Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 3 năm 2024 | 10:9

Nữ “thủ lĩnh” nỗ lực đưa khoa học công nghệ đến gần người dân

Đam mê nghiên cứu khoa học, tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống, ThS. Trần Thị Thúy Anh (SN 1978), Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh, được đồng nghiệp tin yêu và người dân mến phục.

Đam mê nghiên cứu khoa học

Nhiều nông dân Hà Tĩnh đã quen với hình ảnh chị Thúy Anh cặm cụi trên ruộng, vườn cùng chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tìm nơi tiêu thụ nông sản. Tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, năm 2000, chị Thúy Anh về công tác tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Hà Tĩnh).

Chị quan niệm, làm khoa học, làm nông nghiệp là không được tự bằng lòng với chính mình, với những kết quả đạt được mà phải luôn trăn trở, không ngừng học hỏi. Từ suy nghĩ đó, hơn 20 năm gắn bó với Trung tâm cũng là ngần ấy thời gian chị dành trọn sức trẻ, tài năng, tâm huyết cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học vào đời sống thực tiễn.

Những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được chị Thúy Anh truyền lại cho các đồng nghiệp trẻ.

Quê chị ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà), vùng chuyên làm nước mắm. Từ nhỏ, thấy người dân làm mắm rất vất vả, tốn nhiều nhân công, chị ấp ủ ước mơ giúp người dân bớt gánh nặng. Từ đó, chị nghiên cứu, sáng chế quy trình náo đảo tự động, kết hợp giữa năng lượng mặt trời và năng lượng điện để tạo ra nhiệt độ phù hợp giúp chuyển hóa tối đa nguyên liệu. Cách làm này giúp duy trì nhiệt độ ổn định, thay thế các công đoạn náo đảo và rang phơi theo phương pháp truyền thống, tiết kiệm chi phí nhân công, tạo ra loại nước mắm màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon hơn. Ứng dụng trên thực tế cho thấy quy trình công nghệ mới rút ngắn thời gian chế biến nước mắm khoảng 6 tháng và lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với trước.

Hà Tĩnh có 137km bờ biển với rất nhiều làng nghề nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống náo đảo, rang, phơi, hoàn toàn phụ thuộc thời tiết. Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời” do chị Thúy Anh chủ trì đã khắc phục được sự bất lợi của thời tiết, được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiệm thu vào tháng 12/2017, được nhiều địa phương đánh giá cao và đưa vào sử dụng. Hiện, công nghệ đã được chuyển giao cho các địa phương ở Hà Tĩnh và các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nam Định…

Cùng với các đồng nghiệp, chị đã chủ nhiệm 2 dự án cấp Quốc gia; 1 dự án cấp Bộ, 2 Dự án cấp tỉnh; Thư ký 3 dự án cấp Quốc gia và tham gia nhiều đề tài dự án, chương trình khoa học công nghệ khác.

Với đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong thu gom, phân loại xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt”, chị và cán bộ của Trung tâm đã góp phần vào thành quả chung của Hà Tĩnh. Đề tài đã được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc năm 2020; Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, việc thu gom, phân loại xử lý nước thải, rác sinh hoạt đã trở thành một trong những tiêu chí cứng trong bộ tiêu chí xây dựng tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ngoài nghiên cứu, chị Thúy Anh cùng cán bộ Trung tâm đến từng thôn, xã để tư vấn, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình sản xuất giống cây, con, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xử lý môi trường chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chị tâm sự, chính sự đồng cảm với nông dân đã khiến tôi và đội ngũ cán bộ kỹ thuật không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm nghiên cứu tạo ra các sản phẩm để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân các địa phương đã nắm bắt và ứng dụng thành thạo quy trình trồng rau sạch, sử dụng phân hữu cơ. Chị vẫn nhớ những ngày cùng người dân kéo rơm rạ để ủ phân hữu cơ vi sinh, cùng trồng cây, chăm bón, thu hoạch và cùng đi bán hoa quả. Nhờ sự gắn bó ấy, đến đâu chị cũng được nông dân quý mến như người nhà.

Nữ “thủ lĩnh” đa năng

Với mong muốn đưa phụ nữ đến gần hơn với tiến bộ kỹ thuật, cải thiện vị thế của chị em trong gia đình và xã hội, ThS. Trần Thị Thúy Anh đã khởi xướng quá trình hợp tác giữa Trung tâm với Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Thực hiện mục tiêu đó, chị đã mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến, kết nối thị trường; phát hiện, bồi dưỡng ý tưởng và hỗ trợ chị em biến ý tưởng thành hiện thực; vận động chị em tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

ThS. Trần Thị Thúy Anh hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học.

Bà Trương Thị Lượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh, cho biết: “Khởi nghiệp phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và ứng dụng KH&CN là xu hướng tất yếu. Chị Trần Thị Thúy Anh không chỉ có nhiều thành tích trong chuyên môn mà còn tích cực làm “cầu nối” đưa KH&CN đến với chị em, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ Hà Tĩnh trong gia đình và xã hội”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị vẫn vẹn nguyên tình yêu và lòng nhiệt huyết với khoa học và các sáng kiến. Và để có thể trở thành phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để vừa hoàn thành tốt công việc, vừa chăm lo tốt việc nhà. Chị luôn nói, chồng và con là sức mạnh, là chỗ dựa vững chắc nhất để chị có thể phấn đấu hết mình vì công việc. Chị cảm thấy may mắn vì có một người chồng biết quan tâm, chia sẻ với vợ, hai con ngoan, tự lập.

“Là phụ nữ, gánh nặng cả hai vai, mỗi thành công trong sự nghiệp của người phụ nữ là không đơn giản. Trong gia đình, thiên chức phụ nữ phải vẹn toàn, lại vẫn tiếp tục phấn đấu cống hiến cho công việc được giao. Ở cơ quan, làm sếp nhưng về nhà dù không có nhiều thời gian vẫn phải chu toàn mọi thứ, phụ nữ làm lãnh đạo càng phải để ý tới cách ứng xử với gia đình và mọi người xung quanh. Vì thế, để có được những thành công, người phụ nữ phải nỗ lực phấn đấu, hy sinh vất vả hơn nam giới rất nhiều”, chị Thúy Anh tâm sự.

Vừa là lãnh đạo Trung tâm, vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở, chị Thúy Anh thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, Ban Giám đốc nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho người lao động, quan tâm, gần gũi, hòa đồng và giúp đỡ mọi người.

Đến với khoa học bằng niềm đam mê và nỗ lực cống hiến, chị Thúy Anh đã không ngừng học hỏi, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ kế cận. Với những thành tích và đóng góp quan trọng, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen,  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo, UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng của tỉnh, các cấp, ngành.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không chỉ thành công trong sự nghiệp, chị Trần Thị Thúy Anh là ngọn lửa ấm áp trong gia đình. Người ta vẫn biết đến chị và gọi chị với cái tên trìu mến và trân trọng “kỹ sư của Nhân dân”.

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top