Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 13:58

Để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, hiệu quả: Chuyên nghiệp hóa theo chuỗi - Bài 3: Những mô hình cần nhân rộng

Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, giá sản phẩm đầu ra không ổn định, nhiều trang trại nuôi lợn điêu đứng. Tuy nhiên, những mô hình thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín vẫn đứng vững trước khó khăn.

Bài 1: Ngành nuôi lợn gặp khó

Bài 2: Mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững

Mô hình biogas giúp tiết kiệm điện năng

Việc sử dụng hệ thống biogas có thể giúp các trang trại nuôi lợn tiết kiệm hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí sử dụng điện năng.

Nằm ngoài cánh đồng thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn), Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu từ lâu được biết đến như một trang trại chăn nuôi lợn vào loại lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trang trại này có khoảng 3.000 con lợn thịt và 300 - 400 con lợn giống, cung cấp một lượng thịt lớn cho người dân địa phương và vùng lân cận.

Hệ thống biogas tại trang trại Hải Dương.

Trước đây, để đủ điện chiếu sáng và làm mát cho lợn, mỗi tháng, trang trại mất khoảng 20 triệu đồng cho hệ thống quạt điện và đèn chiếu sáng lắp cho hai dãy chuồng nuôi. Bên cạnh mức chi phí khá cao đó, lượng chất thải từ chăn nuôi lợn thải ra mỗi ngày còn khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thực hiện yêu cầu xử lý chất thải và vấn đề ô nhiêm môi trường, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí cho trang trại, Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu xây dựng hệ thống biogas phủ bạt với thể tích 7.000m3 cho khu vực nuôi lợn thịt. Toàn bộ chất thải động vật được dẫn xuống bể biogas, khí biogas sinh ra từ bể sau đó được dẫn qua hệ thống lọc để lọc hết tạp chất và mùi rồi đưa vào cung cấp cho máy phát điện. Với khoảng 260m3 khí biogas được sinh ra mỗi ngày, lượng điện từ hầm biogas này có khả năng cung cấp khoảng 70% nhu cầu điện cho toàn trang trại.

Hay trang trại của ông Nguyễn Văn Hậu tại Cẩm Giàng (Hải Dương) với gần 3.000 con lợn, đã lắp đặt hệ thống máy phát điện khí sinh học hơn hai năm nay. Theo ông Hậu thì với thời gian chạy máy khoảng 6-8 giờ/ngày, có thể tạo đủ năng lượng để vận hành hai tháp áp suất đẩy thức ăn vào bốn khu nuôi lợn, chạy hệ thống máy bơm nước, giàn mát và các thiết bị khác. “Công nhân ở trang trại vẫn còn chưa hết ngạc nhiên khi nấu ăn bằng điện sản xuất từ chính chất thải của trang trại”, ông Hậu vui vẻ cho biết.

Theo ông Hậu, ngoài việc tạo ra điện, các hệ thống này còn có tác dụng ủ phân và nước thải thành phân bón sinh học giàu nitơ, phốt pho và kali, rất thích hợp cho canh tác hữu cơ. Số phân sau khi ủ được các hộ trong vùng mua về để bón cây, giúp tăng độ phì nhiêu của đất và năng suất cây trồng. Như vậy, trang trại của ông Hậu vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải, khí thải do không còn bị ảnh hưởng bởi mùi phân lợn, đồng thời giảm đáng kể chi phí điện vận hành và còn tạo thêm nguồn thu từ việc bán phân bón hữu cơ. 

Chăn nuôi lợn khép kín cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm

Mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hướng công nghiệp, gia đình anh Lê Quốc Tân (xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. 

Anh Tân vui mừng chia sẻ về những thành công của mình và đã vinh dự trở thành 1 trong 7 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.

Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng mô hình, anh Tân cho biết, năm đầu, chỉ nuôi lợn nái để chủ động giống và nuôi lợn thịt, quy mô chỉ vài chục con nhưng do chưa có kinh nghiệm nên vô cùng khốn khó. Vừa vất vả ứng phó dịch bệnh lại loay xoay, tất tả “ngóng” thị trường. Có những thời điểm dịch bệnh chuyển biến khó lường, khiến đàn lợn chết sạch, bao nhiêu vốn liếng trôi sông trôi biển hết thảy. Rồi những khi tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng thì bất chợt giá cả lại tuột dốc không phanh, trong khi lợn đã đến kỳ không thể giữ lâu trong chuồng, buộc anh phải bán tống bán tháo chỉ mong gỡ gạc lại chút vốn.

