Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 18 tháng 6 năm 2023 | 13:8

Để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, hiệu quả: Chuyên nghiệp hóa theo chuỗi - Bài 2: Mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững

Chăn nuôi lợn là ngành quan trọng, không chỉ góp phần cung cấp lượng lớn thực phẩm trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành này đang chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận giảm mạnh, đã có hiện tượng người nuôi không tái đàn. 

Đâu là giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn?

Bài 1: Ngành nuôi lợn gặp khó

Mục tiêu lớn

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, thì ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Đến năm 2030, phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống cao sản và giống bản địa. Tổng đàn lợn từ 29 đến 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái từ 2,5 đến 2,8 triệu con, đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Giá lợn hơi giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 đến 45 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh. Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến và chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến thực phẩm

Mục tiêu là vậy, nhưng từ năm 2016 đến nay, sự biến động về tổng đàn và sản lượng giữa các năm khá lớn, cho thấy chăn nuôi lợn rủi ro cao. Đặc biệt,  thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán thấp khiến không ít người nuôi thu lỗ. Vậy đâu là giải pháp để thực hiện mục tiêu đối với ngành chăn nuôi lợn.

Phát triển theo mô hình tuần hoàn

Trong ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng, phát triển theo mô hình tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Những năm qua, quy mô tổng đàn lợn đạt hơn 28,8 triệu con, sản lượng thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tạo giá trị lớn về kinh tế. Tuy nhiên, chăn nuôi cũng kéo theo những hệ lụy ô nhiễm môi trường, các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác. Do đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sẽ là cơ hội để các đơn vị, tổ chức trao đổi, nhận diện thách thức và tìm các giải pháp đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Người chăn nuôi tự trộn thức ăn cho lợn để thay thế cám công nghiệp từ đó giảm chi phí sản xuất.

Với đàn lợn trên địa bàn lên tới 2,6 triệu con, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song việc áp dụng hầm biogas còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học đạt hơn 330.000m2. Tỉnh cũng đang triển khai mô hình nuôi lợn hữu cơ, các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.

Tiến sĩ Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Tiến sĩ Võ Trọng Thành cho biết, chúng ta cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi. Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.

Hạ giá thành thức ăn

Khoảng hơn 2 năm nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến nhiều hộ nuôi lợn thua lỗ. Gia đình bà Phạm Thị Bình (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) đầu tháng 4/2023 xuất bán 40 con lợn thịt với giá 45.000 đồng/kg, sau khi hạch toán, lỗ khoảng 20 triệu đồng. Theo bà Bình, mấy năm trở lại đây, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nay giá lợn hơi lại giảm mạnh. Nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm, giá lợn hơi không cải thiện thì gia đình phải tìm hướng phát triển kinh tế khác.

Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn công nghiệp từ nguyên liệu trong nước để hạ giá thành sản phẩm thức ăn công nghiệp; tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu... Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lợn, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu và sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.

Với chăn nuôi nông hộ, cần khuyến khích người dân tận dụng phụ phẩm làm nguồn thức ăn. Chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng ngô, sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sớm phát triển các vùng nguyên liệu thay thế tại các địa phương có lợi thế. Hiện nay, mỗi năm nước ta có hàng chục triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp có thể làm thức ăn chăn nuôi, vì vậy, cần tận dụng nguồn nguyên liệu này, không để lãng phí, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong điều kiện giá nguyên liệu tăng lên, một số nơi đã xuất hiện mô hình bà con tận dụng phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để thay thế phần nào thức ăn công nghiệp, đây cũng là cách để giảm áp lực do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết

Liên kết trong chăn nuôi đang là một xu hướng, nhưng mới chỉ dừng ở những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Còn ở những cơ sở chăn nuôi nhỏ, việc triển khai theo chuỗi đang gặp khó. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thành những tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng chia sẻ rủi ro, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và truy xuất được nguồn gốc, quản lý được chất lượng sản phẩm.

Nhằm phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường, những năm qua, Hà Nam tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ trực tiếp ký kết bảo đảm đầu ra với các trang trại, hộ chăn nuôi. Các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho người dân và mua lại sản phẩm của người chăn nuôi để cung ứng ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều hình thức, cách thức khác nhau.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam, cho biết, tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết, giảm thấp nhất các khâu trung gian, hướng đến phát triển bền vững. Cụ thể, người chăn nuôi, các trang trại phải thay đổi cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý quy trình sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho rằng, cần cụ thể hóa các giải pháp, trong đó, chú trọng đầu tư sản xuất chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc. Và cần có giải pháp phát triển cơ sở giết mổ tập trung có áp dụng công nghệ giết mổ hiện đại, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Cục Chăn nuôi, toàn ngành sẽ chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết. Phấn đấu đến năm 2025, nước ta có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn. Cùng với đó, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu sản phẩm, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ và phát triển chế biến và đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, tạo cơ chế và hành lang pháp lý để gắn kết các tác nhân trong chuỗi, giữa sản xuất với thị trường.

Trang trại lợn của bà Phạm Thị Tuyến (Đắk Ruồng, Kon Rẫy, Kon Tum) đạt tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học.

Đầu tư con giống chất lượng

Một giải pháp để phát triển chăn nuôi lợn bền vững là nâng cao chất lượng con giống, cần tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống; quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hợp lý, an toàn dịch bệnh.

Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho từng vùng sản xuất, phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường, bảo đảm có số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cần cơ cấu lại giống và nâng cao năng suất, chất lượng con giống. Nâng cao năng suất sinh sản bằng cách sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, tiến tới phương thức cấy truyền phôi, nhân giống có năng suất, chất lượng, để cải thiện chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị phần thị trường ở các nước.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi để triển khai xây dựng thêm cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ cùng các địa phương cần có ý kiến về quy hoạch đất đai cho phát triển chăn nuôi. Các ngân hàng tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bởi chu kỳ chăn nuôi khá dài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các tỉnh, thành phố nên có thêm cơ chế, chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ năng lực; đồng thời, thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như: Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh…, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Từ đầu hè đến nay, do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino thời tiết nóng nực lan rộng kéo dài. Thêm vào đó là tình trạng thiếu điện và việc cắt điện luân phiên khiến nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn điêu đứng. Đây là vấn đề cần được cả cơ quan chức năng, chính quyền, người chăn nuôi quan tâm nhằm vừa đảm bảo sự an toàn cho vật nuôi vừa giảm chi phí. Nếu thiếu điện lưới, chi phí đầu vào của chăn nuôi sẽ tăng khá cao.

Cùng với đó, cần có sự đột phá mới về chính sách trong thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, nhất là chính sách về đất đai, vốn, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức chăn nuôi liên kết gắn sản xuất với quy hoạch sử dụng nguồn nguyên liệu trồng trọt, thủy sản đa dạng trong nước, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, gia tăng giá trị, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao...

Đổi mới tư duy về cơ chế quản lý thị trường, tổ chức thị trường ngành hàng thịt hiện đại, bền vững; nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường giá cả của Nhà nước; phân công, phân nhiệm và quy trách nhiệm giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về quản lý, điều tiết thị trường là vấn đề cần hành động ngay và mạnh mẽ hơn.

Bài 3: Những mô hình cần nhân rộng

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top