Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 6 năm 2023 | 10:29

Để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, hiệu quả: Chuyên nghiệp hóa theo chuỗi

Ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung các mặt hàng thịt lợn luôn thu hút sự quan tâm của người dân bởi sự phổ biến của thực phẩm này trong bữa ăn hằng ngày ở mỗi gia đình, bởi thế mới có ý kiến đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên vì hiện có nhiều sản phẩm thịt khác từ bò, gà, thủy sản thay thế thịt lợn nên đây không phải là mặt hàng thiết yếu.

Để bảo đảm hài hòa giữa sản xuất và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn, nhiệm vụ quan trọng là phát triển ngành chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững theo hướng chuyên nghiệp và theo chuỗi.

Các cơ quan chức năng và địa phương cần bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020).

Bài 1: Ngành nuôi lợn gặp khó

Chưa bao giờ người chăn nuôi lợn lại gặp khó khăn “kép” như hiện nay khi giá thức ăn chăn nuôi luôn “neo” ở mức cao trong khi giá thịt lợn lại giảm. Tình trạng “treo chuồng” diễn ra ở nhiều địa phương. Nhiều nông hộ, chủ trang trại nuôi lợn, thậm chí cả doanh nghiệp, đang làm ăn có lãi bỗng chốc đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Khó khăn kép

Thời gian qua, giá lợn giảm liên tục do nhu cầu tiêu thụ thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Kể từ quý III năm ngoái đến nay, thu nhập của người lao động giảm sút do nền kinh tế khó khăn, dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi phải bán tháo lợn với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường, kích hoạt xu hướng giảm giá nhanh.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn trong quý I tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 28,6 triệu con. Với diễn biến dịch bệnh đang xuất hiện ở 10 tỉnh, thành, kèm theo xu hướng giá giảm, dự kiến sẽ tác động đáng kể đến quy mô đàn lợn. Nhất là khi mức giá lợn hiện ở dưới giá thành sản xuất của các hộ gia đình (khoảng 55.000-60.000 đồng/kg).

Giá lợn hơi tăng chưa đến mức để người chăn nuôi vui.

Nhận định về xu hướng giá lợn cho năm 2023, Công ty chứng khoán VNDIRECT dự báo, giá lợn giao dịch trung bình khoảng 59.000 đồng/kg, cao hơn 5% so với năm 2022. Thời điểm có thể phải chờ tới giữa quý III/2023 mới có thể chứng kiến thị trường tích cực trở lại. Khi đó, nhờ vào việc giá nguyên liệu đang có xu hướng giảm và cán cân cung - cầu thị trường lợn được điều chỉnh lại sau dịch tả châu Phi.

Khó khăn về đầu ra của ngành chăn nuôi hiện nay cũng là khó khăn chung của chăn nuôi toàn cầu khi tình trạng lạm phát, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người lao động mất việc làm, người tiêu dùng buộc phải giảm chi tiêu.

Theo Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), đầu năm 2023, ngành chăn nuôi lợn toàn cầu vẫn đối mặt với hàng loạt bất ổn khi sự chậm lại của nhiều nền kinh tế lớn gây áp lực lên nhu cầu, làm gia tăng sự không chắc chắn và biến động. Giá thịt lợn trên thế giới giảm nhẹ do nguồn cung  sẵn sàng cho giết mổ dồi dào, đặc biệt là ở Brazil và Hoa Kỳ, trong khi nhập khẩu thịt của Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán thấp hơn dự kiến.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối tháng 3/2023, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 24,6 triệu con, giảm 6% so với mức đầu năm. Tổng lượng lợn giống nhập khẩu vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm ở mức thấp, đặc biệt trong tháng 3 hầu như không còn ghi nhận nhập khẩu do người chăn nuôi giảm tái đàn.

Theo dự báo của Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá lợn hơi sẽ tăng trong quý II và sẽ cải thiện rõ rệt trong quý III/2023 khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục đà phục hồi. Đồng thời, Trung Quốc phục hồi kinh tế, giá lợn tại nước này đi lên có thể giúp cho giá lợn thịt ở Việt Nam tăng theo

Tại Trung Quốc, mức tiêu thụ thịt lợn suy giảm và quá trình trở lại trạng thái bình thường có thể mất tới 6 tháng. Trong khi đó, sản lượng thịt lợn của nước này trong năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, do giá tăng trong mùa hè khuyến khích nông dân vỗ béo lợn nhiều hơn bình thường.