Từ thành công bước đầu, anh lên ý tưởng và bàn với gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại khép kín và tăng số lượng đàn. Nghĩ là làm, anh chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt đầu từ nghiên cứu, học hỏi các kiến thức về xây dựng mô hình trên internet, các chương trình nông nghiệp trên truyền hình và tích cực tham gia các hội thảo liên quan đến chăn nuôi. Tự tin với những gì mình học được, anh quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Theo đó, trên diện tích 7ha, anh xây dựng 6 khu chuồng riêng biệt dành cho nuôi lợn nái và lợn thịt. Đồng thời, anh lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi một cách bài bản như: máng ăn tự động, hệ thống điều hoà làm mát, bóng úm, hầm biogas…

Trang trại của anh Tân như một khu sinh thái với hệ thống khép kín, đảm bảo môi trường gần như không mùi hôi.

Theo anh Tân, chăn nuôi theo hình thức này có ưu điểm đảm bảo tính an toàn sinh học, chủ động được con giống, hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài về. Anh chia sẻ thêm: Việc nắm vững kỹ thuật chăn nuôi rất quan trọng. Cụ thể, với số lượng lợn nái lớn, để có con giống tốt, tôi đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để tỷ lệ thành công 100%, cần bảo quản tinh lợn ở nhiệt độ 18 đến 21 độ, thời gian bảo quản tối đa 7 ngày. Mặt khác, khi lợn con được sinh ra, phải  tiêm phòng vắc xin đầy đủ, khẩu phần ăn hợp lý và vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Nhờ chịu khó, có kinh nghiệm chăn nuôi, từ 20 con lợn nái ban đầu, đến nay, anh Tân luôn duy trì hơn 100 lợn nái và dao động 600 - 800 con lợn thịt, mỗi năm cho thu nhập trên 3 tỷ đồng.

Với chủ trương chuyển đổi ruộng đất, khu đất ruộng ở xóm 2, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên nơi gia đình anh Tân đang xây dựng trang trại được quy hoạch làm vùng chăn nuôi tập trung với các trang trại gà, lợn, cá. Vì vậy, anh mạnh dạn nhận hơn 7ha, lập đề án xây dựng trang trại lợn nái công nghệ cao kết hợp nuôi cá, trồng cây.

Để đưa ra quyết định này, anh Tân cũng rất trăn trở, sau khi cân nhắc, anh  quyết định đánh liều vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, công nghệ. “Muốn làm trang trại công nghệ cao cần nhiều tiền lắm,  thời gian thu vốn cũng kéo dài mà rủi ro cao. Nhưng tôi tin rằng mình có kinh nghiệm, được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chuẩn thì sẽ thành công. Nhưng nói thật, khi đó vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng, ai cũng bảo tôi quá liều, không có nông dân nào lại liều như vậy”, anh Tân chia sẻ về quyết định đầy mạo hiểm của mình. Từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các vấn đề về môi trường không được đảm bảo, giờ đây anh chuyển hướng sang xây dựng trang trại công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường bền vững, đó là hướng đi được anh xác định lâu dài.

Với số tiền vay ngân hàng, anh Tân bắt đầu biến hơn 7ha thành khu trang trại khép kín. Trong đó có 6 dãy chuồng được đầu tư hiện đại, với hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải hiện đại để bảo vệ môi trường.

Năm 2019, mô hình nuôi lợn, gà và nuôi trồng thủy sản của anh Tân chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là năm vô cùng khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tràn lan khắp nơi, nhiều trang trại đã phải bỏ không, vì lợn chết nhiều. Ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng bệnh, anh bắt đầu xây dựng mô hình phòng dịch 3 lớp với quá trình kiểm soát nghiêm ngặt.

Anh Tân chia sẻ: “Dịch bệnh thì chỉ có phòng chống được mới hiệu quả, còn nếu xảy ra rồi thì coi như mất hết. Ngoài khử khuẩn chuồng trại của mình, tôi cấp vôi bột, hỗ trợ địa phương thuốc sát trùng để phun khử khuẩn, các vùng quanh khu vực trang trại để phòng dịch. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt người đến, vào trang trại. Anh em công nhân, kỹ thuật khi về nhà trở lại trang trại ngoài việc khử khuẩn còn phải cách ly đảm bảo 24 giờ, sau đó tiếp tục khử khuẩn mới được vào làm việc. Mặc dù chi phí phòng dịch khá cao, thậm chí còn phải vay thêm tiền để mua vôi bột, nước khử khuẩn, tôi vẫn chấp nhận”.

