Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 5 năm 2023 | 14:30

Để vui chung cùng sầu riêng - Bài 2: Điểm yếu và thách thức

Nghị định thư thỏa thuận xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo ra nhiều cơ hội cho ngành sản xuất sầu riêng của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc nhiều người dân ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ chặt phá các loại cây trồng khác chuyển sang trồng sầu riêng đã gây lo ngại về nhiều mặt, cả kinh tế và xã hội.

>> Để vui chung cùng sầu riêng

Đổ xô trồng sầu riêng

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, những năm gần đây, sản xuất sầu riêng nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích lẫn sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tại Tiền Giang, nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy thì nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như: thị xã Cai Lậy, các huyện Cái Bè, Tân Phước. Chỉ riêng khu vực các xã phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy trong năm vừa qua đã chuyển đổi hàng ngàn hecta đất canh tác sang trồng sầu riêng.

Việt Nam xuất khẩu lô sầu riêng tươi đầu tiên sang Trung Quốc.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh là  17.653 ha, tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, quan điểm của Sở là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng ở những vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn hoặc ngoài các vùng quy hoạch mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch.

Khoảng 2 năm trở lại đây, tại Bình Phước, nhiều diện tích điều, tiêu, cà phê, cao su... bị chặt hạ để trồng sầu riêng vì cây trồng này được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước, tính đến cuối năm 2022, diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt 4.802ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021. Trong khi đó, diện tích hồ tiêu giảm 1.144 ha, cà phê giảm 604 ha.

Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng cả nước có khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đã đạt khoảng 110.00ha, tăng 35.000ha so với định hướng.

Trước đây, sầu riêng chủ yếu trồng tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, do ảnh hưởng xâm nhập mặn, diện tích sầu riêng có xu hướng chuyển dịch lên Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

Từ khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán sầu riêng cao hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác khiến người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Bên cạnh cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Cụ thể, nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng…

Nhiều hộ nông dân, vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững; quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế. Ngoài ra, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng sầu riêng hiện có.

Trên cơ sở thực tế, Tư lệnh ngành Nông nghiệp - Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn; khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, nước tưới tiêu không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng…

Các địa phương cũng cần khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

Hiện tượng “thắt cổ chai”

Cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, giá sầu riêng thu mua tại vườn neo ở mức khá cao. Các vựa, doanh nghiệp vẫn ráo riết gom hàng với số lượng lớn để xuất sang thị trường này. Tuy nhiên, thực tế trên lại cho thấy, số lượng mã số vùng trồng sầu riêng Việt được cấp đang còn khiêm tốn, trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng lên nhanh chóng, điều này cho thấy, việc xuất khẩu sầu riêng đang đối diện với thách thức không nhỏ.

Để tạo sự đột phá về tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam  đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc cấp phép thêm nhiều mã vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói.

Bởi theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay, chúng ta mới có 246 mã vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc cấp phép. Con số này quá ít so với Thái Lan (20.000 mã số vùng trồng và 2.000 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép).

Với số lượng mã số được cấp phép như vậy, khó có thể tiêu thụ được hết lượng sầu riêng của Việt Nam với diện tích hiện  lên đến 110.000ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm. “Nếu số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được cấp phép không tăng thì Việt Nam sẽ có hiện tượng “thắt cổ chai” trong việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Bởi tình trạng có hàng nhưng không đủ điều kiện để xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên lo ngại.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật bố trí đủ cán bộ để kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn giúp các nông hộ, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ bản, cần thiết, chu đáo để khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra, cấp mã thì sẽ đạt 100%, tránh tình trạng nhiều vườn sầu riêng bị rớt sau khi kiểm tra.

Thêm nữa, trong Nghị định thư ký với Trung Quốc, phía bạn chỉ chấp nhận sầu riêng có mã số vùng trồng nhưng để được cấp mã số vùng trồng thì tối thiểu diện tích canh tác phải là 10ha và chỉ chuyên canh sầu riêng. Điều này là nguyên nhân khiến người dân ở Tây Nguyên phá bỏ cà phê xen trong vườn sầu riêng. Đây là nút thắt lớn. Hiện mô hình xen canh sầu riêng - cà phê ở Tây Nguyên khá lớn. Do đó, chúng ta cần đưa ra những bằng chứng khoa học về việc xen canh sầu riêng - cà phê để phía Trung Quốc chấp nhận mã số vùng trồng xen canh cà phê - sầu riêng, có  vậy, việc chặt cà phê mới có thể chấm dứt.

