Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Tĩnh nhận thấy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp tối ưu. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Hà Tĩnh đạt tỉnh nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Làn gió mới
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Hà Tĩnh xem đây là nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã cụ thể hóa bằng việc triển khai xây dựng đề án “Chương trình OCOP”.
Đặc sản ở Hà Tĩnh “sang trang” nhờ OCOP
Đến nay, sau 4 năm triển khai thực hiện, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 14 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao. Hầu hết sản phẩm tham gia OCOP đều tăng về doanh số bán hàng: bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia chương trình, có sản phẩm tăng hơn 2 lần, cá biệt có sản phẩm tăng 4-5 lần.
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh thu hút khách hàng tại các hội nghị xúc tiến thương mại.
Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Tổng doanh số bán hàng của các cơ sở OCOP trong toàn tỉnh trước khi tham gia chương trình là 335 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021 là 569 tỷ đồng. Tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP hiện là 2.017 người, chưa kể hàng nghìn lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân người lao động làm việc trong các cơ sở này từ 3,87 triệu đồng/tháng tăng lên 5,1 triệu đồng/tháng.
Người tiêu dùng tự kiểm tra nguồn gốc sản phẩm OCOP thông qua điện thoại thông minh bằng những thao tác đơn giản.
Qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm như: kẹo cu đơ, nhung hươu Hương Sơn, mật mía Sơn Thọ (Vũ Quang), bánh gai làng Khoóng (Đức Thọ), mực một nắng Thạch Kim (Lộc Hà) và sản phẩm nước mắm của các địa phương ven biển… được “đặt tên”, có thương hiệu, ngày càng được người dân trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đã lên đường sang một số nước châu Á, châu Âu như: bánh đa vừng Nguyên Lâm (Kỳ Anh), sứa Mai Dung, bánh ram Anh Thu (Thạch Hà)...
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, khẳng định: “Chương trình OCOP đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo trong cộng đồng. Đây là nền tảng quan trọng và là làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM một cách hiệu quả, bền vững”.
Kinh nghiệm thực hiện OCOP
Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Phó chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, để đạt được kết quả trên, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, các cơ sở sản xuất. Quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện từ khâu xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho đến xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc - trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất... Hằng năm, tỉnh đã tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các cơ sở để giải quyết những vấn đề khó, các rào cản, đặc biệt là vấn đề đất đai, mặt bằng, cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho chủ cơ sở, hộ dân phát triển sản xuất.
Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các cơ sở đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình đồng bộ ngay từ khâu ban đầu là lập phương án sản xuất kinh doanh cho đến khâu cuối cùng là xúc tiến thương mại. Trong 2 năm 2019-2020, tỉnh đã bố trí ngân sách gần 60 tỷ đồng cho Chương trình OCOP. Đồng thời, các địa phương đã ưu tiên bố trí đất đai cho các cơ sở có sản phẩm tiềm năng, có năng lực, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh để hình thành những cơ sở OCOP khang trang, đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất và có thể gắn với điểm tham quan, du lịch. Cùng đó, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và hình thành hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn đã có 16 cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Hà Tĩnh cũng ban hành quy chế quản lý cửa hàng để hình thành kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm OCOP, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải OCOP.
Để quản lý, nâng cao chất lượng, Hà Tĩnh đã ban hành quy chế quản lý sản phẩm OCOP, yêu cầu các cơ sở phải xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và niêm yết tại nơi sản xuất để người dân, cộng đồng biết và giám sát. Hằng năm, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, lấy mẫu độc lập, xử lý nghiêm những cơ sở không chấp hành các quy định của chương trình.
Trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, bên cạnh các tiêu chí của Trung ương, Hà Tĩnh bổ sung một số quy định chặt hơn như: sản phẩm nếu không đạt từ 50% điểm số chất lượng sẽ bị loại và không đánh giá các nội dung còn lại, quy định sản lượng trong năm đánh giá đạt 500 triệu đồng trở lên, doanh thu sau 3 năm đạt 1 tỷ đồng trở lên...
Năm 2021, ngành chuyên môn đã kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh thu hồi chứng nhận OCOP đối với 5 sản phẩm không đảm bảo theo quy chế quản lý sản phẩm OCOP.
Đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% đạt 5 sao. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất thì việc áp dụng công nghệ để chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong Chương trình OCOP. Đây được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Năm 2021, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với các đơn vị công nghệ thông tin triển khai đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM và Chương trình OCOP. Đến nay, đã có 70 cơ sở OCOP triển khai số hóa toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cùng đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các kênh phân phối, đặc biệt là hệ thống cửa hàng OCOP, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và xuất khẩu. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Nếu cơ sở nào vi phạm, không còn đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP thì tham mưu UBND tỉnh thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP hoặc tháo dỡ biển hiệu cửa hàng OCOP theo quy chế.
Nhìn nhận đúng tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức nhằm đề ra giải pháp phù hợp, khả thi để Chương trình OCOP trở thành một trong những nhân tố chính góp phần “phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị” là mục tiêu quan trọng được Hà Tĩnh triển khai trong lộ trình xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
“Trong giai đoạn tới, Hà Tĩnh tiếp tục xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM; là giải pháp quan trọng để xây dựng thành công tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025. Do vậy, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển Chương trình OCOP, trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế nông thôn”, ông Việt cho biết thêm.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.