Những lớp phòng dịch của anh Tân đã phát huy hiệu quả, may mắn trang trại không xảy ra dịch, đàn lợn nái hơn 100 con vẫn bình an trong các căn phòng lạnh, sinh sản đều, giá lợn giống sau dịch tăng cao nên năm đó anh cũng thu lại khá cao.

Những năm vừa qua, bình quân mỗi năm anh Tân thu về khoảng 18 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 3 tỷ đồng. Số nợ 10 tỷ giờ cũng đã được thanh toán, trang trại tạo công ăn việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập bình quân 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn một số lao động thời vụ.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trang trại, anh Tân chia sẻ: Hiện nay, trên toàn hệ thống trang trại, gia đình áp dụng công nghệ chăn nuôi tự động và bán tự động nhằm tăng năng suất, hạn chế quá trình sử dụng sức lao động.

Nuôi lợn liên kết, thu tiền tỷ

Thay đổi cách làm, biết bắt cơ hội, ông Bùi Trọng Thái (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã thành công với mô hình nuôi lợn liên kết khi lợi nhuận hằng năm đạt xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Năm 2012, huyện Hương Sơn có chủ trương khuyến khích các hộ gia đình liên kết với các doanh nghiệp lớn để mở rộng mạng lưới chăn nuôi vệ tinh, tăng đàn lợn thương phẩm. Nắm bắt cơ hội, ông Thái quyết định rẽ hướng đầu tư phát triển kinh tế bằng việc xây dựng trang trại nuôi lợn thương phẩm diện tích 720m2, liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là Công ty CP) để phát triển đàn lợn.

Nhờ chăn nuôi liên kết, 2 trại lợn thương phẩm của ông Bùi Trọng Thái, xã Quang Diệm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho doanh thu từ 950 -1 tỷ đồng/năm.

Thời điểm đó, trang trại được đầu tư với tổng vốn hơn 1 tỷ đồng nhưng ông Thái chỉ phải bỏ vốn hơn 600 triệu đồng vì được nhận hỗ trợ hơn 300 triệu đồng theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 29/8/2011 về quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015.

“Nếu không có nguồn hỗ trợ từ tỉnh thì dự án của tôi khó có thể triển khai. Không chỉ là nguồn lực, các chính sách trên còn là động lực để chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách vững chắc”, ông Thái cho hay.

Sau quá trình nâng cấp đường vào trại, xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, tháng 6/2013, trại lợn của ông Thái tiếp nhận 500 lợn con có trọng lượng 6kg/con để nuôi. Đầu năm 2014, ông tiếp tục đầu tư thêm 1 trang trại, diện tích 720m2 với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để nuôi 500 con lợn thương phẩm.

“Để nuôi liên kết, chủ trang trại phải đầu tư chuồng trại đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi quy mô lớn theo quy định của doanh nghiệp. Đổi lại, các yếu tố khác như: cung cấp lợn nái mẹ, thức ăn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm đều do Công ty CP đảm nhận. Quá trình chăn nuôi, phải tuân thủ chặt những quy định nghiêm ngặt về công tác phòng dịch, quy trình kỹ thuật, thức ăn, chế độ cách ly chuồng trại...”, ông Thái cho biết thêm.

Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi nên 3 năm gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Hương Sơn, trang trại lợn của ông Thái vẫn duy trì sản xuất ổn định.

