Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 11 năm 2022 | 15:28

Đặc sản ở Hà Tĩnh “sang trang” nhờ OCOP

Qua 4 năm, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Hà Tĩnh không chỉ miệt mài thực hiện sứ mệnh nâng tầm sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Bài 1: Nâng tầm giá trị sản phẩm

Chương trình OCOP ở Hà Tĩnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của chủ cơ sở, hộ sản xuất, đồng thời làm nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM một cách hiệu quả, bền vững.

OCOP góp phần “làm mới” con người

Có nhiều cơ hội đồng hành cùng chủ cơ sở từ những ngày đầu “làm” OCOP đến nay, anh Lê Xuân Tùng, cán bộ phụ trách Phòng OCOP – Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh chứng kiến sự thay đổi có phần ngoạn mục và nhiều đột phá của các đặc sản vùng miền ở Hà Tĩnh.

Sau mỗi sản phẩm OCOP Hà Tĩnh là một câu chuyện về tình yêu với nghề truyền thống và khát vọng nâng tầm sản phẩm quê hương.

“Những ngày đầu tham gia OCOP, tôi vẫn nhớ hình ảnh nhiều chủ cơ sở sáng bán hàng ở chợ, chiều đi rao bán khắp nơi; bao bì, nhãn mác không có. Nay, các cơ sở đã lớn mạnh, mở rộng sản xuất gấp nhiều lần với sản phẩm có thương hiệu, bao bì sản phẩm đẹp mắt. Tôi có cảm nhận rằng, OCOP đã góp phần “làm mới” con người - những chủ cơ sở - khi họ tự tin hơn, quảng giao hơn, trong đó có một số chị đã trở thành đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp…”, anh Tùng chia sẻ.

Dù gắn bó với nghề sản xuất nước mắm từ những ngày còn đôi mươi nhưng với bà Lê Thị Khương, người khai sinh ra nước mắm Phú Khương ở xóm Xuân Phú (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh), đến nay, sau khi tham gia OCOP, sản phẩm của HTX mới thực sự được “sang trang”.

Được hỗ trợ xây dựng trở thành một trong những sản phẩm OCOP đầu tiên của Hà Tĩnh, mỗi khi kể cho chúng tôi nghe về hành trình OCOP của mình, chị Khương luôn hào hứng và lòng đầy sự biết ơn.

“Dù đã thành lập tổ hợp tác (năm 2012) nhưng tôi vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ thu mua khoảng 20 tấn cá/năm. Đến năm 2015, khi phát triển thành HTX Phú Khương thì quy mô sản xuất tăng lên gần 200 tấn cá/năm. Dù vậy, nước mắm vẫn chưa có thương hiệu, sản xuất chưa quy củ. Là Giám đốc HTX nhưng tôi vẫn chở từng can nước mắm đi bán ở chợ…”, bà Khương chia sẻ.

Năm 2018, được các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng sản phẩm nước mắm Phú Khương (tên ghép của thôn Kỳ Phú và bà Lê Thị Khương) trở thành sản phẩm OCOP và năm 2019 đạt sản phẩm 3 sao, từ đây, nước mắm Phú Khương đã có bước phát triển vượt bậc. Ngoài chất lượng không ngừng được cải thiện bằng công nghệ muối hiện đại thì mẫu mã cũng được nâng cấp để đảm bảo các tiêu chí và thu hút khách hàng.

Khi tham gia OCOP, HTX  được hỗ trợ xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Phú Khương. Ngoài ra, còn được hỗ trợ nhận diện thương hiệu, quảng bá thương hiệu thông qua logo, tem nhãn sản phẩm, tham gia hội chợ, đi học hỏi ở các vùng sản xuất nước mắm nổi tiếng… Với nhiều nỗ lực, năm 2021, nước mắm Phú Khương đã được nâng bậc lên 4 sao.

