Nghề báo mang tính đặc thù, được nhiều người ví là “thư ký của thời đại”, nhưng với tôi, cái được lớn nhất mà nghề báo mang lại là được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Và mỗi chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp là những trải nghiệm quý, giúp tôi trưởng thành, thêm gắn bó, yêu công việc của mình hơn.
Cơ duyên
Vốn là dân văn chính hiệu, nhưng tôi “mê” làm báo. Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào làng báo từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu... Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Nhưng, lòng say mê nghề đã ăn sâu vào máu thịt tôi lúc nào không hay và những lời động viên của anh chị em đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Tôi mê cái cảm giác được đi và cảm nhận. Những chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.
Trao đổi với bà con nông dân về mô hình trồng dưa đỏ tại xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An).
Tôi đến với Tạp chí Kinh tế nông thôn như một cái “duyên” vậy! Dù đã từng làm cho một số tờ báo nhưng trên “mảnh đất” mới này có nhiều lúc tôi vẫn thấy áp lực. Nhưng được sự động viên, chỉ bảo tận tình của Ban Biên tập, cũng như các anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan đã giúp tôi lấy lại tinh thần để tiếp tục theo đuổi đam mê. Và chính “mảnh đất” mới này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ.
Nơi đây, đã cho tôi cảm giác thân thương, gần gũi và hơn hết, giúp tôi hiểu hơn đằng sau mỗi bài viết, hay chỉ là một mẩu tin, là công sức của cả tòa soạn... Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.
Những chuyến đi khó quên
Dù gắn bó với Tạp chí Kinh tế nông thôn chưa lâu, nhưng tôi đã may mắn có dịp đi cùng Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn và anh chị em đồng nghiệp trong chuyến đi trao quà Tết cho bà con dân tộc hai bản nghèo Cà Moong, Xốp Cháo thuộc huyện Tương Dương (Nghệ An).
Cà Moong, Xốp Cháo nghe cái tên thôi mà đã cảm thấy xa lắm, xa và cao hơn những ngọn núi tít tắp mờ sương mà có lần từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, tôi được anh em chỉ trỏ để mường tượng. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ chạy xe, đoàn chúng tôi có mặt tại bến Thượng Lưu của Thủy điện Bản Vẽ để lên thuyền đến với hai bản Cà Moong, Xốp Cháo nằm lọt thỏm như một ốc đảo giữa lòng hồ thủy điện, bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Tương Dương. Cuộc sống chật vật, khó khăn quanh năm khiến cho những người dân “ăn chưa no, lo đã tới” nơi bản làng vùng sâu, vùng xa, dường như biệt lập với thế giới bên ngoài, thiếu thốn đủ bề.
Vui Tết Trung thu với trẻ em nghèo dân tộc Đan Lai xã Thạch Ngàn, Con Cuông.
Trong lúc chờ các đồng nghiệp nam cùng dân bản chuẩn bị cho buổi lễ trao quà, tôi tranh thủ tham quan Trường mầm non, tiểu học và trò chuyện cùng giáo viên cắm bản với những câu chuyện bất tận về Xốp Cháo những năm tháng không đường, không điện, không sóng điện thoại khiến cho mọi sự mệt nhọc tan biến, chỉ còn lại niềm cảm phục những giáo viên cắm bản nơi đây và niềm tin tưởng, ánh mắt đầy yêu thương của những con người nơi đây. Những món quà chúng tôi mang đến giá trị về vật chất không lớn nhưng tình cảm có được lại chan chứa vô hạn. Nụ cười hạnh phúc, sướng vui của bà con dân bản khi nhận được món quà Tết là động lực giúp dân bản nghèo có một cái Tết no ấm hơn và cũng là động lực giúp chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến đi đến những vùng quê xa xôi, nghèo khó như Cà Moong, Xốp Cháo.