Bên cạnh đó, sầu riêng là mặt hàng được kỳ vọng mang lại kim ngạch xuất khẩu tỷ USD trong tương lai. Do đó, cần chú trọng và có chính sách bảo vệ hoạt động trong ngành hàng này. Thậm chí, cần có luật xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, chống hàng giả, hàng nhái,… làm mất thương hiệu quốc gia, nhất là mặt hàng sầu riêng. “Thái Lan - quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc đã có luật xử phạt nặng những ai buôn bán, thu hoạch sầu riêng non để xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Bà Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho hay, bà vừa mang theo đơn hàng sầu riêng lên tới 150.000 tấn.

Khi đề cập đến câu chuyện thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc), cho biết, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia.

Sầu riêng được bày bán tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh. Ảnh: Phương Thảo

Thái Lan và Malaysia có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu tốt, quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn. Đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.

Bởi vậy, Sunwah đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển...

“Để thắng trên thị trường thì phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.

Hàng hóa chất lượng cao mới là điều giúp nông sản Việt tạo nên vị thế tại thị trường Trung Quốc. Do đó, vị đại diện này cũng đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại thị trường Trung Quốc, năm nay, Thái Lan tự nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái. Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào, nhờ đó vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn so với đường biển. Đây là động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.

Thực tế, sầu riêng Thái Lan chỉ có theo mùa, trong khi tại Việt Nam sầu cho thu hoạch quanh năm. Cuối năm 2022, sầu riêng Việt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gần như không gặp cạnh tranh với các đối thủ khác.

Khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, cả Thái Lan và các vùng trồng sầu riêng nước ta bước vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng tăng mạnh. Khi đó, cuộc cạnh tranh giữa sầu riêng Thái và sầu riêng Việt rất gay gắt.

Phải giữ chất lượng, bảo vệ thương hiệu

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group,nhấn mạnh: “Thách thức, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam là phải cố gắng làm sao giữ được chất lượng, bảo vệ được thương hiệu.

Qua truyền thông chúng ta thấy “Việt Nam còn canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn,... Đây là những điều ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng trên thế giới. Vì vậy, cách thức truyền thông, cách thức bảo vệ thương hiệu Việt cần thay đổi vì điều này quyết định rất lớn đến việc xuất nông sản sang thị trường các nước”.

Trong khi khả năng thích ứng với thay đổi nhu cầu thị trường của trái sầu riêng còn thấp, sản xuất mang tính tự phát, thì để hướng tới việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng hiệu quả bền vững, ngoài việc xây dựng vùng sản xuất, liên kết vùng bền vững, cần chú trọng việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông. Khi đã có những người trồng sầu riêng chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, biết cách sản xuất và vận hành theo quy luật thị trường thì mới có thể giải quyết được bài toán sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”, không chỉ là cây sầu riêng mà còn rất nhiều loại nông sản khác của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế khi cạnh tranh, nhất là vận chuyển gần, hàng hoá tươi ngon, chi phí thấp, được trồng quanh năm. Ví dụ, Thái Lan, Malaysia trồng theo mùa vụ. Trước đây, Thái Lan phải thu mua sầu riêng từ Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc nhập 4 - 5 tỷ USD trái sầu riêng mỗi năm, trước mắt sầu riêng Việt Nam kỳ vọng chiếm lĩnh khoảng 1 tỷ USD trong thị phần này. Vấn đề là phải duy trì ổn định vùng trồng, có kế hoạch phát triển bài bản, khoa học để quản lý sản lượng, chất lượng cho sầu riêng Việt. Bên cạnh đó, mã vùng trồng cấp cho cơ sở sản xuất, quyền lợi phải chia sẻ, rõ ràng. Không được lợi dụng mã vùng trồng nơi này để đi lấy sầu riêng nơi khác. Đó là hành vi gian lận cần phải có chế tài xử lý nghiêm, ông Tùng cho hay.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, dự báo năm 2023, sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mới chiếm khoảng 15 - 20% sản lượng sầu riêng của Việt Nam, còn lại tiêu dùng nội địa vẫn là chủ yếu. Trong khi theo Nghị định thư đã ký, cứ ba năm phía Trung Quốc lại rà soát lại một lần.

Theo ông Cường,  các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với người dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng để quản lý chất lượng, thương mại, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra.

“Thay vì tăng diện tích, sản lượng, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần phải xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối… để đảm bảo hiệu quả cao và giữ được giá.

