Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 3 năm 2024 | 11:18

Chuyện người Dao làm kinh tế

Trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi quế thẳng tắp vươn mình đón nắng, thôn Bỗng 2 xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) dần hiện hữu.

Nhìn bóng dáng những ngôi nhà bề thế sừng sững, chúng tôi khó mà hình dung nổi đây là thôn bản của đồng bào người Dao bản địa. Từ hàng chục năm nay, bà con đã bám đất, bám rừng, cùng nhau nỗ lực thành công phát triển kinh tế.

“Cõng quế” về bản

Ông Triệu Tiến Định, Bí thư chi bộ thôn Bỗng 2 dẫn chúng tôi đi thăm khu rừng quế cổ thụ hơn 30 năm tuổi. Hàng trăm thân quế lừng lững 2 người ôm không hết, cao 25-30m là nơi khởi nguồn cho phong trào phát triển kinh tế rầm rộ.

Rừng quế cổ thụ được bà con thôn Bỗng 2 coi giữ như báu vật.

Chủ rừng quế là ông Đặng Phúc Minh, hơn 70 tuổi vẫn phăm phăm đi rừng và minh mẫn nhớ lại những ngày đầu “cõng quế” về bản: “Bà con làng Bỗng 2 những năm 1990 rất nghèo, thoát khỏi cuộc sống du canh du cư cũng chỉ biết trồng lúa, trồng ngô lấy lương thực, còn lại sống bám vào rừng. Ngày đó, bà con đi sâu vào rừng hái lá thuốc mà gặp được những cây quế tự nhiên là mừng lắm, vì quế vốn là một vị thuốc quan trọng trong các bài thuốc chữa bệnh. Biết ở vùng đất Văn Yên (Yên Bái) trồng nhiều quế nên tôi quyết định vượt mấy trăm kylomet về tìm giống. Băng rừng, vượt suối nhiều ngày mới ra được đường quốc lộ, tôi gom hết tiền bạc trong nhà mua được 300 cây quế giống về trồng. Lúc trồng cũng phải canh giữ lắm để cây không bị bẻ non vì bà con chưa bao giờ thấy cây thuốc quý lại được trồng tập trung, gần thôn bản như vậy. Khi cần không phải mất công mò mẫm vào rừng sâu nữa mà chạy lên đồi hái được”.

Sau vài năm, mặc dù không có kỹ thuật chăm sóc, chỉ dựa vào kinh nghiệm trồng rừng của bản thân nhưng đồi quế của gia đình ông Minh sinh trưởng và phát triển tốt. Nghĩ đến cuộc sống ấm no nhờ trồng quế của đồng bào mình ở huyện Văn Yên, ông Minh mua thêm 5kg hạt về ươm giống. Thay vì trồng keo, mỡ, ông Minh mở rộng diện tích trồng quế  và chia sẻ cây giống cho bà con trong thôn cùng trồng.

Sau 7-15 năm, nhiều diện tích quế trong thôn đã được thu hoạch, giá trị kinh tế lên đến vài trăm triệu đồng/ha. Đời sống đồng bào Dao đỏ thôn Bỗng 2 không chỉ được nâng cao mà tư duy phát triển kinh tế cũng được thay đổi nhanh chóng.

Hiện, Ông Đặng Phúc Minh đang chăm sóc 4,6ha quế từ 2 năm đến hơn 30 năm tuổi, chưa kể 4 người con trai của ông khi lập gia đình cũng được ông chia cho một diện tích quế đã được thu hoạch để làm vốn. Đến nay, ai cũng mở rộng được diện tích quế của riêng mình, người trồng ít cũng có khoảng 4ha, người nhiều trồng được gần 10ha, mỗi hecta quế trên 10 năm tuổi cho thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.