Để cân bằng cung cầu, trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa. Ngày 6/2/2023, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phải đưa ra cảnh báo sớm về giá thịt lợn trong nước khi tỷ lệ giá giữa thịt heo và lương thực trên toàn quốc là 4,96: 1, cán mốc báo động cấp cao nhất về tình trạng giảm giá quá mức mà nước này đề ra.

Những “thủ phủ” chăn nuôi lao đao

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người nuôi lợn đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện, giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến người dân và doanh nghiệp chăn nuôi lợn điêu đứng, thua lỗ nặng và treo chuồng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại Hoa Phượng, xã Tân An (Vĩnh Cửu) là nhà chăn nuôi có tiếng ở Đồng Nai với hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi lợn, ông Thắng có thừa kiến thức, kinh nghiệm trong việc tính toán, tổ chức sản xuất sao cho có giá thành thấp. Nhưng với tình trạng giá thức ăn và nguyên liệu tăng quá cao, giá thành chăn nuôi của trang trại Hoa Phượng đội lên khá nhiều so với mấy năm trước.

Người chăn nuôi lợn đau lòng giảm đàn hoặc treo chuồng.

Hiện tại, chỉ riêng tiền cám cho mỗi con lợn, đã lên tới 3,8-4 triệu đồng. Cộng thêm 1,2 triệu đồng là giá thành cho 1 con lợn giống, chi phí sản xuất một con lợn trong trang trại là 5,2 triệu đồng. Với giá xuất chuồng 48.000 đồng/kg hơi, cứ một con lợn bán ra, ông Thắng lỗ 400.000 đồng. Mà đây là đang tính trong trường hợp không bị hao hụt trong quá trình nuôi. Còn nếu xảy ra hao hụt, mức lỗ còn cao hơn nữa.

Lỗ 400.000 đồng/con lợn xuất chuồng của trang trại Hoa Phượng được coi vẫn  là thấp nếu so với đại đa số các trại nuôi lợn khác ở Đồng Nai. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, chuyện lỗ 1 triệu đồng/con lợn bán ra hiện đang khá phổ biến.

Cùng với dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn tăng quá cao trong thời gian qua, trong khi có nhiều thời điểm giá lợn giảm xuống quá thấp, đang khiến cho hàng loạt người chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai phải bỏ nghề. Nếu như cách đây vài năm, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tới 70% tổng đàn ở tỉnh này thì hiện chỉ còn khoảng 25-30%.

Huyện Bình Lục (Hà Nam) được coi là “thủ phủ” của chăn nuôi miền Bắc với đàn lợn nuôi thương phẩm luôn ở mức 250.000 - 300.000 con mỗi lứa. Trong suốt những năm 2011-2016, giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn của huyện đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, chỉ trong 5 năm trở lại đây, 80% số hộ chăn nuôi lợn tại đây đã bỏ chăn nuôi, khiến số lượng đầu lợn giảm chỉ còn bằng 1/3 so với thời hoàng kim, hiện chỉ còn dưới 100.000 con lợn.

“Người nuôi lợn đã kiệt quệ, bao nhiêu vốn liếng đều ngốn sạch vào thức ăn cho lợn khiến không ít hộ cầm, cắm sổ đỏ để vay tiền. Đến “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn tái đàn thì đều nhận được cái “lắc đầu”, bởi các ngân hàng cho rằng, 10 ông nuôi lợn thì 9 ông nợ xấu quá hạn không trả gốc và lãi. Một cơn bão vỡ nợ đang ập xuống Bình Lục”, bà Trần Thị Bốn, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), xót xa.

