Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024 | 10:44

Những hồi ức của người dân làng chài Lam Đạt

Dù đã lên bờ sống được gần 2 năm, nhưng những cư dân làng chài thôn Lam Đạt (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) không thể nào quên được những ngày cùng gia đình sống trên con thuyền lênh đênh mặt nước, nhất là những ngày bão đi qua.

Hạnh phúc khi Đảng kề bên

Những ngày tháng 10, tiết trời se lạnh của mùa thu sau cơn bão mạnh nhất 30 năm vừa đi qua chưa lâu, chúng tôi về thăm khu tái định cư làng chài thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), nơi 29 hộ dân làng chài được hỗ trợ theo Chỉ thị số 08/CT-TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”.

Ông Nguyễn Văn Mười đang ngồi trước cửa nhà, thấy chúng tôi ông chạy ra tay bắt mặt mừng, mời chúng tôi vào làm chén trà, trong câu chuyện hàng ngày, ông chia sẻ, được sống trong căn nhà ấm áp, tôi vui lắm, thỉnh thoảng tôi cứ nghĩ về trận bão lịch sử kéo theo lũ quét vừa qua thật khủng khiếp, những ngày ấy chúng tôi ngày nào cũng không rời cái ti vi hay cái điện thoại để cập nhật tin tức ở khu vực phía Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Mười cư dân làng chài Đạt Lam hồi ức lại những thăng trầm sống trên sông nước.

Ông Nguyễn Văn Mười, cư dân làng chài Lam Đạt hồi ức lại những thăng trầm sống trên sông nước.

“Vừa lo cho đồng bào, vừa mừng cho bản thân và những người dân chài chúng tôi được tặng mảnh đất, hỗ trợ xây dựng ngôi nhà khang trang, được nằm trên chiếc giường vững chắc, không còn bập bềnh mỗi khi sóng vỗ nhẹ chứ không nói gì đến những cơn giông lốc, bão lớn”, ông Mười nói.

Theo ông Mười, từ thế hệ cha ông đã gắn bó đời mình trên con thuyền, sự khao khát được mái nhà trú ngụ ông không bao giờ dám nghĩ tới. Cho đến cái tuổi gần đất xa trời, với phương châm “không để ai bị bỏ lại ai phía sau” của Nhà nước, ông cùng người dân chài Đạt Lam có ước mơ và trở thành hiện thực.

Trên khuôn mặt đượm buồn, đôi mắt dần dần đỏ hoe ông nhìn về một hướng xa xăm, kể cho chúng tôi nghe về những cực khổ, vất vả và cả những hiểm nguy của cuộc sống làng chài.

Theo lời kể, cuộc sống sông nước khổ cực nhiều, mọi chi tiêu đều nhìn cả vào con tôm, mớ tép bắt được từ sông. Hôm nào may mắn thì đủ tiền mua gạo, trẻ con hiếm biết đến cái kẹo ngọt ngào. Chẳng trận mưa nào mà thuyền không bị ướt, mưa nhỏ thì ướt nhẹ, mưa lớn thì ướt nhiều.

“Khổ nhất là vào mùa mưa bão, lòng chúng tôi lại bất an vô hạn, tìm những sợi dây thừng to để dằng chéo lại thuyền, những mãnh bạt để che chắn mưa tạt. Bão tới chiếc thuyền chồng chềnh, đưa đẩy, thuyền bị lật cả gia đình bị úp xuống sông, cố bám bíu cạnh mạn thuyền để được sống, rồi cũng phải gắng gượng lại sau cơn bão”, ông Mười chia sẻ.

Người dân chài được hỗ trợ việc làm, có lao động làm việc tại các công ty, có lao động nhận việc làm ở tại để thuận lợi chăm sóc con, với mức thu nhập ổn định, năng cao đời sống.

Lao động làng chài được hỗ trợ giới thiệu làm việc tại các công ty, có lao động nhận việc làm tại nhà với mức thu nhập ổn định, năng cao đời sống.

Cũng theo ông Mười, cuộc sống sông nước bạc phận, không chỉ những ngày mưa bão, những ngày thường nhiều lúc phải chứng kiến cảnh trẻ nhỏ, hay người già, có khi cả người còn đang sức lao động khỏe bị rớt xuống sông, không kịp cứu vớt cũng đã ra đi. Mười gia đình thì phải đến chín gia đình gánh chịu đau thương ấy, nhưng những người làng chài không có cách nào khác được.

Ngoài ra, trẻ em ở trên những chiếc thuyền khi chập chững biết đi phải bị cột dây thừng vào cái cọc, người lớn để làm việc, tránh bị rớt xuống sông. Hay trẻ em 5 -6 tuổi mới được đến trường, nhưng đi học bữa được bữa không.

