Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024 | 14:40

Hành trình đến hạnh phúc của người Việt Nam (Bài 3): Từ quyền được tự do, dân chủ đến thịnh vượng, hạnh phúc

Dân tộc Việt Nam đã trải qua 79 năm độc lập, tự do, dân chủ; 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024).

Di chúc là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bài 1: Xóa mù chữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bài 2: Quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Sau khi lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” (năm 1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay ngay vào xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ. Nhà nước mới đó không phải thuộc quyền riêng của bất cứ giai cấp nào, mà là của chung toàn dân tộc. Đó là kiểu nhà nước mà mọi quyền lực đều bắt nguồn từ Nhân dân; bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ, công bộc của dân; thừa hành ý chí của dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hành vi xử sự của mình. Quan trọng nhất là nhà nước đó phải do Nhân dân bầu ra bằng cuộc bầu cử dân chủ.

Với quyết tâm đó, ngay trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền Nhân dân, dù biết bao công việc đặt ra đối với chính quyền non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định chủ trương Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu trong cả nước, để cho Nhân dân được thực hiện quyền thiêng liêng của mình. Đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm dưới ách thống trị thực dân, người dân Việt Nam được tự do lựa chọn những người có đủ tài, đức để gánh vác công việc nước nhà.

Hiến pháp cũng xác định tất cả công dân đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa; công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú… Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Quyền làm chủ của Nhân dân còn được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật của mọi công dân.

Từ ngày 6/1/1946 đến nay, nước ta đã 15 lần tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp, để qua đó người dân thể hiện quyền lực cao nhất của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện, qua đó thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình được tham gia xây dựng nên một Nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

55 năm thực hiện Di chúc của Bác

Thực hiện Di chúc của Bác, dân tộc Việt Nam đã kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân. Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (26/1/2021), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng tăng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD (năm 2023); Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Từ nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác  hàng đầu thế giới.

Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD (năm 2023). Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỉ USD (năm 2023), cao nhất từ trước đến nay; Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng.

Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.

Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực. FDI thực hiện 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Cả nước có 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, công nhận 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 6.957 chủ thể tham gia. 

8 tháng qua, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 40 tỷ USD, xuất siêu 11,8 tỷ USD; gỗ, cà phê, rau quả, gạo, hạt điều, tôm,... là những mặt hàng chủ lực. Xuất khẩu rau quả 8 tháng đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023; sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục khi đạt kim ngạch 1,82 tỷ USD... Đó là những  con số đáng mừng bởi qua đó, giá trị nông sản Việt và giá trị thương hiệu Việt tiếp tục tăng. Qua đây để thấy nông dân Việt Nam đã thực sự khẳng định được vai trò của kinh tế nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới giàu đẹp - tiến bộ - văn minh - một chỉ dấu của hạnh phúc.

Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Yên Bái - tiên phong xây dựng chỉ số hạnh phúc

Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, Yên Bái đã phát động phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”…

Hạnh Phúc (xã Tân Hợp) là thôn được huyện Văn Yên lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Thôn hạnh phúc” từ tháng 3/2022. Trước đây, Hạnh Phúc là thôn đặc biệt khó khăn, không có điện lưới quốc gia để sản xuất, việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy dự Ngày hội đoàn kết dân tộc tại Văn Yên.

Qua hai năm triển khai xây dựng mô hình, đời sống của người dân “thôn Hạnh Phúc” được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay. Đến nay, trong tổng số 328 hộ của cả thôn, có 216 hộ có mức sống khá và giàu; chỉ còn gần 30 hộ nghèo, chiếm khoảng 7%. Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã về với thôn Hạnh Phúc trong sự mong chờ của cả thôn.

Bà Vũ Thị Thường, người dân thôn Hạnh Phúc, cho biết: Từ ngày thôn được lựa chọn thực hiện mô hình điểm để xây dựng “Thôn hạnh phúc”, cuộc sống của người dân được nâng lên rất nhiều, cả thôn được sử dụng điện lưới quốc gia để lao động sản xuất, để người dân phát triển kinh tế, được tiếp cận thông tin, văn hóa. Hơn nữa, thôn đã có đường bê tông giúp việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.

Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Triệu Quốc Toản cho biết: Ngay sau khi triển khai xây dựng “Thôn hạnh phúc”, Đảng bộ, chính quyền xã đã tuyên truyền và vận động người dân trong thôn Hạnh Phúc tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập. Từ đó, đời sống kinh tế của Nhân dân ổn định, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập cao nhờ phát triển kinh tế rừng (cây quế), thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hộ/năm.

Người dân đang ngày càng hài lòng hơn về đời sống văn hóa tinh thần nhờ sự lan tỏa của Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, Lễ hội Trà Shan Tuyết huyện Văn Chấn... được tỉnh tổ chức cùng những hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch, duy trì, khôi phục các lễ hội truyền thống phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân do các địa phương tổ chức. Nhờ phát huy cao vai trò trách nhiệm và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong nâng cao chỉ số hạnh phúc mà chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ của cơ quan công quyền của tỉnh cũng ngày càng được nâng lên. 

Những kết quả đạt được trong những năm qua đã góp phần nâng chỉ số Hạnh phúc năm 2023 của người dân Yên Bái lên 65,62%, tăng 3,05% so với năm 2022 và vượt 0,02% so với mục tiêu phấn đấu theo Kế hoạch số 123 của Tỉnh ủy.

Nâng cao chỉ số Hạnh phúc cho Nhân dân đã và đang trở thành động lực, nền tảng tinh thần, giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển của tỉnh Yên Bái mà đội ngũ cán bộ, đảng viên là nòng cốt. Với quyết tâm chính trị cao, sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Yên Bái đang quyết tâm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển mạnh theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu hết năm 2024 sẽ nâng chỉ số Hạnh phúc của người dân lên 68%. 

Chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu là mong muốn của mọi người dân Việt Nam.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết: “Tôi rất ấn tượng về những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng và tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, khi trước kia tỷ lệ người dân Việt Nam rơi vào tình trạng nghèo đói rất cao, hơn 20%. Với tư cách một chuyên gia kinh tế, tôi rất vui mừng trước những tác động tích cực của quá trình đổi mới và phát triển kinh tế giúp xóa nhòa khoảng cách giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới.

Với những nỗ lực về tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, điều này giúp tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu. Đến nay, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới hơn 200%, điều này minh chứng Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất trên toàn thế giới. 

Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò trong các chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ra nhiều quốc gia trên thế giới. Điều then chốt là chúng ta không chỉ nhìn lại quá khứ đã làm được gì mà phải hướng tới tương lai, giúp kinh tế của Việt Nam phát triển hơn nữa và để tăng trưởng xuất khẩu có thể định hình cho sự phát triển của Việt Nam.

Không chỉ người Việt Nam trong nước tự nỗ lực vươn lên, mà bà con kiều bào cũng góp phần không nhỏ đưa đất nước ngày càng phát triển hơn. Tiếp Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, dự Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời”. Và kêu gọi các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại, tri thức tiến bộ, tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của mình để hiến kế xây dựng, phát triển quê hương đất nước; mong các bà con không chỉ về nước đầu tư mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới; quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với bạn bè quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng, đồng bào ta dù ở bất cứ nơi đâu, cuộc sống thuận lợi hay khó khăn nhưng trong trái tim vẫn luôn ấm nồng tình yêu quê hương, đất nước và luôn nhớ rằng “Tiếng Việt là hồn của Dân tộc. Dù sống xa quê hương, bà con cần giữ gìn tiếng Việt, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc để con cháu không quên cội nguồn” như Bác Hồ từng nhắc nhở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các kiều bào tại “Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư”.

Phát biểu tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư mới đây, nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Với tình yêu quê hương, đất nước, những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại tốt đẹp, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò cầu nối Việt Nam với thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước”.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Để có thể phát huy khả năng của các kiều bào trẻ, tranh thủ những công nghệ mới, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề nghị áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép); tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa với các kiều bào về các quy định liên quan quốc tịch, làm căn cước…

Thời gian qua, với hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.

Trước thềm năm học mới, dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”; “Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích Nhân dân”.

Thủ tướng mong thầy, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

Tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng Dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định 3 mốc mục tiêu đến năm 2045

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top