Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 5 năm 2023 | 10:19

Để vui chung cùng sầu riêng - Bài 3: Những mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

Từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tình hình tiêu thụ sầu riêng tại các địa phương trở nên khởi sắc.

Hiệu quả kinh tế cao là yếu tố hấp dẫn nông dân trồng sầu riêng. Tại Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Kon Tum, Đắk Nông… xuất hiện nhiều mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Sầu riêng VietGAP

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân ở Đồng Nai chuyển sang làm sầu riêng VietGAP và thu “trái ngọt”.

Bài 1: Định vị sầu riêng Việt

Bài 2: Điểm yếu và thách thức

Anh Nguyễn Hải Điệp, ở ấp Bảo Thị, xã Xuân Định (Xuân Lộc), chỉ có 0,7ha sầu riêng nhưng mỗi năm gia đình thu  hoạch gần 20 tấn trái, với giá bán bình quân 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận gần nửa tỷ đồng, hơn hẳn các loại cây trồng khác.

Anh Nguyễn Hải Điệp (giữa) chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng theo hướng VietGAP. Ảnh: Như Trang

“Từ khi làm sầu riêng VietGAP, việc tưới nước, xịt thuốc, bón phân nhàn hơn hẳn. Chi phí đầu tư giảm mà năng suất tăng, trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn”, anh Điệp nói.

Theo anh Điệp, cây sầu riêng quan trọng nhất là bộ rễ. Để bộ rễ khỏe mạnh nuôi cây, anh đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, giữ lớp cỏ và lá cây trên bề mặt nhằm giữ ẩm và tạo môi trường cho các côn trùng có ích sinh sống. Trong chăm sóc, anh ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ và bón theo chu kỳ sinh trưởng của cây chứ không bón thúc, gây hại cho cây và đất.

Được phê duyệt dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng VietGAP năm 2017, đến nay, xã Xuân Định phát triển được 57ha sầu riêng  VietGAP, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Theo các hộ dân, mô hình VietGAP không chỉ giúp tăng năng suất vườn cây, hiệu quả kinh tế mà còn giúp môi trường được cải thiện. 

Ông Nguyễn Vĩnh Thủy (ấp Bảo Thị) cho rằng, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật VietGAP mà 90% cây sầu riêng cho hoa bói chỉ sau 18 tháng trồng. Cây khỏe, tán nhiều, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc dùng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay cho phân bón vô cơ giúp đất tơi xốp, môi trường sống xung quanh trong lành hơn. Ông Thủy cho biết: Chúng tôi thực hiện khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật một cách nghiêm ngặt, nhất là vấn đề chăm lo cho “sức khỏe của đất”.

Xuân Định hiện có gần 450ha sầu riêng và ngày càng có nhiều hộ chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và chính mình. Trong các buổi sinh hoạt, Hội Làm vườn, Hội Nông dân luôn tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ quy trình sạch nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Chủ tịch UBND xã Xuân Định - Nguyễn Thanh Hương cho biết, từ nhiều năm trước, sầu riêng Xuân Định đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, xuất khẩu và bán vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn nhưng diện tích, sản lượng còn hạn chế. Khi được cấp mã số vùng trồng, xã tiếp tục tập huấn nông dân áp dụng quy trình sản xuất sạch để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc được cấp mã số vùng trồng là lợi thế lớn cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các điều kiện để xuất khẩu chính ngạch. Thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn nông dân chuyển sang làm VietGAP, đồng thời liên kết với xã Bảo Hòa hình thành cánh đồng lớn và làm thủ tục cấp mã số vùng trồng sầu riêng diện tích khoảng 120ha.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật + liên kết = tỷ phú

Đến ấp Tân Thành, xã Tân Bình (Phụng Hiệp - Hậu Giang), chúng tôi được nghe người dân kể câu chuyện làm giàu từ cây sầu riêng của ông Lê Văn Sáu  (Sáu Bờ).

Cách đây hơn 40 năm, ra riêng với 5 công (1 công = 1.000m2) đất, vợ chồng ông Sáu cần mẫn trồng lúa nối nghiệp ông cha, ngặt nỗi cuộc sống khó khăn nên ông quyết định chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Loay hoay từ mía đến cam vẫn chưa thấy hiệu quả như kỳ vọng. Đến khi chọn sầu riêng thì cây đã chịu đất lành, vợ chồng ông mới ưng bụng. Đến nay, cây sầu riêng đã đi cùng gia đình ông gần 35 năm.