Rừng quế cổ thụ vẫn sừng sững vươn mình, mặc rêu mốc bao phủ, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng tiền hạt, tiếp tục ươm những mầm xanh mới. “Nếu mỗi cây quế trên 10 năm tuổi có giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng, thì cây quế cổ thụ có giá 6 triệu đồng/cây, đó là mức giá mà nhà tôi vừa bán vườn quế cổ thụ 100 cây gần 30 năm tuổi” ông Triệu Tiến Định cho biết.

HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Cầu Mây nơi chuyên thu mua quế của bà con.

Riêng rừng quế cổ thụ của gia đình ông Minh thì độc nhất vô nhị ở thủ phủ quế Bảo Yên, trở thành nguồn sinh thủy cho đầu nguồn suối Bỗng và là nơi sinh sống của nhiều loại chim di cư quý như chim ưng, đại bàng. Rừng quế cổ thụ là báu vật không chỉ đối với cộng đồng Dao đỏ ở thôn Bỗng 2 bởi giá trị kinh tế, văn hóa gắn liền với đời sống bà con của cả một vùng đất.

Những ngôi biệt thự dưới chân đồi quế

Cả thôn Bỗng 2 có 58 hộ, 100% là người Dao đỏ nhưng trong thôn có đến 13 nhà xây kiên cố, khang trang bề thế như những ngôi biệt thự. Liệt kê những hộ gia đình có thu nhập cao như: Ông Lý Tiến Phúc trồng khoảng 7ha quế từ 7 năm -15 năm tuổi đang cho thu hoạch, ông Đặng Tiến Vạn có 8ha quế, phần lớn cũng trên 10 năm tuổi đang cho thu hoạch khoảng 400 triệu đồng/ha, ông Triệu Văn Sơn có 9ha quế từ 5 năm -15 năm tuổi... thì có thể thấy những ngôi nhà đẹp sẽ mọc lên ngày càng nhiều. Đường về thôn Bỗng 2 hôm nay đã được bê tông hóa vô cùng thuận tiện cho các loại xe đến tận chân đồi vận chuyển lâm sản.

Những ngôi nhà bề thế thôn Bỗng 2 mọc lên ngày càng nhiều.

Trong thôn có HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Cầu Mây với 8 thành viên, chuyên thu mua quế để chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 25-30 lao động, thu nhập mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng/ người. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn trong năm 2023 là 42,13 triệu đồng/người/năm. Thôn chỉ còn 8 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Cọn cho biết: “BCĐ XD NTM xã thời gian qua đã tập trung thực hiện 5 phong trào thi đua theo chuyên đề của tỉnh và 1 phong trào của huyện phát động thuộc các lĩnh vực: “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”; “Xây dựng giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn”; “Xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa”; “Cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn”; “ Giữ gìn an ninh trật tự”; “Toàn dân góp công hiến kế xây dựng NTM” đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ phong trào bằng nhiều hình thức, tạo nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới hoặc hỗ trợ đầu tư trực tiếp bằng các công trình (phòng học, nhà văn hóa, đường giao thông thôn, xóm, hỗ trợ người nghèo…). Trong đó, bà con thôn Bỗng 2 đã làm rất tốt, BCĐ xã cũng đã đánh giá và đang xây dựng mô hình điểm Khu dân cư đồng bào dân tộc Dao kiểu mẫu tại thôn này”.

Cũng nhờ sự tích cực phát triển kinh tế của Nhân dân, đến nay,  xã Cam Cọn đã đạt 12/19 tiêu chí NTM, trong đó có nhiều tiêu chí khó như: Giao Thông, điện, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn...

Đời sống kinh tế được cải thiện, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Xã đã có 13/13 thôn bản có đường bê tông xi măng. 11/13 thôn bản được đầu tư xây dựng các điểm trường, lớp học. 100% số hộ có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, trên 98% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Người dân thôn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công… được cấp thẻ BHYT. Nhân dân được khám chữa bệnh thường xuyên, 10 thôn bản có trường mẫu giáo. Trong sản xuất, bà con đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nên số hộ khá, giàu ngày càng tăng, làm thay đổi diện mạo của nhiều thôn bản.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top