Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 5 năm 2023 | 11:22

Để vui chung cùng sầu riêng

Nhiều loại trái cây Việt Nam, trong đó có sầu riêng, đã hiện diện tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand... nhưng số lượng xuất khẩu không nhiều bằng thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới hiện nay, mà thông qua đó, việc được nhập khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường này khiến nông dân hồ hởi, doanh nghiệp tự tin hơn. Sầu riêng đang đem “niềm vui chung” đến với mọi nhà .

Bài 1: Định vị sầu riêng Việt

Sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây. Không chỉ là trái cây có hương vị đặc trưng mà sầu riêng còn là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế và có giá trị kinh tế cao. “Cuộc chiến” xuất khẩu sầu riêng càng trở nên nóng hơn khi Trung Quốc cũng trồng sầu riêng (cả hợp tác với Lào, cả trồng trong nước) và không chỉ Thái Lan hay Việt Nam, mà một số quốc gia trồng sầu riêng khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Campuchia cũng đẩy mạnh xúc tiến việc xuất khẩu loại “trái cây vua” này.

Vậy sầu riêng Việt đang ở đâu trên “bản đồ” thị trường quốc tế?

Sầu riêng được trồng ở Việt Nam khoảng 100 năm trước. Cây giống có nguồn gốc từ Indonesia và khu vực được trồng đầu tiên đó chính là Biên Hòa (Đồng Nai), sau đó lan rộng ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

Các giống sầu riêng cũ ở Tây Nguyên có hạt to, cơm mỏng, thường được gọi là “sầu riêng hạt” hay “sầu riêng truyền thống”.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giống sầu riêng Ri 6 cũng rất nổi tiếng. Đây là giống du nhập từ Thái Lan. Ở Việt Nam hiện có khoảng 200 giống sầu riêng khác nhau. Ri 6 là giống sầu riêng cơm vàng, khô ráo, hạt lép, ngọt, thơm, là giống được ưa chuộng.

Sầu riêng Krông Pắc, loại trái cây nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: Anh Dũng

Ở Đắk Lắk, sầu riêng truyền thống nổi tiếng bởi có hương vị đặc trưng riêng, độ dẻo sánh cao và vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, không gắt.

Cùng với sự phát triển của thị trường trái cây, sầu riêng ngày càng được người tiêu dùng biết đến, những giống mới cho năng suất tốt, có giá trị hàng hóa cao hơn bắt đầu được nghiên cứu, lai tạo hoặc nhập giống về nhân rộng ở nhiều vùng miền.

Trong đó phải kể đến Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) thực hiện dự án của Chính phủ đầu tư cây ăn trái chất lượng cao cho 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai (giai đoạn 1997 - 2004). Đây cũng là đơn vị tiên phong đưa sầu riêng Dona vào sản xuất và tạo nên giá trị thương hiệu cho sầu riêng Dona Đắk Lắk xuất khẩu như hiện nay.

Tại Đắk Lắk, Công ty Dona - Techno đã đầu tư trồng 3.189ha cây ăn trái, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng, được trồng tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Ea H’leo, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ...

Thời điểm năm 1997, khi Công ty Dona - Techno đang chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng sầu riêng thì giá cà phê thấp, tỉnh khuyến khích trồng xen một số ít cây ăn trái trong vườn cà phê (20 - 30 cây sầu riêng/ha cà phê) nhằm vừa tạo cây che bóng cho cà phê, vừa giúp người dân có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, giống cây sầu riêng Dona lúc này còn quá mới mẻ nên người dân cũng chưa mặn mà.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Dona - Techno Chi nhánh Đắk Lắk, cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu sầu riêng chất lượng cao nhưng thấy được giá trị cũng như triển vọng của loại cây này, Công ty đã đưa cán bộ có chuyên môn tới tận vườn sầu riêng tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc; hỗ trợ cây giống mới để trồng thay thế cây bị chết, nhiễm bệnh…

Nhờ đó, năm 2002, một số diện tích sầu riêng Dona đã trải qua giai đoạn kiến thiết cơ bản, tuy lúc đó chưa mang lại hiệu quả kinh tế như bây giờ, nhưng với đặc thù quả to, cơm vàng, hạt lép khác với trái sầu riêng truyền thống, giúp người dân có cách nhìn mới về loại quả này.

Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng

Định vị lợi thế

Từ năm 2017, cây sầu riêng đã khẳng định được vị thế tại vùng đất bazan, nhất là giống sầu riêng Dona. Trong hơn 3.189ha sầu riêng Dona trồng tại Đắk Lắk, có 600ha được trồng xen cà phê ở quy mô đại điền giữa vườn cà phê của Nông trường Cà phê Phước An (nay là Công ty Cà phê Phước An).

Một trong những hộ dân trồng sầu riêng đầu tiên tại Nông trường Cà phê Phước An là ông Trần Đình Hải (thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông) cho hay, năm 2004, được Công ty Dona - Techno hỗ trợ giống, kỹ thuật, quy trình chăm sóc sầu riêng, ông đã trồng 144 cây sầu xen trong 1,16ha cà phê. Tới năm 2017, khi sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, gia đình đầu tư mua thêm 130 cây giống sầu riêng Dona để trồng xen 1ha cà phê của gia đình.

Cũng tại thời điểm đó, khi người dân địa phương còn đang e ngại về phát triển cây sầu riêng, thì ông Lê Trung Hiệp (thôn 19/8, xã Ea Yông) đã chủ động đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng nhằm tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2004, ông Hiệp mạnh dạn mua giống sầu riêng Dona về xen canh trên  1,5ha vườn của gia đình. Ngoài sầu riêng Dona, sau này ông Hiệp còn trồng thêm sầu riêng Musang Kinh (giống của Malaysia). Đến nay, trung bình mỗi năm ông thu được 35 tấn sầu riêng.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, cho biết: Thời gian đầu, cây sầu riêng chỉ trồng xen trong vườn cà phê, hiệu quả kinh tế không cao. Có thời điểm người dân chặt bỏ, hoặc chỉ trồng làm quà biếu, bán lẻ cho thị trường trong huyện.

Khi được thị trường biết đến, thương lái tìm đến địa phương mua sầu riêng ngày càng nhiều, người dân mới tìm hiểu và thấy cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng (đặc biệt là sầu riêng Dona) nên đã mạnh dạn nhân rộng mô hình.

Hiện, tại Krông Pắc, sầu riêng là loại cây có giá trị, sản lượng cao, diện tích lớn, huyện xác định đây là loại cây chủ lực của địa phương.

Được ưa chuộng

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất - nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, trước đây, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng, sầu riêng của Thái Lan ngon hơn sầu riêng của Việt Nam, nhưng suy nghĩ này đang thay đổi. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, sầu riêng của Việt Nam rất được ưa chuộng, săn đón ở thị trường này. Công ty Chánh Thu dự kiến xuất khẩu khoảng 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023.

Vina T&T Group là 1 trong 25 công ty Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng sầu riêng xuất sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc công ty, cho hay, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 1.500 container trái cây các loại sang Trung Quốc trong năm 2023, trong đó có khoảng 900 container sầu riêng (mỗi container khoảng 30 tấn). Từ tháng 1/2023, công ty bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này. 

Các giống sầu riêng ngon, được ưa chuộng nhất ở Việt Nam: Musang Kinh, Thái (Mon thong, Dona), ruột đỏ, Cái Mơn, Chuồng bò, khổ qua, Ri 6.

“Lâu nay, sầu riêng Việt Nam vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng ít người tiêu dùng Trung Quốc biết đến do chưa có thương hiệu. Hiện, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, có thương hiệu rõ ràng, được giao dịch qua nhiều kênh phân phối hiện đại nên rất được ưa chuộng. Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều năm, có mạng lưới phân phối rộng lớn nhưng chúng ta cũng có lợi thế là có nguồn sầu riêng quanh năm, ở gần Trung Quốc hơn nên tiện lợi trong khâu vận chuyển, sầu riêng tươi ngon hơn. Nhiều khách hàng khen sầu riêng Việt Nam ngọt, béo, đậm đà, chín mềm và rất thơm”, ông  Tùng chia sẻ.

Hiện mỗi tháng, Công ty Vinamit xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Từ tháng 10/2022, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc vượt qua cả thanh long. Về việc sầu riêng được người tiêu dùng Trung Quốc săn đón, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, lý giải, sầu riêng được người Trung Quốc ví là loại trái cây “cung đình”, chỉ có nhà giàu mới được ăn, và người Thái đã bán sầu riêng ở Trung Quốc với giá cao suốt nhiều năm qua. Đến tháng 9/2022, Trung Quốc mới chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này.