Dù có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ đổi đời, nhưng để trồng sầu riêng hiệu quả thì không phải dễ, bởi đây là loại cây kén nước, kén đất. Ông Sáu phải mày mò, tìm cách để vườn không bị ngập úng nhưng vẫn giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn khi tưới. Ông phải lặn lội đi những tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào vườn nhà.

Để khắc phục nhược điểm sầu riêng hay bị sượng và sâu bệnh, nhiều đêm ông Sáu miệt mài tìm thêm tài liệu, kinh nghiệm từ các nhà vườn thân quen. Ánh sáng lóe lên khi ông biết đến GS.TS. Trần Văn Hâu ở Khoa Trồng trọt - Trường Đại học Cần Thơ. Vậy là, người nông dân này mạnh dạn đến nhờ GS.TS. Trần Văn Hâu bắt bệnh cho cây.

“Tôi trồng sầu riêng 2 năm đầu thì thấy trái sượng hết gần phân nửa. Tôi nghĩ mình còn thiếu cái gì đó thì cây mới bị như vậy, mấy vườn khác không có. Nhờ GS.TS Trần Văn Hâu tư vấn. Tôi làm theo chỉ dẫn, qua năm sau sầu riêng sai trái, cơm ngon, hết sượng, bán được giá”, ông Sáu Bờ nhớ lại.

Giờ đây, vườn ông Sáu từ diện tích sầu riêng thử nghiệm ban đầu, nay tăng lên 5,5ha, cây tốt, trái sai. Khu vườn sầu riêng nhà ông Sáu Bờ trở thành niềm mơ ước của bà con trong vùng.

“Nông dân mình cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có nhà khoa học hướng dẫn đúng kỹ thuật thì mới thành công. Làm giàu không khó, chỉ sợ anh em không dám làm thôi”, ông bộc bạch.

Ông Sáu đã canh tác sầu riêng theo đúng triết lý của mình. Giữa thời điểm phân hóa học đa dạng, dễ dàng tìm mua để xử lý cho cây trái vườn nhà thì lão nông này lại từng bước chuyển dần sang dùng phân hữu cơ. Ông quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao, còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cũng an tâm hơn.

Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Sáu có khoảng 1.000 gốc, trong đó phần lớn đang cho trái, năng suất khoảng 15 tấn/ha. Trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu hoạch được 100 tấn, thu về khoảng 5 tỷ đồng.

Gần 35 năm trồng sầu riêng, trong đó có 15 năm trồng sầu riêng xuất khẩu, sầu riêng vườn nhà ông Sáu luôn trúng mùa, trúng giá. Vườn cây luôn rộn ràng mỗi kỳ thu hoạch. Thương lái từ Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre về mua riết thành mối quen.

Anh Đỗ Văn Tuấn Anh, chủ vườn sầu riêng tại thôn 8, xã Ia Tơi.

Cũng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mà mô hình trồng cây sầu riêng tại địa bàn thôn 8, xã Ia Tơi (Ia H’Drai, Kon Tum) của anh Đỗ Văn Tuấn Anh được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Buôn bán các mặt hàng nông sản như chanh dây, điều… nhưng anh Tuấn Anh lại nung nấu ý định là trồng một vườn sầu riêng, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng. Tháng 6/ 2018, anh bắt đầu cải tạo đất   trồng hơn 1.000 cây sầu riêng giống Monthong trên diện tích gần 10ha. Giống này trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon, được thị trường ưa chuộng, tuổi thọ cây đạt 25 - 30 năm.

Tuấn Anh chia sẻ: Một lần tình cờ đến thôn 8, huyện Ia H’Drai chơi, tôi thấy đất ở đây rất đẹp, phù hợp với trồng sầu riêng. Thế là tôi bén duyên với huyện Ia H’Drai từ đó. Qua 4 năm trồng, vườn cây đã cho thu bói 1 năm với 250 cây, sản lượng 5,5 tấn.