Rời Xốp Cháo, tôi trở về trong lòng biết bao điều trăn trở. Quay về với công việc nơi thị thành, với sự náo nhiệt đủ đầy và nghĩ đến những vùng đất khó khăn mới thấy trân quý những gì mình đang có. Hạnh phúc là sẻ chia, cho đi và nhận lại nụ cười, khoảnh khắc lắng đọng trong mỗi ngày ta sống.
Hay nhận được tin báo của ngư dân vùng bãi ngang các xã Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Thiết (Nghi Lộc) về vấn nạn tàu giã cào khai thác thủy - hải sản trái phép theo kiểu “tận diệt”, hủy hoại môi trường sinh thái biển, gây mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ, làm ảnh hưởng tới sinh kế cũng như đe dọa tính mạng của những ngư dân làm nghề khai thác gần bờ. Mặc dù đang trong những ngày diễn biến dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, tôi cùng đồng nghiệp đã có mặt ngay lập tức. Cả ngày hôm đó, chúng tôi được ngư dân kể tường tận về những thiệt hại do nạn giã cào gây ra. Đến tối, chúng tôi lại theo thuyền của ngư dân ra biển chứng kiến các tàu giã cào hoành hành.
Vốn là người say sóng nhưng để có những bức ảnh, thước phim chân thật nhất, tôi đã lênh đênh 3 giờ đồng hồ trên biển cùng với các ngư dân. Thành quả của chuyến đi là bài báo phản ánh kịp thời, được các UBND tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chúc năng tiếp nhận và xử lý triệt để nạn giã cào. Sau một khoảng thời gian, vì công việc, tôi có dịp quay lại vùng biển bãi ngang, điều khiến tôi bất ngờ và không nén nổi niềm vui là những ngư dân Bà con tập trung lại rất đông để cảm ơn tôi, khoe với tôi mỗi chuyến đi biển bây giờ được rất nhiều tôm, cá vì không còn tàu giã cào nữa. Đây có lẽ cũng là một trong những kỷ niệm khó quên và là động lực để bản thân vẫn giữ trọn niềm “say mê” với nghề báo.
Sống hết mình bằng cái Tâm của nghề
Gắn bó với nghề cũng chưa phải là dài, nhưng những kỷ niệm buồn vui trong nghề báo khó mà kể hết. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc khi khó khăn của người dân đã được giải quyết thông qua bài viết của mình. Những chuyến đi tác nghiệp, để rồi, tôi biết đau hơn với nỗi đau của những cảnh đời bất hạnh, biết thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của bà con nông dân khi mùa vụ thất bát, hay cảnh “được mùa, mất giá”. Những nơi ấy, nếu không đi, không cảm nhận thì không thể hiểu được nỗi cơ cực của nông dân. Và nếu không phải là phóng viên, chắc rằng, tôi sẽ chẳng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để thấy cuộc đời thật nhiều điều tốt đẹp.
Những kỷ niệm của nghề thì nhiều, kể sao cho hết được. Và chính những điều đó làm tôi hiểu vì sao mình lại yêu nghề đến như vậy. Những chuyến đi thực tế luôn là trải nghiệm tuyệt vời và càng giúp tôi trưởng thành hơn. Dẫu biết rằng phía trước mình là chặng đường dài, nhưng mỗi phóng viên, nhà báo chúng tôi luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái Tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, để trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, giữa các tờ báo có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin. Do đó, người làm báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với gian nan, khó khăn trong hành trình tác nghiệp, bởi nghề báo không cho phép tồn tại khái niệm mơ hồ “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.
Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Nghề báo đúng là nghề không phải là hoa hồng và càng không được trải thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, có thể mang đến những vinh quang nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách và cả những cạm bẫy với người cầm bút.
Thế nên, mỗi năm đến ngày 21/6, cũng như bao người làm báo, người yêu nghề, tôi càng cảm nhận rõ hơn về nghề “phu chữ” đầy nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang và càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, càng quý trọng những đồng nghiệp, yêu cái nghề như người đời thường gọi nghề “thư ký của thời đại”.