Quy mô sản xuất được mở rộng, thị trường tiêu thụ ổn định, hiện nay, trung bình mỗi năm HTX thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương thu mua hơn 400 tấn cá, ước sản xuất hơn 300.000 lít nước mắm, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ.

Sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh không đơn thuần chỉ là để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mà phía sau đó là những câu chuyện về văn hóa vùng miền, về những con người với tình yêu và khát vọng đưa sản phẩm truyền thống của quê hương lên tầm cao mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ cơ sở sản xuất bánh đa vừng Minh Thúy, thôn Trung Trinh (Việt Tiến), chia sẻ: “Ngày trước, cha mẹ tôi cũng như người làng này thường mang bánh ra bán tại chợ Gát (Việt Tiến), chợ Cường (Sơn Lộc), chợ Già (Thạch Kênh)... Bánh làng tôi nổi tiếng thơm ngon nên chẳng mấy khi người làng đi chợ mà phải gánh bánh quay về”.

Vì muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha mẹ để lại, chị Thủy quyết theo nghề và đến khi xây dựng gia đình, chồng và các con cũng cùng chị đỏ lửa. Sản xuất theo phương pháp thủ công, mỗi ngày, gia đình chị Thủy làm ra khoảng 600 chiếc bánh.

Có thâm niên trong nghề, chất lượng bánh ngon nên hầu hết thành phẩm đều được thương lái đến tận nơi thu mua. Có thời điểm, lượng bánh làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trăn trở với việc làm thế nào để đưa sản phẩm truyền thống của quê hương, gia đình vươn xa, năm 2017, gia đình chị Thủy mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy nghiền bột cỡ lớn, máy tráng bánh tự động, máy sấy giòn... Nhờ có máy móc hỗ trợ, cơ sở có thể làm ra 10.000 chiếc bánh/ngày, phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.

Năm 2020, bánh đa vừng của cơ sở Minh Thúy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Dù có máy móc hỗ trợ nhưng sản phẩm vẫn giữ nguyên công thức, hương vị của những chiếc bánh đa vừng truyền thống đã gắn bó bao đời với người dân quê.

Chị Thủy chia sẻ: “Nhiều người vẫn nghĩ làm bánh đa đơn giản, nhưng để làm ra một chiếc bánh thơm ngon tròn vị thì không chỉ là công nghệ mà còn chứa đựng tâm huyết của người làm trong từng công đoạn. Tất cả được tiến hành tỉ mỉ với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm truyền thống chất lượng”.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Song song với mục tiêu phát triển sản phẩm mới, Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Trong đó, việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, triển lãm trong tỉnh, trong nước và quốc tế được xem là “mũi chiến lược” mà các đơn vị liên quan như: Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cùng các tổ chức, đoàn thể tích cực tổ chức, khâu nối.

Các đơn vị liên quan đã tổ chức, kết nối triển khai các hoạt động như: hội chợ sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực tỉnh hằng năm, phiên chợ đêm cuối tuần, phiên chợ sản phẩm OCOP, phiên chợ OCOP trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua nền tảng số.

Đặc biệt, qua các chương trình xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có thêm kênh để đưa sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vào phân phối trong hệ thống siêu thị như: Big C, Winmart, Coo.p mart.

“Việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo... đã tạo thêm nhiều kênh tiếp cận người tiêu dùng, góp phần đưa các sản vật của địa phương đến gần hơn với khách hàng. Đồng thời, đây cũng là cách chủ động đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống. Vì thế, việc chuyển đổi số là tất yếu để các sản phẩm OCOP có thêm nhiều cơ hội “bay xa””, anh Nguyễn Khắc Huân, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 14 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao. Mục tiêu của OCOP Hà Tĩnh đặt ra không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những lợi thế so sánh về điều kiện lịch sử, tri thức và “công nghệ” địa phương. Điều quan trọng cần phải làm được là, khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Hà Tĩnh.

Bài 2:  Kinh nghiệm phát triển OCOP

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top