Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 10 năm 2022 | 15:17

Chuyển động ở Láo Lý

Nếu không thường đến Láo Lý (xã Tả Phời, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) theo các đoàn hỗ trợ từ chai nước mắm, cân đường, chăn, màn, quần áo cho đến cây, con giống, xóa nhà tạm... thì thật khó mà hình dung được sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới để thôn có sự đổi thay như hôm nay.

Về thôn “5 không”

Thôn Láo Lý có 75 hộ thì đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Đây là nơi sinh sống của 374 khẩu đồng bào dân tộc Xa Phó. Đói nghèo quẩn quanh cùng với nhiều hủ tục lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thả rông gia súc, ăn ở không hợp vệ sinh, nhất là việc cưới, việc tang ăn uống linh đình trong nhiều ngày...

Trước đây, thôn Láo Lý thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn.

Người dân Láo Lý nhiều năm liền sống trong “5 không”: Không có Hội Người cao tuổi do tuổi thọ quá thấp, không có Hội Cựu chiến binh do thanh niên trong thôn không đạt tiêu chuẩn khi xét tuyển nghĩa vụ quân sự, không có học sinh học THPT, không có thanh niên đạt 65kg trở lên và không có gia đình có tài sản từ 100 triệu đồng trở lên.

Đường sá đi lại khó khăn cộng với lối sống khép kín, tách biệt, không giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn, bà con Xa Phó ở Láo Lý chủ yếu quanh quẩn trong thôn, ít khi ra ngoài nên nhiều người không biết chữ, ngại giao tiếp với cán bộ. “Nhiều khi hỗ trợ cây, con giống để đồng bào phát triển sản xuất nhưng phổ biến phương pháp kỹ thuật rất khó vì họ không hiểu, không biết nói tiếng Kinh”, ông Vũ Ngọc Quỳnh, cán bộ Hội Nông dân TP. Lào Cai, chia sẻ.

Liệt kê những gia cảnh khó khăn, Trưởng thôn Châu Văn Thêm cho biết: “Thôn mình còn nhiều gia đình khó khăn lắm, như nhà Dương Văn Xuyên, vợ mới mất để lại 6 đứa con nhỏ. Thu nhập chủ yếu dựa vào mảnh ruộng nên không đủ ăn. Xuyên cũng đi làm thuê nhưng chủ yếu làm loanh quanh trong thôn kiếm cái ăn hàng ngày chứ không đi làm xa được. Hay như nhà vợ chồng Dương Văn Và, Châu Thị Liên với 7 người con, đứa bé nhất mới sinh được 1 tháng. Cả gia đình trông  vào mảnh ruộng nhỏ, mỗi năm hơn chục bao thóc và vài đồng tiền công làm thuê cho bà con trong thôn...”.

Danh sách những gia đình cần giúp đỡ còn dài và Láo Lý đã trở thành địa điểm ưu tiên của nhiều đơn vị hỗ trợ và là nỗi trăn trở đau đáu của chính quyền địa phương.

Từ năm 2015 - 2020, bà con trong thôn đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ như: 557 triệu đồng từ Chương trình 135; hơn 3,2 tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng xây dựng cơ bản theo chương trình đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới; hơn 1,3 tỷ đồng theo các chương trình xã hội khác... Chỉ tính riêng Phương án số 17 của UBND TP.Lào Cai (giai đoạn 2017 - 2025), các hộ ở Láo Lý được hỗ trợ giống rau, khoai sọ (trị giá 20 triệu đồng) và 72 con dê (trị giá 144 triệu đồng) để phát triển sản xuất. Cũng từ nguồn kinh phí của Phương án số 17, thôn còn được đầu tư gần 1 tỷ đồng làm đường ngõ xóm, kéo điện chiếu sáng, nâng cấp nhà văn hóa thôn, xây lò rác và nhà vệ sinh, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ học sinh bán trú.