Tại  Văn Giang (Hưng Yên),  5-10 năm trở về trước, nhiều xã trong huyện được mệnh danh là “làng tỷ phú” nhờ phất lên từ nghề nuôi lợn. Những ngày này, không khí chăn nuôi của nơi đây trở nên u ám chưa từng có. Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, cho biết, thời điểm này cả huyện chỉ còn khoảng 200 hộ nuôi lợn.

Ông Bùi Ngọc Khanh ở xã Cửu Cao (Văn Giang) chia sẻ: Hơn 3 năm về trước, nhà ông là hộ nuôi lợn quy mô lớn nhất ở xã Cửu Cao với gần 1.000 con lợn thịt và gần 200 lợn nái. Những năm 2017-2019, dịch tả lợn châu Phi càn quét, đàn lợn của ông giảm gần một nửa. Thời điểm đó, bao nhiêu vốn liếng đầu tư của gia đình đều trôi sạch.

Quyết không bỏ cuộc, ông cắm “sổ đỏ” vay vốn ngân hàng để tái đàn, mong muốn lấy lại số tiền đã mất. “Thế nhưng, hai năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng 15 lần liên tiếp. Trong khi giá lợn hơi giảm sâu, xuống còn 47.000 đồng/kg. Bây giờ cứ xuất chuồng, chúng tôi đều lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Trước đây, Cửu Cao có gần 1.000 hộ sống dựa vào chăn nuôi, nhưng giờ đây hầu hết các hộ nuôi lợn của xã đều bỏ nghề, số hộ nuôi lợn hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay”, ông Khanh kể.

Doanh nghiệp cũng thua lỗ

Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng có kết quả buồn trong chăn nuôi lợn.

Tập đoàn Dabaco, một trong những doanh nghiệp được xem là “ông lớn” của ngành chăn nuôi lợn, báo lỗ kỷ lục gần 321 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 8,6 tỷ đồng. Theo giải trình từ Dabaco, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Dabaco Nguyễn Như So nhận định, năm nay cực kỳ khó khăn. Với tình hình giá cả như hiện nay, chắc chắn công ty phải chịu đựng tới hết quý II/2023. Trước đây, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 - 29 triệu con là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.

Một “ông lớn” khác cũng báo lỗ ở mảng nông nghiệp là Tập đoàn Hòa Phát. Quý I/2023, Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 383 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan đóng góp đến 94% lợi nhuận sau thuế. Riêng mảng nông nghiệp của Hòa Phát bị lỗ lớn nhất từ trước đến nay với 117 tỷ đồng. Hiện bên cạnh chăn nuôi lợn, Hòa Phát còn đang cung cấp trứng gà sạch vào các siêu thị.

Hay Công ty CP nông nghiệp BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu quý I/2023  giảm 47%, xuống còn 816 tỷ đồng. Công ty lỗ từ hoạt động kinh doanh thuần gần 3 tỷ đồng. Thế nhưng, nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản lên hơn 9,2 tỷ đồng nên kết quả BAF vẫn có lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước. BAF trong hơn 2 năm trở lại đây đã và đang cho thấy sự đầu tư mạnh vào mảng nuôi lợn. Năm 2022, BAF gây chú ý trên thị trường với thương hiệu thịt lợn ăn chay, trong đó lợn được nuôi bằng công thức cám độc quyền của công ty…

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận lãi sau thuế trong quý 1/2023 gần 308 tỷ đồng nhưng chủ yếu nhờ mảng trái cây. Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức thấp nên gần như không mang lại lợi nhuận. Dù chủ động và tiết giảm được chi phí rất lớn do heo được nuôi công thức cám riêng với các sản phẩm từ chuối, bắp… do công ty tự trồng, nhưng Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, năm 2023, mảng lợn khó có lãi. Do nhận định thị trường thịt lợn vẫn gặp khó, nên công ty thận trọng lên kế hoạch dù giá lợn đang hồi phục...

Giá tăng, người nuôi vẫn chưa thể vui

Giá lợn hơi đang tăng, người chăn nuôi đã có lãi nhưng vẫn e ngại không tái đàn, vì sao?

Theo ông Nguyễn Hanh, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Phúc Lâm (Mỹ Đức, TP. Hà Nội) cho hay, giá lợn hơi hiện tăng mạnh, đã vượt giá thành, người chăn nuôi có lãi.

