Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 14:42

Để xuất khẩu trái cây đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030: Giải pháp để xuất khẩu trái cây đạt mục tiêu

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, những quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật của các đối tác nhập khẩu đòi hỏi hệ thống sản xuất nông sản Việt phải có sự chuẩn hóa trong toàn bộ chuỗi sản xuất, nếu không, khó đạt được mục tiêu.

Bài 1: Khó khăn và lợi thế

Để xuất khẩu trái cây đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030: Thúc đẩy công nghệ chế biến thực phẩm

Giữ vững thị trường tiềm năng

Nước ta hiện có 14 loại cây ăn quả chủ lực được chọn để tập trung phát triển thời gian tới: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và na.

Những năm gần đây, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước, kim ngạch ngày một nâng lên. Điển hình như sầu riêng, sau khi được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá bán liên tục tăng cao, có thời điểm gấp 3 lần so với trước.

Theo thống kê từ Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm 2023, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam đang xuất khẩu vào Trung Quốc.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 56,9 triệu USD, tăng 290,8% so với cùng kỳ 2022. Hiện, quả sầu riêng tươi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu trái cây.

Công nhân Công ty CP Banana Brothers Farm (M’Đrắk - Đắk Lắk) sơ chế và đóng gói chuối trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng, xuất khẩu mít, xoài, dưa hấu cũng nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất trong 2 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu mít tăng 61%, xoài tăng 14%, dưa hấu tăng 98%.

Đặc biệt,  chuối cũng được hưởng lợi từ khi có nghị định thư. Chín tháng năm 2022, xuất khẩu chuối vào Trung Quốc đạt gần 600.000 tấn, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 quý năm 2022, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng nhập khẩu vào Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chuối và sản phẩm chế biến từ chuối của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh vào các thị trường Singapore, Malaysia. Còn đối với Nga, tương tự với mít, chuối được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sấy khô, cắt lát và đều duy trì được mức tăng trưởng khá hàng năm. Sau thanh long, sầu riêng, mít, xoài thì chuối đang là trái cây xuất khẩu mạnh, mỗi năm đem về hơn nửa tỷ USD.

Ngoài ra, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn một số nước, cước phí rẻ hơn, đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Từ những thực tế trên, có thể nói, hiện Trung Quốc được đánh giá là thị trường  đầy tiềm năng của trái cây Việt Nam. 

Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần làm gì để giữ vững những thị trường xuất khẩu tiềm năng này.

Trả lời vấn đề này, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết, một trong những giải pháp để giữ vững thị trường xuất khẩu bền vững, trước hết phải là chất lượng nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của bên mua.

Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ngoài đảm bảo chất lượng, hiện hầu hết các thị trường đều yêu cầu sản phẩm phải gắn với vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.

“Việc thực hiện tốt các quy định của Trung Quốc sẽ không gây gián đoạn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó có rau quả sang thị trường này”, ông Hòa nhấn mạnh.

Khai phá các thị trường lớn

Ngoài thị trường Trung Quốc, trái cây và rau quả Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) vì quy mô thị trường chiếm tới 43% trị giá thương mại trái cây và rau quả toàn cầu.

Bên cạnh đó, EU là thị trường có nhu cầu tiêu dùng trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn của hàng Việt xuất khẩu vào EU là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng xanh của EU.

Ở góc độ của doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus, cho rằng, hiện công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu đã được triển khai tốt, thế nhưng nông sản của Việt Nam lại đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Qua đó, có thể nhận định rằng, Việt Nam đang đặt tỷ trọng xuất khẩu quá nhiều vào Trung QUốc, hoặc có thể dùng từ “lệ thuộc”.

Đưa ra ý kiến cho vấn đề này, theo ông Vinh, nhiều thị trường ở châu Âu có tiềm năng không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường bởi các đối tác châu Âu đều sẵn sàng hỗ trợ.

Như vậy, việc đưa trái cây Việt sang các thị trường khó tính, các cơ quan, ban ngành cần liên tục đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn, liên tục cập nhật thông tin dữ liệu cơ sở từ vùng trồng, đóng gói… nhanh nhất tới doanh nghiệp. Bởi, hiện nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu chưa nắm rõ được các quy định, tiêu chuẩn của nhiều thị trường.

Hay nói cách khác, muốn khai mở các thị trường lớn hơn thì người nông dân cần tập trung sản xuất dựa vào tín hiệu thị trường.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng, doanh nghiệp và nông dân muốn bán hàng ở đâu thì phải theo định hướng và yêu cầu của thị trường đó, chứ không thể giống nhau. Ví dụ, cùng là thanh long, nhưng có thị trường ưa chuộng loại trái nhỏ vì mỗi người có thói quen sẽ ăn một trái, trong khi có thị trường thì người tiêu dùng có tập quán ăn chung nên cần loại trái lớn.

Vì vậy, muốn bán được hàng với giá trị cao, trước tiên phải thực hiện nghiên cứu thị trường, ghi nhận yêu cầu của nơi nhập khẩu như thế nào để đáp ứng. Về lâu dài, nên ký được hợp đồng trước, rồi bắt tay vào sản xuất, chứ sản xuất xong mới đi tìm thị trường, sẽ rất rủi ro.

Chuẩn hóa chuỗi sản xuất

Trên thực tế, thương mại luôn có quy tắc, thị trường luôn có quy luật, để thâm nhập thành công thị trường EU hay bất cứ thị trường nào trên thế giới, các mặt hàng trái cây của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường đó đặt ra.

Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chặt chẽ và loại bỏ việc sử dụng các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm; khắc phục tình trạng vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún diễn ra trong nhiều năm nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên ưu tiên đầu tư vào công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến trái cây để thúc đẩy xuất khẩu đến nhiều thị trường hơn.