Có câu nói “trẻ em như búp trên cành”, thế mà nơi đây, các em lại phải sớm đương đầu với những khó khăn, vất vả, phải học cách trưởng thành trước tuổi.

Đến nay, tuy đã được lên bờ sống tránh mưa, nắng nhưng những đứa trẻ làng chài vẫn còn gầy gò, đen nhẻm, khuôn mặt sạm đen vì mưa nắng đã bám sâu. Những cụ già đã được cuộc sống yên bình, giấc ngủ ngon khi mưa giông đổ về, không sóng gió, không còn những ngày đêm thức trắng vì mưa bão, nay như đã khỏe lên phần mấy tuổi. Những người có sức khỏe lao động được hỗ trợ việc làm, cuộc sống dần ổn định.

Tương lai của những đứa trẻ làng chài được rộng mở

Giờ đây, với ước mơ của các bậc phụ huynh làng chài đã thành hiện thực, con cái của họ được đến trường đầy đủ. Sự khát khao của các em học sinh không chỉ là “xóa mù chữ” mà còn học tập sau này trưởng thành góp phần xây dựng quê hương.

Đang chuẩn bị đạp xe lượn chơi trên con đường láng nhựa, em Nguyễn Văn Mạnh (SN 2012, học sinh lớp 6) với màu da còn rám nắng, em chia sẻ, thực sự em rất vui khi được sinh sống trong căn nhà đẹp khang trang, được học bài trong bình yên, không bị gió lùa lạnh buốt mỗi khi đông về. Hay không phải nghĩ học khi mưa bão đổ bộ, được tiếp thu kiến thức đầy đủ, không phải thua kém bạn bè.

Em Nguyễn Văn Mạnh (SN 2012, áo cam đứng bên tay trái) và em Nguyễn Duy Mạnh (SN 2013, áo cam đứng bên tay phải) học lớp 6 vui vì mỗi chiều được cùng chiếc xe đạp của các mạnh thường quân tặng lượn trên con đường láng nhựa.

Em Nguyễn Văn Mạnh (SN 2012, áo cam đứng bên tay trái) và em Nguyễn Duy Mạnh (SN 2013, áo cam đứng bên tay phải) học lớp 6 vui vì mỗi chiều được cùng chiếc xe đạp của các mạnh thường quân tặng lượn trên con đường láng nhựa.

“Em gái của em năm nay 3 tuổi cũng được đến trường mẫu giáo với các bạn cùng trang lứa, được chơi trên những chiếc cầu trượt, hay những bộ đồ chơi lắp ghép để phát triển tư duy, không còn bị thiệt thòi như em ở khi còn sống trên thuyền”, Mạnh chia sẻ.

Cũng chung niềm vui được sống trong ngôi nhà mới, không phải ngủ trên con thuyền bồng bềnh trong đêm tối, em Nguyễn Duy Mạnh (SN 2013, học sinh lớp 6) cho hay, em vui lắm, giờ đây mỗi khi mưa gió trong lòng em không còn phải thấp thỏm lo sách vở ướt, bài tập không thể làm hoàn thành.

“Trước đây, ở trên thuyền việc học của chúng em bất cập lắm. Học thì không có bàn, phải nằm để học, đèn điện cũng chẳng có, ánh sáng yếu nhiều hôm em thấy hoa mắt. Rồi những ngày mưa bão, thuyền bấp bênh chao đảo, vừa sợ vừa không làm được bài tập”, em Mạnh nói.

Những em bé ngây thơ được ngồi thoải mái bên mâm cơm, không còn bị buộc dây thừng giữ an toàn.

Những em bé ngây thơ được ngồi thoải mái bên mâm cơm, không còn bị buộc dây thừng giữ an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Lai, Trưởng Ban dân vận - Chủ tịch MTTQ huyện Thiệu Hóa cho biết, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, công tác an sinh của đồng bào công giáo sinh sống vùng sông nước của huyện Thiệu Hóa đã ổn định.

Theo ông Lai, 29 hộ gia đình công giáo, có 60 người trong độ tuổi lao động; trong đó 40 người đi làm tại các công ty, có thu nhập ổn định, các hộ đến nay cơ bản đã thoát nghèo. Bà con bây giờ chú trọng tạo điều kiện cho con em mình được đi học đầy đủ, đối với những hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ, làm sao bà con yên tâm cho con đến trường.

Tiếp thu những thành quả đã đạt được, hiện nay, trên địa bàn huyện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 150 hộ, nhằm góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội theo Chỉ thị 22/CT-TU, của Tỉnh ủy Thanh Hóa về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn năm 2024-2025, mức hỗ trợ đầu tư xây dựng dưới 300 triệu/hộ; tổng mức đầu tư huyện đã hoàn thành huy động nguồn vốn hỗ trợ.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top