sản xuất, bởi theo ông, “còn sức thì còn làm”, mình phấn đấu lao động không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo niềm vui trong công việc và để con cháu noi theo.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng

Những năm qua, cùng với phong trào Nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên xoá đói giảm nghèo thì phong trào Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi cũng được đẩy mạnh và được nhân rộng khắp trên địa bàn phường Hương Vân. Từ các mô hình phát triển kinh tế thiết thực, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều cựu chiến binh ở  phường Hương Vân, TX. Hương Trà đã trở thành những tấm gương sáng trong sản xuất.

“Với đức tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, nhiều cựu chiến binh là những gương sáng trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Gia đình ông Minh là gương sáng điển hình về làm kinh tế giỏi ở địa phương và được nhiều người noi theo học tập. Mô hình cây thanh trà xen ghép của ông Minh tuy không mới, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập trung bình vườn thanh trà xen canh đạt 250-300 triệu đồng/ha. Nhờ cây thanh trà nên đời sống bà con ở địa phương không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu, nhà cửa khang trang, phố xá cũng đẹp hơn”, ông Trần Văn Hiệp, cán bộ HTX nông nghiệp phường Hương Vân, khẳng định.

Với nhiều thành tích đóng góp của mình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều năm liền, gia đình ông Minh được khen thưởng là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững của phường Hương Vân.

Theo ông Hoàng Tú Nam, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Hương Trà, với tinh thần gương mẫu, tận tâm với công việc, nhiều cựu chiến binh đã làm ăn hiệu quả, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội như ông Trần Phi, Hồ Đăng Minh… Đó là những tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ sau noi theo.

Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân Hương Trà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 850 người có công cách mạng, trong đó: có 01 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; 1.149 liệt sỹ; 207 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 3 mẹ còn sống; 180 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 84 bệnh binh; 116 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 83 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 202 người có công giúp đỡ cách mạng; 150 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế.

T.Thành
Ý kiến bạn đọc
Top