“Thời gian qua, do dịch bệnh và giá lợn quá thấp, chúng tôi không đẩy mạnh tái đàn, hiện tổng đàn của trại giảm còn một nửa số lợn. Giá lợn tăng nhưng khó đẩy mạnh bán ra bởi số lượng lợn trong dân không còn nhiều. Mặc dù giá lợn hơi tăng nhưng giá lợn giống vẫn không mấy lạc quan. Gia đình  hiện nuôi 270 lợn nái. Giá 1 con lợn giống 7kg hiện chỉ ở mức 1,2 triệu đồng/con nhưng vẫn rất khó bán. Lợn hậu bị làm giống cũng “đóng băng” mọi giao dịch. Chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Hanh nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Giang (Khoái Châu - Hưng Yên) cho hay, từ ngày 22/5 đến nay, giá lợn hơi tại địa phương ở mức 60.000 đồng/kg - mức giá cao nhất tại các tỉnh phía Bắc.

“Do giá cám hạ nên giá thành chăn nuôi lợn thời gian này chỉ còn 55.000 đồng/kg. Với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, mỗi con lợn 1 tạ người nuôi có thể lãi 500.000 đồng, nếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì mức lãi này không nhiều, nhưng với trang trại hàng nghìn con, thì người nuôi có thể dư ra một khoản tiền không nhỏ”, ông Giang chia sẻ.

Nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn hơi sẽ tăng, nhưng không chắc chắn mức tăng có bền vững không.

“Để người nuôi có thể yên tâm đầu tư, giá lợn hơi phải ở mức 70.000-75.000 đồng/kg mới đủ khuyến khích. Tuy nhiên, nếu ở mức giá này, giá thịt lợn trên thị trường sẽ bị đẩy lên cao như mấy năm trước, khiến người tiêu dùng cắt giảm mua thịt lợn. Điều này có thể khiến ngành chăn nuôi lợn lâm vào vòng luẩn quẩn, giá trồi sụt thất thường rất khó kiểm soát”, ông Hà Văn Thi, người chăn nuôi lợn ở Trực Ninh (Nam Định) nêu ý kiến.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT),  cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, cần giúp đỡ nông hộ gia tăng lên quy mô trung bình để dễ dàng ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, tăng độ đồng đều và ổn định sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Cần tiếp tục hỗ trợ để người chăn nuôi nông hộ liên kết, hợp tác với nhau (nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác, HTX,..) nhằm tăng khả năng tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường, huy động nguồn lực (đất đai, vốn, phương tiện sản xuất,..) tốt hơn.

Có chính sách bảo vệ, bảo hộ người sản xuất vừa và nhỏ, đặc biệt là xây dựng và phát triển các chuỗi hàng hóa, phát triển ngành hàng hiệu quả, phát triển các hình thức liên kết,  hợp đồng với doanh nghiệp để ổn định sản xuất, ổn định thị trường.

Tiếp tục nghiên cứu thúc đẩy, phát triển các “mô hình chăn nuôi nông hộ kiểu mới” theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả sản xuất, gắn chăn nuôi với các hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Du lịch nông nghiệp, mô hình trải nghiệm, mô hình chăn nuôi sinh thái,…

Khối ngoại áp đảo về thị phần

Trong bối cảnh doanh nghiệp chăn nuôi trong nước gặp khó khăn thì các doanh nghiệp FDI lại đang có giai đoạn khá phát triển trong những năm gần đây (2020 – 2022). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), quy mô ngành chăn nuôi Việt Nam được xếp ở vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2022, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD đầu tư FDI vào ngành chăn nuôi với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn, chăn nuôi lợn, gà, bò, giết mổ,…

Các doanh nghiệp FDI không chỉ phát triển một ngành hay một chuỗi giá trị mà là cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Điển hình như các Tập đoàn C.P, Japfa, New Hope… đã đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong 237 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam, chỉ có 61 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 25,7%) nhưng sản lượng bán ra thị trường chiếm gần 60%. Tập đoàn C.P (Thái Lan) xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con lợn thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng lợn thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước…

 

Bài 2: Mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top