Ông nói: “Giá sầu riêng của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với của Thái Lan. Trước đây, chúng ta phải bán sầu riêng cho Thái Lan, còn nay xuất thẳng sang Trung Quốc. Với giá bán sầu riêng của doanh nghiệp Việt thì giới trung lưu và bình dân ở Trung Quốc cũng tiếp cận được. Đây là lý do khiến sầu riêng hút hàng vào mùa Tết vừa rồi”.

Theo ông  Viên, Trung Quốc có 6 tháng mùa nóng, 6 tháng mùa lạnh. Sầu riêng giàu năng lượng, có tính nóng, ăn vào mùa lạnh sẽ giúp cơ thể ấm hơn. Trái cây của Việt Nam nói chung thì hơn về sản lượng nhưng lại thua về chất lượng so với trái cây của Thái Lan, nhưng trái sầu riêng của Việt Nam lại có chất lượng không thua gì Thái Lan. Nếu nông dân Việt trồng theo phương pháp hữu cơ thì sầu riêng Việt hoàn toàn ăn đứt sầu riêng Thái.

“Việt Nam đang có cơ hội tốt để xuất khẩu lượng lớn sầu riêng vào thị trường Trung Quốc và việc khai thác thị trường này chỉ mới bắt đầu”, ông  Viên đánh giá. 

Kỳ tích sầu riêng

Sầu riêng đang dần trở thành loại trái cây Việt có giá trị xuất khẩu lớn nhất nhì sang Trung Quốc; năm 2022 có thể nói là năm kỳ tích của mặt hàng sầu riêng. Chỉ trong 1 tháng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.

Ngày 19/9/2022, lô sầu riêng tươi đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với số lượng 18,24 tấn, trị giá 512.000 Nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.389 đồng) đã thông quan thuận lợi qua cửa khẩu Hữu Nghị, Bằng Tường, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để vào thị trường Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam bán chạy tại Nhật Bản

Sầu riêng Việt Nam đang được những người dân sinh sống tại Nhật Bản ưa chuộng và giá sầu riêng cũng đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, trong 2 tháng đầu năm nay, số lượng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đã vượt hàng nhập khẩu từ Thái Lan.

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản với 2 sản phẩm là quả tươi và sầu riêng bóc múi đông lạnh. So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá bán khoảng 14 - 15 USD/kg.

Báo Thairath nhận xét, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn các nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.

Cụ thể, do Việt Nam có thời vụ thu hoạch sầu riêng tương đối dài, sản lượng hằng năm khá cao, đạt 600.000 tấn/năm, và khoảng cách địa lý từ Việt Nam đến Trung Quốc cũng gần hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác, giúp giảm phần nào chi phí vận chuyển.

Theo thông tin từ Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thống kê trong 2 tháng đầu năm nay, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất, với 83% tổng số các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Tổng sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất  sang Trung Quốc trong 2 tháng đạt 56,9 triệu USD, tăng gần 291% so với cùng kỳ năm 2022.

Sầu riêng luôn là trái cây nhiệt đới đắt đỏ. Giá bán phổ biến tại các siêu thị Bắc Kinh là 80 Nhân dân tệ/kg, tương đương 280.000 đồng. Những tháng đầu xuất sang Trung Quốc, sầu riêng xuất sang bao nhiêu hết bấy nhiêu, các siêu thị luôn đứt hàng vì cung không đủ cầu, với mã số vùng trồng được cấp còn ít, không thấm tháp vào đâu ở thị trường tỷ dân.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm, có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng “made in Vietnam” được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Để trái sầu riêng mang về giá trị tỷ đô, cần có các giải pháp mang tính bài bản, chuyên sâu, nhằm phát triển ngành hàng này một cách bền vững, cũng như phòng chống các rủi ro trong thương mại.

Vùng trồng sầu riêng ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) được cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh Nhựt An.

Đâu phải “một mình một chợ”!

Sầu riêng Việt Nam đang được thương lái Trung Quốc “săn đón”, cũng vì thế mà mức giá tăng cao, người nông dân lãi lớn. Tuy nhiên, ở thị trường chủ lực như Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn phải cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia - hai quốc gia này đang tập trung vào chất lượng, trong khi nông dân Việt Nam vẫn ồ ạt mở rộng diện tích.