Để tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc sử dụng nước tưới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, Tuấn Anh còn tự học hỏi và nắm vững các quy trình chăm sóc khác như tỉa cành, tỉa bông, xử lý các loại nấm bệnh, vệ sinh cây, vệ sinh gốc... Bên cạnh đó, việc giữ ẩm cho cây sầu riêng cũng rất quan trọng. “Để trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất thì tôi dùng máy để cắt cỏ chứ không sử dụng thuốc hóa học và đầu tư công nghệ tưới tiêu tự động, nhỏ giọt để giảm thiểu công lao động”, Tuấn Anh chia sẻ. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm gần 100 con dê, bò, vừa để tăng thêm nguồn thu, vừa tận dụng phân chuồng để ủ bón cho cây.

Nói về kế hoạch phát triển cây sầu riêng trong thời gian tới, Tuấn Anh cho biết, với 1.000 cây sầu riêng, tôi sẽ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời mong muốn cùng  nông dân trên địa bàn huyện phát triển mô hình trồng sầu riêng để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Nhờ vận dụng tốt kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, với 1.000 gốc sầu riêng Monthong được trồng từ năm 2018, mùa vụ khai thác đầu tiên năm 2022 anh chỉ để khoảng 250 gốc cho trái,  thu hoạch gần 5,5 tấn, với giá bán 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Tuấn Anh cho biết, khi toàn bộ diện tích sầu riêng 1.000 cây đi vào kinh doanh (từ năm thứ 7), với giá bán như hiện nay, gia đình sẽ có thu  6 - 7 tỷ đồng/vụ.

Vùng trồng sầu riêng an toàn tiền tỷ

Nhằm phát huy lợi thế cây sầu riêng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân làm giàu và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thành công, HTX Cẩm Sơn, xã Cẩm Sơn (Cai Lậy - Tiền Giang) tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và  ngành chức năng, xây dựng vùng sầu riêng an toàn theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe và môi sinh, môi trường.

Trong đó, HTX chuyển giao quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP cho nông dân, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc,...

Thành viên HTX Cẩm Sơn trao đổi kỹ thuật canh tác.

Đồng thời, HTX liên kết với các doanh nghiệp, công ty giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn cho biết, HTX đã phối hợp với Công ty Nho Nho Cần Thơ đầu tư xây dựng vùng trồng sầu riêng VietGAP trên diện tích 10 ha với 20 hộ dân tham gia. Diện tích trên đã được chứng nhận đạt VietGAP, thời hạn có hiệu lực là 3 năm (2023 - 2025).

Đầu năm 2023, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, HTX cũng xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng với quy mô 30 ha vườn chuyên canh.

Tham gia Chương trình OCOP, HTX Cẩm Sơn đã có sản phẩm trái sầu riêng tươi đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hạng 4 sao. HTX Cẩm Sơn còn liên kết với doanh nghiệp đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà kho nhằm đáp ứng mục đích liên kết thu mua, tiêu thụ sầu riêng cho vùng chuyên canh của HTX.

Nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng đặc sản, HTX Cẩm Sơn tăng cường xúc tiến thương mại qua các kênh thương mại điện tử Postmart.vn, mạng xã hội Facebook; ứng dụng các phần mềm trên máy tính theo dõi việc trồng, chăm sóc và xử lý, thu hoạch trái cây đạt hiệu quả, chất lượng...

Đặc biệt, để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, HTX Cẩm Sơn đã lập hồ sơ đăng ký và được cấp thẩm quyền cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng.

Có được mã số vùng trồng, HTX Cẩm Sơn triển khai các bước quản lý vùng được cấp mã số vùng trồng, tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân tuân thủ quy trình trồng, đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu, giữ vững thương hiệu trái sầu riêng HTX Cẩm Sơn.

Theo đó, thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty TNHH Thiện Toàn, Công ty TNHH Song Toàn Phát, Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Trung... tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.

Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn chia sẻ, dự kiến đến cuối năm 2023, khi địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ nghịch trong năm, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của HTX thông qua các doanh nghiệp đầu mối sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kỳ vọng chung của địa phương, HTX và bà con.