Mỗi năm, 2 trại lợn thương phẩm của ông xuất lại cho Công ty CP 2 lứa, mỗi lứa 1.000 con (trọng lượng mỗi con đạt trên 100kg). Trừ trọng lượng con giống ban đầu, Công ty CP trả công cho người nuôi 3.500 - 4.800 đồng/kg (dao động từng năm). Theo tính toán, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Thái thu lợi  gần 1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thái, trước thực trạng thị trường đầu ra cho sản phẩm lợn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất cập như hiện nay thì liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi được coi là giải pháp phù hợp. Người chăn nuôi có thể yên tâm, không phải lo lắng, chịu áp lực về biến động giá của thị trường, không phải tự mình tìm “đầu ra” cho sản phẩm lợn vốn rất bấp bênh và hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Bình (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cũng cho hiệu quả cao nhờ liên kết. Anh Bình chia sẻ, là nông dân, có hai vấn đề ngần ngại nhất là đầu ra và tình hình dịch bệnh. Với cây trồng đã khó khăn, chăn nuôi còn vất vả hơn nhiều vì chi phí rất cao, nếu giá thấp hoặc gặp dịch bệnh thì thiệt hại với nông dân rất lớn. Bởi vậy, khi bắt tay vào chăn nuôi, anh Bình quyết định theo hướng xây chuồng trại đạt chuẩn, chăn nuôi gia công cho Công ty CP. Nuôi gia công cho công ty nghĩa là lợn giống, thuốc, thức ăn các loại đều của công ty giao cho nông dân. Mình chỉ có chuồng và chăm sóc đúng quy trình do công ty quy định. Tới ngày theo kế hoạch, công ty đến cân lợn và trả cho nông dân số tiền công trên số trọng lượng. Nuôi gia công thì không trúng giá như nuôi tự do nhưng bù lại, người nông dân chăn nuôi ổn định và có thể tính được số thu nhập của gia đình. 

Hiện, anh Bình đang nuôi lứa lợn 1.400 con cho Công ty CP. Với giá công ty trả 3.000 đồng/kg lợn hơi, lợn càng to, anh càng có thu nhập cao. Anh Bình cho biết, nếu chăm sóc tốt, trung bình  con lợn  trọng lượng 115 kg, với thời gian 5 tháng/lứa, nông dân có thu nhập khá cao với rủi ro rất thấp. Như gia đình anh, từ năm 2008 tới nay, năm nào anh cũng nuôi gia công cho Công ty CP từ 2.000 - 2.500 con lợn, bình quân 2.500 tấn lợn hơi, thu nhập đủ để nuôi con cái học hành trong nước và du học, mua đất đai, nhà cửa. Đó là chưa kể lượng phân lợn được thu và bán cho các nông hộ trồng trọt với giá 30.000 đồng/bao, mang lại nguồn thu đáng kể cho trang trại. 

Dabaco ghi dấu ấn với mô hình 3F

Công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn DABACO hiện có hệ thống 45 trang trại chăn nuôi gia công lợn thịt tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hải Dương..., sản lượng mỗi năm đạt 7.000 tấn thịt lợn tươi cung cấp cho thị trường, chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với tỷ lệ nạc đạt trên 64%.

Thay bằng việc chăn nuôi nhỏ lẻ, ngay từ những ngày đầu bước ra thị trường, Dabaco đã xác định mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng khép kín. Với nỗ lực tự thân khai thác kết hợp lợi thế cạnh tranh của mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín 3F (Feed – Farm – Food), đến nay, có thể khẳng định: Dabaco Group hoàn toàn làm chủ được công nghệ và phát triển sản phẩm mới của mình.

3F là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại,  đến khâu chế biến thực phẩm.

Trong lĩnh vực giống gia súc, gia cầm, Dabaco Group nổi danh với trang trại chăn nuôi lợn giống, cung ứng lợn thịt. Mỗi năm doanh nghiệp cung cấp trên 1,5 triệu con lợn giống; trên 60.000 tấn lợn thịt. 

Bên cạnh mô hình 3F, Dabaco Group còn ghi dấu ấn khi nhanh chóng đầu tư công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào quy trình làm việc. Từ ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, phần mềm xử lý dữ liệu tự động Fan’s cho đến giải pháp quản lý về gia phả, năng suất, chỉ tiêu kỹ thuật con giống.

 Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco từng nêu quan điểm:Làm nông nghiệp phải bài bản, tư duy kinh doanh theo chuỗi, đầu tư khoa học và công nghệ để kiểm soát tối đa rủi ro.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến: Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng phát triển các chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Ngành chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số để đảm bảo sự phát triển bền vững.

 

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự

    Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

  • Ngày vui thống nhất non sông

    Ngày vui thống nhất non sông

    Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

  • Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

  • Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện miền núi Hà Tĩnh

    Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai bằng phẳng, những năm qua người dân xã Phúc Trạch, xã Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngừng mở rộng diện tích trồng cây gió trầm. Với nhiều chính sách khuyến khích trong đầu tư phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cây gió trầm đã góp phần quan trọng giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

  • Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện

    Hòa Bình là địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu kết hợp hiệu quả giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững.

  • Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Hỗ trợ bò lai sinh sản cho người nghèo

    Thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025”, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) vừa tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Top