Công ty The Fruit Republic tại Cần Thơ đã xuất khẩu trái cây tươi sang châu Âu nhiều năm.

Đặc biệt, việc sản xuất theo tín hiệu thị trường sẽ là “đòn bẩy” để tiến tới việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất, đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất tử tế, những doanh nghiệp chân chính yên tâm hướng đến đầu tư phát triển bền vững với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) - bà Ngô Tường Vy đánh giá, suốt một thời gian dài, thị trường Trung Quốc quá thuận lợi, khiến nông dân ỷ lại. Thị trường Trung Quốc thay đổi sẽ là thời cơ để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam. Qua đó,giúp nông dân, tiểu thương thay đổi tư duy có bước tiến lớn hơn cho ngành hàng trái cây Việt.

Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã đến nông dân, toàn bộ chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm sẽ sang thị trường nào, bán cho ai?

Đưa ra cái nhìn lạc quan hơn từ  góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho rằng, doanh nghiệp không nên e ngại thị trường EU, vì đây là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, phải có đủ số lượng hàng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm. Nếu doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, có nhà máy chế biến hiện đại…, sẽ từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật để đặt chân được vào thị trường EU, rộng hơn là cả châu Âu.

Nói về câu chuyện xuất khẩu chuối tươi vào thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuối cũng như các loại nông sản khác, cần phải chuẩn hóa thị trường xuất khẩu. Theo đó, phải đáp ứng được những chuẩn mực của thị trường xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký kết với Trung Quốc. Thực hiện được điều này, sẽ mở ra cơ hội, thay vì đi buôn thì chuyển sang hình thức hợp tác để xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả hai bên.

“Với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối, chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác ngoài Trung Quốc, bên cạnh đó, thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu cho cả ngành hàng chuối tươi và khi chuẩn hóa được việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện, quan trọng hơn là là giảm được rủi ro về thị trường”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Thời gian tới, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc đặt ra. Cụ thể, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phù hợp để sản xuất đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.

Bên cạnh đó, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình tại cơ sở đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số; phải tiến hành kiểm dịch thực vật và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia, vùng lãnh thổ mà mình xuất khẩu.

Đồng bộ hóa ngành hàng

Các chuyên gia chỉ ra rằng, để có ngành hàng phát triển bền vững, trước hết, công tác quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với thị trường dài hạn trong biến đổi khí hậu, cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển, cả chi phí logistics; thứ hai, công nghệ sinh học, nhất là công nghệ giống, cần được đầu tư nhiều hơn; phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, đề cao chất lượng cùng với nâng cao năng suất để hạ giá thành; thứ ba, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc; thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến sâu; thứ năm, đẩy mạnh liên kết,...

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong một chuỗi ngành hàng, thường bắt đầu từ giống, tiếp đến là quy trình sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, phân phối, thị trường, người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, chuỗi ngành hàng đó dường như không được xuyên suốt mà đang bị cắt khúc.

Để chuyên nghiệp hóa ngành hàng hướng tới mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành phố cần xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan khác; gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm ttheo lợi thế của từng địa phương.

Qua đó, mỗi sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, địa phương cần xây dựng đề án để hỗ trợ, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ-xuất khẩu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Tiếp đó, nhà vườn phải liên kết lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã; qua đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện. Chỉ khi liên kết thì các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp mới có điều kiện tiếp cận vùng nguyên liệu đủ lớn, từ đó chuẩn hóa vùng nguyên liệu và bà con nông dân sẽ cùng tham gia vào tổ chức lại ngành hàng sản xuất của mình.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất cây ăn quả, hợp tác xã có vai trò cầu nối quan trọng. Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về bề rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả.

Ngoài ra, các hộ gia đình đầu tư phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực để hình thành theo vùng nguyên liệu tập trung. Hợp tác xã, liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho chứa sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Các bộ, ban ngành phải vào cuộc

Việc người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bắt tay vào cuộc là chưa đủ, nếu cứ sản xuất theo kiểu mù mờ, thiếu thông tin định hướng, dễ dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm. Vì vậy, vai trò của các cơ quan quản lý tại thời điểm này rất quan trọng.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức nhiều tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp cơ sở, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp người nông dân có nguồn thông tin chính thống. Đây cũng là cơ sở để bà con tăng cường khả năng tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu, chuyển đổi vùng nguyên liệu theo hướng xanh, bền vững, đúng với xu hướng tiêu dùng của thế giới. 

Bên cạnh đó, cần có những chương trình truyền thông đến từng nhà vườn, từng vùng nguyên liệu. Phổ biến những tiêu chuẩn kỹ thuật đến nhà vườn, người nông dân và hợp tác xã, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở đóng gói, để nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo xu hướng thị trường.

Muốn mở rộng quy mô sản xuất, địa phương cần hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích canh tác theo quy trình VietGAP. 

Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người, Bộ trưởng Lê Minh Hoan  kêu gọi chính quyền địa phương đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và người dân trong việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh mà các thị trường khó tính đang đặt ra.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết bố trí nguồn lực và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết những quy chuẩn thực hiện cho vùng trồng. Chúng tôi sẽ lồng ghép, chia sẻ thêm nhiều thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại cho người dân, bên cạnh phổ biến các vấn đề kỹ thuật. Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; liên kết thu mua, chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường; thu hút, đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả.

Để thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp các địa phương quản lý dịch bệnh trên các loại cây ăn quả; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phối hợp với các đơn vị thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả.

Bộ sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; liên kết thu mua, chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường; thu hút, đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả...

Bên cạnh thị trường trong nước, Bộ sẽ cùng các đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Trung Đông, Bắc Phi..

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top