Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có nhiều tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn.
Có thể khẳng định, đây là yếu tố căn bản cho sự phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề phát triển và từng bước đưa thương hiệu địa phương vươn ra thị trường ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam tham quan các gian hàng tại Tuần lễ giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP năm 2024.
Chương trình OCOP với kinh tế nông thôn
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 2984/KH-UBND ngày 04/11/2022 thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và hàng năm đều ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình này. Hà Nam định hướng mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có lợi thế của từng địa phương, đồng thời có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Hà Nam đã có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 105 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao), cụ thể: Thị xã Duy Tiên 42 sản phầm (12 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao); thành phố Phủ Lý 27 sản phẩm 3 sao; Lý Nhân 16 sản phẩm 3 sao; Bình Lục 15 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao); Thanh Liêm 22 sản phẩm 3 sao; Kim Bảng 8 sản phẩm (3 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao).
Cá kho Nhân Hậu là món ăn nổi tiếng của quê hương nhà văn Nam Cao.
Trong số 130 sản phẩm OCOP được công nhận, có một số sản phẩm là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu và 25 sản phẩm thuộc 8 làng nghề truyền thống (TT) đã được công nhận sản phẩm OCOP: Làng nghề TT thêu ren An Hòa (3 sản phẩm), Làng nghề TT Mây giang đan Ngọc Động (1 sản phẩm), Làng nghề TT dệt lụa Nha Xá (9 sản phẩm), Làng nghề TT trống Đọi Tam (4 sản phẩm), Làng nghề TT rượu Bèo thôn Thượng (1 sản phẩm), Làng nghề TT gốm Quyết Thành (3 sản phẩm), Làng nghề TT bánh đa nem làng Chều (1 sản phẩm), Làng nghề TT rượu Vọc (3 sản phẩm)..
Bánh đa nem của làng Chều thuộc xã Nguyên Lý (Lý Nhân).
Sản phẩm OCOP của Hà Nam có bước chuyển mạnh về chất và lượng, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, các sản phẩm được gắn sao OCOP không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch như các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, chả cá rô phi của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc; bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam… Các loại rau sạch của HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân và HTX Nông sản Cát Lại; sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc; sản phẩm Bánh đa nem làng Chều; sản phẩm chế biến từ cá của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; sản phẩm của Chi nhánh Công ty CP Thực phẩm Mai Chi tại Hà Nam; sản phẩm trứng gà thảo dược Saschi, gà Mía thảo dược thịt tươi nhãn hiệu Saschi của Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam…, sản lượng và doanh thu bán hàng đều tăng lên so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP…
Sản phẩm của Cơ sở nuôi nấm đông trùng hạ thảo Minh Đức tại xã Công Lý ( Lý Nhân).
Chương trình OCOP đã tác động tích cực và đậm nét đến kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, khơi dậy tiềm năng đất đai, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa của từng địa phương trong tỉnh, hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, xây dựng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, từ đó tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Thay đổi tư duy sản xuất, giúp nông dân hiểu rõ thị trường
Khi người dân nông thôn tiếp cận Chương trình OCOP, đồng nghĩa với tự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm “xanh” gắn với chế biến, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng “tiêu dùng xanh’; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng.
Bún chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam.
Ngoài ra, Chương trình OCOP còn giúp nông dân hiểu được thị trường nào cần sản phẩm gì để có thể đầu tư mở rộng sản xuất đúng, đủ theo kế hoạch, không tự phát sản xuất sản phẩm, bất chấp thị trường có cần hay không. Hơn nữa, hiện nay người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, kể cả người tiêu dùng nội địa, lẫn người tiêu dùng tại các thị trường khó tính. Vì vậy, hiểu rõ thị trường là yếu tố then chốt để quyết định đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Chỉ khi người dân khu vực nông thôn hiểu rõ yêu cầu này và đưa vào tiêu chuẩn khi sản xuất các sản phẩm OCOP, thì cơ hội xuất khẩu của các sản phẩm OCOP ngày càng lớn, kinh tế nông thôn ngày càng cải thiện từ việc bán được sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường.
Phát huy vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn
Chương trình OCOP đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống, khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đây là cơ hội để các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng và tạo ra các sản phẩm mới, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn theo hướng liên kết bền vững.
Trứng gà thảo dược Saschi.
Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đã góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao uy tín, đưa thương hiệu sản phẩm của Hà Nam ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn, dần khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến.
Chương trình OCOP đã thúc đẩy các chủ thể không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc..., xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị, sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường và có thể dễ dàng đưa vào hệ thống các siêu thị. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng 15 - 20%, doanh thu tăng 10%).
Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam), cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua còn có một số hạn chế. Đó là số lượng sản phẩm OCOP tăng qua các năm nhưng chưa thực sự bền vững, các chủ thể thiếu sự chủ động khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã, bao bì, tem, nhãn, mác sản phẩm…; hoạt động xúc tiến thương mại tuy được triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử…Cùng với đó, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn hạn chế; nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm triển khai, thực hiện chương trình, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát sản phẩm tiềm năng, thế mạnh để tham gia chương trình OCOP…
Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; phát triển mới và củng cố 70-80 tổ chức kinh tế (HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; 20% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn...
Theo ông Đăng, để đạt được các mục tiêu đề ra, khắc phục tồn tại, hạn chế và góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn, trong thời gian tới, khi triển khai Chương trình OCOP, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phối hợp triển khai rà soát các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình, các hiệp hội ngành nghề, làng nghề, các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, hoàn thiện sản phẩm.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.