Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024 | 10:15

Chiến thắng Hàm Rồng truyền lửa cho hôm nay

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa danh “cầu Hàm Rồng” (Thanh Hóa) từng là “tọa độ lửa”, là “huyết mạch” của tuyến vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, nơi tôi luyện ý chí, bản lĩnh con người, khẳng định sức mạnh đường lối và tinh thần Đại đoàn kết, quyết tâm chiến đấu vì độc lập.

Nối tiếp truyền thống đó, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy nội lực, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế... đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế.

Con đường huyết mạch đau thương

Nhắc đến Hàm Rồng xứ Thanh, không ai không biết về chiến thắng hào hùng của những trận chiến oanh liệt vẻ vang, nơi đã phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn, hàng nghìn chiến sỹ hy sinh. Đặc biệt, trong hai ngày 3- 4/4/1965, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 47 máy bay, đập tan âm mưu đánh sập cầu Hàm Rồng của Đế quốc Mỹ. Chiến thắng ấy đã làm nức lòng nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, bởi điều làm nên chiến thắng diệu kỳ đó chính là sức mạnh của tinh thần Đại đoàn kết, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của quân và dân Hàm Rồng.

Cây cầu Hàm Rồng nơi hứng chịu hàng vạn tấn bom nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang vươn qua dòng sông Mã cho những đoàn tàu, đoàn quân hướng về miền Nam ruột thịt, giải phóng đất nước.

Theo tư liệu, thông tin từ tình báo chiến lược, sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để thực hiện kế hoạch “Sấm Rền”, tháng 3/1965 Đế quốc Mỹ cho máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa, bắn đạn rốc-két xuống địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Xuân.

Đồng thời, ngày 3/4/1965, các biên đội cường kích không quân Mỹ tham gia đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hàm Rồng,  bao gồm 79 máy bay (trong đó có 46 chiếc F-105 làm nhiệm vụ tấn công, 21 chiếc F-100 làm nhiệm vụ chế áp máy bay ta, 2 chiếc RF_101 làm nhiệm vụ trinh sát và 10 chiếc KC-135 tiếp dầu trên không). Trong khi đó, Hải quân Mỹ còn huy động 35 chiếc A-4, 16 chiếc F-8E và 4 chiếc F-4B cất cánh từ tàu sân bay US Hancock và US Coral Sea để đánh phá mục tiêu của ta. 

Biết trước âm mưu của Đế quốc Mỹ đánh cầu Hàm Rồng, hòng chặt đứt con đường vận chuyển đạn dược, lương thực chi viện cho miền Nam ruột thịt, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh Nhân dân, phương án tác chiến, sơ tán phòng không, tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, với quyết tâm: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”.

Đúng 7 giờ ngày 3/4, Hải quân Mỹ cho máy bay vào trinh sát thời tiết và các mục tiêu trọng điểm. Sau đó, khu vực quanh cầu Hàm Rồng trở nên yên ắng. Đến 9 giờ 40 phút, Sở chỉ huy và các trạm quan sát phát hiện các máy bay Mỹ vào không kích các cây cầu trên đường Đò Lèn. Chỉ hơn một giờ đánh trả không quân địch tiến công, quân dân khu vực này đã bắn rơi 5 máy bay địch, bắt sống một giặc lái. 13 giờ cùng ngày, cuộc tiến công của địch vào cầu Hàm Rồng bắt đầu.

Dẫu những làn mưa bom đạn dội xuống, chảo lửa Hàm Rồng mù mịt thuốc súng, khói bom, nhưng cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang vươn qua dòng sông Mã cho những đoàn tàu, đoàn quân hướng về miền Nam ruột thịt.

Tất cả những người có mặt ở Hàm Rồng trong thời khắc lịch sử ấy đều ra trận, ai cũng muốn được tham gia bất kể đó là già, trẻ, gái, trai. Người không cầm súng bắn trả máy bay Mỹ thì làm nhiệm vụ tải thương, tiếp đạn, tiếp tế cơm, nước, lấy lá ngụy trang che cho trận địa...

Điển hình tấm gương nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển dân quân, tiểu khu Nam Ngạn với dáng người nhỏ bé cao hơn 1,4m; nặng 42kg, đã vác cùng một lúc hai hòm đạn dính vào nhau nặng 98 kg, góp phần hạ máy bay giặc Mỹ trong trận đánh đầu tiên tại Hàm Rồng. Tổ cứu thương Lò Cao gồm 6 cô gái băng mình qua lửa đạn địch tới các khẩu đội pháo để băng bó vết thương cho thương binh. Hay nhà sư Đàm Xuân, trụ trì chùa Nam Ngạn cũng dành ngôi chùa linh thiêng làm nơi cứu chữa thương binh.

Cũng từ đây, Đảng bộ, quân dân Thanh Hóa càng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của từng giai đoạn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “sống bám đất bám làng, chết kiên cường, dũng cảm” hay các phong trào chắc “tay cày, tay súng”, “tay búa tay súng”, tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” được nhân rộng và lớp lớp thanh niên trong tỉnh xung phong nhập ngũ với nhận thức “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.

Cuộc chiến chống Mỹ, giữ vững con đường huyết mạch Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 79-LCT, thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Đây là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh Hóa vượt qua những đau thương, mất mát, viết tiếp trang sử vàng chói lọi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để có nền độc lập, đất nước phồn thịnh ngày hôm nay.

Viết tiếp trang sử Hàm Rồng hôm nay

Chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử, nhưng mốc son sáng chói ấy là niềm tự hào sâu sắc truyền lửa cho thế hệ người dân xứ Thanh vươn lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước, quê hương.

Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, Thanh Hóa đã phát động nhiều phong trào yêu nước, tập trung xây dựng khối Đại đoàn kết, huy động sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp trong xã hội, chú trọng phát huy dân chủ, đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong các tầng lớp Nhân dân.

Đây chính là cơ sở quan trọng để Thanh Hóa giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, nhằm thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn năm 1947.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước; sản xuất nông nghiệp ổn định, năng suất lúa vụ đông xuân cao nhất từ trước đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8%, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 21,9%, tổng thu du lịch tăng 30,2%.

Thu ngân sách nhà nước bằng 76,9% dự toán cả năm và tăng 29,6%; thu hút đầu tư tăng 78,8% về số dự án và 25,3% về số vốn đăng ký; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,2%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên, Thanh Hóa có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải và xếp thứ 4 về số lượng thí sinh đạt giải nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024.

Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được cấp uỷ, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Đến nay, Thanh Hóa có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 364 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 103 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã và 489 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 487 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao. Số lượng xã đạt chuẩn của tỉnh thuộc top đầu cả nước (xã NTM đứng thứ hai, xã NTM nâng cao đứng thứ ba và xã NTM kiểu mẫu đứng thứ năm).

Theo ông Tuấn, để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của 5 năm, 2021-2025, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top