Nếu chúng ta vẫn cứ phát triển nóng như thời gian vừa qua, giá sầu riêng còn hạ xuống nữa. Đừng để hình ảnh sầu riêng hay các loại trái cây nông sản của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nóng, sản xuất không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn từ phía những nhà nhập khẩu”, ông Cường cho biết.

Ông Cường cũng khuyến cáo, chính quyền địa phương và người dân không mở rộng diện tích ở vùng có điều kiện đất đai kém màu mỡ, thiếu nước tưới; không tự chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng mới và không tự phát chuyển đổi các vườn trồng xen.

"Chúng ta cũng phải quản lý giống chặt chẽ, bởi vì giống cây ăn quả, nhất là sầu riêng có thời gian đầu tư lớn, thời gian ít nhất 3 năm mới được khai thác. Do vậy, các địa phương cần phải phải rà soát, chỉ phát triển trồng cây sầu riêng ở vùng có lợi thế, có quy hoạch", ông Cường khuyến cáo.

Xây dựng, phát triển ngành hàng theo hướng đa giá trị

Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng “made in Vietnam” được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Và sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ thành “trái cây tỷ đô” của Việt Nam. Để đáp ứng được kỳ vọng này, các địa phương trồng sầu riêng của cả nước đang xây dựng phát triển ngành hàng theo hướng đa giá trị, trong đó xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng là một hướng đi quan trọng.

Đắk Lắk hiện có 15.250ha sầu riêng, sản lượng đạt 156.392 tấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã có 14 cơ sở đóng gói và 39 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích được cấp mã là 2.152/9.619ha cho thu hoạch (chiếm khoảng 22%). Đắk Lắk đang tiếp tục thiết lập 49 vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích 966 ha và 8 cơ sở đóng gói gửi hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề nghị cấp mã số.

Thời điểm này, Đắk Lắk đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng “hệ sinh thái sầu riêng” với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân và HTX để giúp quá trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… được thực hiện một cách chuyên nghiệp và minh bạch.

Ông Nguyễn Thế Anh, hội viên Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho rằng, đã đến lúc chúng ta nhìn thị trường để sản xuất chứ không còn là sản xuất rồi mới nhìn thị trường. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người nông dân, bởi họ là một trong những “nhân vật chính” trong câu chuyện này. Sắp tới, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác truyền thông để nông dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc thiết lập mã số vùng trồng trong lộ trình xuất khẩu sản phẩm sầu riêng.

Để phát triển bền vững cây sầu riêng, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025 và Dự án xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang.

Đến thời điểm này, Trung Quốc mới cấp cho Tiền Giang 02 mã số vùng trồng và tỉnh đã nộp hồ sơ, chờ thẩm định 21 hồ sơ, với khoảng 1.100 ha, ước sản lượng đạt 24.000 tấn, rất ít so với thực tế sản xuất. Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã với mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng.

Đồng Tháp là địa phương có mã số vùng sầu riêng đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (tháng 9/2022). Vùng trồng sầu riêng này ở xã Mỹ Long (Cao Lãnh), rộng hơn 16ha với 20 hộ tham gia. Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long phấn khởi vì vườn sầu riêng 10.000m2 của gia đình nằm trong vùng được cấp mã số. Bà Hương chia sẻ, khi được cấp mã số vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, bà không còn lo trúng mùa rớt giá; tránh tình trạng thương lái ép giá vì có HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long lo khâu tiêu thụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, tỉnh đang tập trung tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng, giúp nhà vườn làm chủ kỹ thuật trồng “né” vụ, thu hoạch không cùng thời điểm với các vùng trồng ở trong và ngoài nước. Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý chặt chẽ nguồn giống sầu riêng; quản lý vùng trồng sầu riêng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh, tránh việc phát triển tràn lan, trồng ngoài quy hoạch.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc - Nông Đức Lai cho rằng, với kết quả xuất khẩu khả quan chỉ trong hơn 3 tháng cuối năm, cộng thêm hàng trăm cơ sở được cấp phép mới vừa qua, cũng như mức độ tiếp nhận, phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng Trung Quốc, hoàn toàn có thể đặt mục tiêu và kỳ vọng vào xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2023 này.

Tuy nhiên, cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm dịch, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; quy hoạch vườn trồng sầu riêng hợp lý, mở rộng diện tích theo thông tin nhu cầu thị trường, tránh mở rộng ồ ạt, để không gặp phải các rủi ro

 

Bài 3: Những mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top