Chuyển biến tích cực

Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý, cho biết, từ ngày Phương án số 17 về cải tạo tập quán lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa của UBND TP. Lào Cai được triển khai, lấy lực lượng đảng viên làm nòng cốt đã phát huy được hiệu quả. Thôn Láo Lý đã có nhiều thay đổi rõ rệt, những hủ tục lạc lậu dần bị đẩy lùi. Ông Cảm vốn là đảng viên ở thôn Phân Lân (xã Tả Phời) nhưng đã có vài chục năm dạy học, gắn bó với bà con ở Láo Lý, hiểu rõ văn hóa và phong tục tập quán của địa phương nên được điều động đến làm Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý. Ông đã cùng các đoàn thể tích cực đi từng nhà, lay chuyển từng người, theo sát các chương trình hành động. Nhiều chương trình được đưa vào Nghị quyết Chi bộ như: Vận động mỗi gia đình trồng ít nhất 2kg ngô giống, xây hố ủ phân, trồng rừng...

Người dân Láo Lý xây dựng hố ủ phân tận dụng nguồn phân chuồng để tiết kiệm chi phí sản xuất và làm sạch môi trường.

“Năm nay, đáng mừng nhất là từ nhiều nguồn vốn của TP. Lào Cai như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và cả người dân tự xây thì thôn đã xóa được 66 nhà tạm, thay bằng nhà kiên cố. Chỉ còn 9 hộ nữa cố gắng đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành. Đưa thành công 7 hộ dân sống biệt lập trên núi về trung tâm thôn. Các hộ này đều được Đảng ủy và chính quyền các cấp ủng hộ xây dựng nhà cửa để có cuộc sống ổn định và hỗ trợ sản xuất. Vụ ngô vừa qua, người dân trong thôn không chỉ trồng 2 kg ngô giống/hộ mà nhiều gia đình trồng đến 5-6 kg ngô giống, được mùa lại bán với giá cao khiến người dân rất phấn khởi. Bên cạnh đó, ngoài 3km đường liên thôn đã được mở rộng, bà con cũng mở mới được thêm 3km đường nữa, giúp việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm thu hoạch cũng như phân bón... được  thuận tiện với số lượng lớn hơn. Về hiệu quả kinh tế lâu dài, chúng tôi cũng vận động bà con trồng được 20 ha rừng, chủ yếu là quế, mỡ, trẩu...”, ông Cảm chia sẻ.

Về Láo Lý những ngày này, chúng tôi đã thấy những mô hình kinh tế đạt hiệu quả kinh tế như gia đình ông Châu Văn Trấn B với đàn lợn 20 con. Tính riêng 5 con lợn nái một năm xuất chuồng 2 lứa gần 20 con lợn con, bán với giá 1.500.000 đồng/con, gia đình ông thu về khoảng 30 triệu đồng. Ông B đã biết tính toán gieo ngô, lúa trên nương rẫy để phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi, mở thêm cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con..., thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Dương Văn Tuấn mạnh dạn vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi 2 con lợn nái từ năm 2021. Đến nay, ông Tuấn đã gần thu hồi được vốn nhờ xuất bán lợn giống. Láo Lý còn có hơn 20 hộ vay vốn khác đầu tư chuồng trại nuôi trâu, bò đang thu được kết quả tốt.

Ông Phạm Huy Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Tả Phời, cho biết: “Các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các ban phát triển thôn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với nhiệm vụ được phân công phối hợp chặt chẽ giúp đỡ cùng với các thôn tuyên truyền, vận động, rà soát xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện theo từng nội dung cho từng giai đoạn cụ thể. Đến nay, từng bước thay đổi được nhận thức của người dân. Góp phần hợp lực chung tay xây dựng bộ mặt của nông thôn khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Cơ bản đã làm cho từng người dân không còn tính trông chờ ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Phát huy dân chủ, vận động nhau cùng xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh”.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top