Giá trị kinh tế cao

Sầu riêng đang là cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong số các cây trồng đặc sản của một số tỉnh phía Nam. Với năng suất bình quân 20 - 25 tấn/ha và giá sầu riêng vụ nghịch, nông dân bán đầu tháng Giêng 2023 đạt mức cao kỷ lục, từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, đạt giá trị  2 - 2,4 tỷ đồng/ha, trừ chi phí, lãi 1 - 1,2 tỷ đồng.

Anh Trần Thanh Dũng ở xã Tân Kiều (Tháp Mười - Đồng Tháp) trồng 200 cây sầu riêng trên diện tích 1ha. Sau hơn 4 năm trồng, anh xử lý, cho 120 cây mang trái vụ đầu tiên, đã thu hoạch gần 11 tấn quả, có giá bán 120.000 đồng/kg, mang về trên 1,2 tỷ đồng.

“Để đạt kết quả tốt như thế, tôi đã trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả; chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tốn khoảng 3,5 triệu đồng/cây, chưa kể tiền thuê đất. Nhưng may mắn bán sầu riêng được giá cao, tôi rất mừng vì đã thu hồi được vốn đầu tư”, anh Dũng chia sẻ.

Anh Trần Đăng Khoa ở xã Tân Lập (Tân Thạnh - Long An) cho biết, gia đình trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng lợi nhuận thu về khá thấp. Sau khi tham quan các vườn sầu riêng ở Tiền Giang, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sầu riêng. Sau 5 năm, hiện vườn sầu riêng đã bước vào đợt thu hoạch thứ hai.

Do nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng, nên giá sầu riêng đang được thu mua với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 15 tấn vườn sầu riêng, anh Khoa sẽ thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Do đó, anh đang tính mở rộng diện tích trồng sầu riêng.

Cảnh báo phát triển “nóng” sầu riêng

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp - Trường ĐH Cần Thơ cho biết, sau khi đi thực tế nhiều địa phương, ông phát hiện có nhiều vùng trồng mà thổ nhưỡng không phù hợp, kém hiệu quả với loại cây vốn rất “nhát” mặn này. Miền Tây hiện nay tuy không bị nước mặn đe dọa nhưng lại có nguy cơ bị lũ, hoặc có những vùng ngọt hóa nằm trong đê bao nên nước mặn xâm nhập phải ở trạng thái tù đọng kéo dài, khi đó phèn từ dưới đất xì lên gây ảnh hưởng đến cây sầu riêng.

TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam lo ngại: Vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay là đa số người nông dân thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng cần phải có kỹ thuật chăm sóc bài bản nên sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Đặc biệt, rủi ro cả trong việc chọn giống cây trồng, vì nông dân mua giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nên khi trồng sẽ không hiệu quả… 

Để tránh “được mùa mất giá”, ngày 23/2, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ký văn bản gửi các tỉnh phía Nam đề nghị có chỉ đạo về tình trạng diện tích cây sầu riêng tăng “nóng”, dân trồng ồ ạt trong thời gian gần đây.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương có chỉ đạo, tuyên truyền không để diện tích sầu riêng tăng ồ ạt, phát triển “nóng”. Ảnh Trần Hiếu.

Văn bản của Cục Trồng trọt nhấn mạnh, ở các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL đang có hiện tượng phát triển “nóng” về diện tích cây sầu riêng, đặc biệt là tình trạng tăng diện tích trồng ở những nơi có điều kiện sinh thái, khí hậu, đất đai không phù hợp. Ở nhiều địa phương ghi nhận có hiện tượng người dân chặt, phá cà phê, hồ tiêu trồng sầu riêng.

Cục Trồng trọt cảnh báo để diện tích cây sầu riêng tăng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát, người dân trồng theo phong trào, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu. Nghiêm trọng nhất, sầu riêng được trồng ở những khu vực không phù hợp như đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, không chủ động được nước tưới sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng  của Việt Nam.

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương chỉ đạo chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các HTX, người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 8084/CT-BNN-NT ban hành ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phát triển bền vững sầu riêng, chanh leo.

Các địa phương tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sản xuất theo phong trào, theo số đông; lựa chọn thay đổi cây trồng phải theo nhu cầu thị trường, định hướng của các cơ quan chuyên môn.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và giám sát chặt chẽ việc triển khai; trong đó công bố rõ ràng về những vùng lợi thế, có điều kiện phù hợp trồng sầu riêng.

 

 

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top