Trung bình 2 ngày, HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy - Tiền Giang) lại xuất khẩu 1 container với trọng lượng khoảng 18 tấn sang thị trường Trung Quốc. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX, cho hay,  vào chính vụ, HTX kỳ vọng mỗi ngày sẽ xuất được khoảng 2 container sang thị trường Trung Quốc.

Theo lãnh đạo HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, hàng sầu riêng được thu mua tại vườn với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, còn loại quả to có mức hơn 80.000 đồng/kg. Giá sầu riêng hiện đã “hạ nhiệt” so với thời kỳ đỉnh điểm 200.000 đồng/kg nhưng vẫn được giá so với 2 năm trước. Mức giá trên giúp người trồng sầu riêng có lãi, thu về hơn 100 triệu đồng/1.000m2 .

Về sức cạnh tranh, ông Lộc đánh giá, cả thương lái Trung Quốc và thực khách Thái Lan đều đánh giá chất lượng sầu riêng Việt Nam khá ngon, song điều quan trọng để đảm bảo đi đường dài là kiểm soát chất lượng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, cắt  ồ ạt cả loại chưa đủ tuổi, ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

“Không ai có thể dự báo 4-5 năm tới, giá sầu riêng sẽ thế nào. Nếu lúc đó thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, nông dân làm ra ai cũng muốn bán được giá”, ông Lộc cho biết.

Theo Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, sản phẩm sầu riêng Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, hay một số nước châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng không nhiều. “Chúng tôi hay nói với nhau rằng xuất khẩu sang châu Âu cả năm có khi không bằng 1 tháng xuất sang Trung Quốc. Mỗi lần đi máy bay chỉ được 3-5 tấn, cước phí vận tải rất cao”. Do vậy, nếu một thời điểm nào đó mà thị trường Trung Quốc giảm mua đột ngột, chắc chắn giá sầu riêng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, khi tham gia vào cuộc đua giành thị phần trên toàn cầu, sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh được với các đối thủ. Đơn cử tại thị trường Trung Quốc, việc vượt qua những quốc gia đã đưa sầu riêng đi trước là Thái Lan, Malaysia cũng là bài toán cần phải giải.

Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) cho hay, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.

Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trong khi Việt Nam mới được cấp hơn 100 mã xuất khẩu và chưa được phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

Một thông tin trên thị trường sầu riêng Malaysia những ngày này cũng nhận được sự quan tâm. Đó là sự kiện hai tập đoàn trong ngành trồng trọt là PLS Plantainon của Malaysia và MYFARM Inc của Nhật Bản “bắt tay” thành lập liên doanh trồng 1.000ha sầu riêng. Được biết, tổng liên doanh được tiết lộ có trị giá 429 triệu ringgit (1 ringgit =  5.265,29 đồng) - đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực trồng sầu riêng ở Malaysia.

Dẫn chứng thông tin trên để thấy rằng, trong khi các quốc gia đang tập trung nâng cao chất lượng, thì người dân miền Tây, Tây Nguyên lại ồ ạt mở rộng diện tích, điều này có thể dẫn tới hệ luỵ về chất lượng, cũng như khó lường về giá cả.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang), bày tỏ lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng xã dựa trên cơ sở định hướng Đề án chuyển đổi cây trồng của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở phía Bắc Quốc lộ 1 chưa theo quy hoạch, dẫn đến nhiều rủi ro.

“Từ năm 2021 đến nay, tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện, nông dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn trái với diện tích gần 1.400ha, chủ yếu là sầu riêng (930ha). Từ đó, tổng diện tích sầu riêng hiện có của toàn huyện là khoảng 7.000ha”, ông Sơn thông tin.

Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, sầu riêng toàn vùng Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000ha, vượt quy hoạch. Đây là những con số đáng báo động, rõ ràng giờ là lúc Việt Nam cần chuyển hướng nâng cao chất lượng sầu riêng, thay vì mở rộng diện tích.

Trong văn bản cảnh báo, Cục Trồng trọt nhấn mạnh: Nếu vẫn cứ phát triển nóng như thời gian qua, giá sầu riêng sẽ xuống thấp; thay vì tăng diện tích, sản lượng thì các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần xây dựng thương hiệu để bán được giá cao hơn.

 

Bài 2: Điểm yếu và thách thức

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top