Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 | 21:3

Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Thái Bình: Sản phẩm OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn 

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thái Bình luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, từ đó xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.

Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao, 135 sản phẩm 3 sao. Chương trình đã thu hút 128 cơ sở, trong đó có 37 doanh nghiệp, 48 HTX và 43 hộ kinh doanh tham gia, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu (như VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học...), khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Các chủ thể tham gia chương trình đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại khu vực nông thôn.

OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Sau khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được thị trường ưa chuộng như: bánh cáy, gạo, khăn bông, nước mắm, thủy hải sản, trà thảo dược... Một số sản phẩm đã được chế biến sâu bằng ứng dụng công nghệ cao tạo giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vai trò quan trọng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương và được xem như kết quả cuối cùng của tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xã NTM.

Xã Nam Hải (Tiền Hải) có trên 100 hộ làm nước mắm nhưng chỉ duy nhất gia đình anh Nguyễn Văn Đoán, thôn Nội Lang Nam triển khai làm nước mắm quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nước mắm Đoán Tuyết, đã đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Chỉ riêng cơ sở Đoán Tuyết cung cấp ra thị trường trên 50.000 lít nước mắm/năm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Đoán đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị “nâng sao” cho sản phẩm nước mắm Đoán Tuyết.

Anh Đoán cho biết: Trước đây, tôi cũng như người dân trong xã sản xuất nước mắm theo kiểu thủ công gia truyền nhỏ lẻ và tự phát, tạo thương hiệu riêng cho mình bằng uy tín, chất lượng của sản phẩm và bán theo đơn đặt hàng trong tỉnh, còn lại chủ yếu là bán lẻ tại các địa phương trong huyện. Từ khi sản phẩm nước mắm được gắn sao OCOP, tôi rất tự hào khi xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của địa phương để đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới. Sản lượng tiêu thụ tăng, chúng tôi cũng yên tâm gắn bó với nghề và chú trọng tới đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Hết năm 2023, huyện Thái Thụy đã phát triển được 40 sản phẩm OCOP, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thực hiện chương trình OCOP, Thái Thụy chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm phát triển theo chiều sâu gắn với chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. 

Chương trình OCOP tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. 

Mỗi năm, cơ sở nước mắm Đoán Tuyết, xã Nam Hải (Tiền Hải) cung cấp ra thị trường 50.000 lít nước mắm.

Theo lãnh đạo Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để phát triển và đẩy mạnh hệ thống tiêu thụ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ, gian hàng trên sàn thương mại posmart.vn và voso.vn… Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình, tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho gần 70 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhập trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho 36 tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và sản phẩm khoa học công nghệ để cập nhật thông tin trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh…

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chương trình OCOP lan tỏa và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP, chủ trì triển khai các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn các hoạt động của ngành với phát triển các sản phẩm OCOP. Hướng dẫn chủ thể OCOP ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP thuộc ngành quản lý.

Theo quy định của chương trình, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP là 36 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định công nhận. Do đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và có trách nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP. Các chủ thể cần chủ động, tích cực cân đối nguồn lực, tiếp tục đăng ký đánh giá lại đối với các sản phẩm sắp đến hạn 36 tháng để duy trì và khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, có trách nhiệm, hiệu quả, bền vững.

Hà Nội: Thay đổi tư duy sản xuất, cách thức phát triển sản phẩm OCOP trong tình hình mới

Huyện Sóc Sơn hiện có hơn 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 4.500ha đất lâm nghiệp; 112 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động nhiều ngành nghề, loại hình; 3.447 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 làng nghề truyền thống...

Đây là tiềm năng lớn để huyện phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm nước xì dầu 2S đậu đen - ngưu bàng của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). (Ảnh: Hoàng Sơn)

Để phát huy tiềm năng, lợi thế này vào triển khai Chương trình OCOP, từ năm 2020 đến nay, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ xã, thị trấn, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ minh chứng, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm. Các chủ thể có sản phẩm cũng được huyện kết nối tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, như: www.socsonshop và fanpage “SS.Shoping”… Nhờ đó, đến quý I-2024, huyện Sóc Sơn đã xây dựng được 125 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện Sóc Sơn đã khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP 4 sao có doanh thu tăng trung bình 20%/năm so với trước đó và có sản phẩm tăng tới 50-70%, như: Tranh gạo Vân Quân, giò chả Chín Tráng Tân Dân, mật ong hoa rừng Cô Nụ Phù Linh... Không những vậy, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện còn tạo việc làm cho gần 300 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, thấy được hiệu quả của Chương trình OCOP, ngay từ đầu năm 2024, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có sản phẩm mới đã đăng ký tham gia. Phòng Kinh tế huyện đã hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ 50 chủ thể thay đổi tư duy sản xuất, cách thức phát triển sản phẩm trong tình hình mới. Đặc biệt, Phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) và Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn) hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP chất lượng cao, như: Trà ướp sen, trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa vàng Hakoda và nước xì dầu 2S đậu đen - ngưu bàng.

“Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đánh giá những sản phẩm trên có nguồn gốc thiên nhiên, vùng nguyên liệu trồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, được chuyên gia Nhật Bản và các viện nghiên cứu ở Việt Nam đánh giá cao về chất lượng, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao mang thương hiệu Sóc Sơn”, bà Hoàng Thị Hà thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, để phát triển 200 sản phẩm OCOP vào năm 2025 và xây dựng được Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, huyện Sóc Sơn đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, người dân và các chủ thể. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội và các sở, ngành của thành phố đưa sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, tuần hàng xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Huyện cũng phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại điện tử và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…, từ đó tạo động lực, thu hút các chủ thể đồng hành cùng Chương trình OCOP của huyện.

Ninh Bình: Quảng bá những tinh hoa văn hóa qua các sản phẩm OCOP

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và làng nghề nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại Phố cổ Hoa Lư.

Gian hàng thu hút đông khách tham quan, mua sắm.

Hơn 50 sản phẩm của gần 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được lựa chọn, trưng bày tại đây, nhằm giới thiệu với người dân và du khách. Đây là những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng cho văn hóa, đời sống của người dân Ninh Bình. Tiêu biểu như: Thịt chưng mắm tép, Bột sắn dây, Bột rau má, Cơm cháy, Ruốc cá rô tổng Trường, Trà sơn kim cúc, Hạt sen sấy, Mật ong, Trà Vũ Gia, Ngô nguyên hạt, Rượu vang đào, Tinh dầu tràm; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm, cói Thành Hóa...

Hoạt động trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tại địa điểm tham quan, gắn kết với các sự kiện, hoạt động du lịch không chỉ là cơ hội để các sản phẩm của tỉnh  đến gần hơn với người tiêu dùng, tăng cơ hội kết nối, tiêu thụ mà còn là dịp để Ninh Bình quảng bá những tinh hoa văn hóa, nét đặc sắc trong đời sống sản xuất và sinh hoạt với người dân và du khách trong, ngoài nước./.

 

Thanh Tâm (t/h theo hanoimoi.vn, baothaibinh.com.vn, baoninhbinh.org.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top