Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định bảng lương theo bậc, ngạch riêng cho nhân viên y tế vì họ phải đào tạo trong thời gian dài, tiêu chuẩn cao.
Góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 24/10, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, dự thảo quy định Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề y, nhưng nội dung này chưa cụ thể, sẽ khó áp dụng thực tế.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm. Ảnh: Media Quốc hội
Yếu tố "đãi ngộ đặc biệt" theo bà Diễm cần được làm rõ. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn. Với tính chất đặc thù, ngành y sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch Covid-19. Do đó, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng khi cần, ví dụ hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù.
Đại biểu Ngọc Diễm cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y tế, bác sĩ, nhân viên ngành y; hoặc giao đơn vị chủ trì soạn thảo hướng dẫn cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn An (thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cũng đề nghị ban soạn thảo thể hiện rõ chính sách đãi ngộ với lực lượng y tế trong dự thảo luật. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương đã đề cập nội dung về cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khu vực công, trong đó bao gồm người hành nghề y.
Tuy nhiên theo ông An, giải trình nêu trên chưa thuyết phục. Khi Covid-19 bùng phát, công lao của lực lượng y tế đã được ghi nhận, tôn vinh. Nhưng thời gian qua, hàng chục nghìn nhân viên y tế thôi việc, do đời sống khó khăn. "Nhà nước cần quan tâm đầu tư cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng này, giao Chính phủ quy định về chế độ, tiền lương, phụ cấp, trang phục, chế độ đặc thù với người hành nghề y tế bệnh viện công", ông An nói.
Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế cũng được Bác sĩ Dương Tấn Quân (Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết là chưa đảm bảo, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và thực tế công việc. Trong khi đó, Nghị quyết 20 của Trung ương, Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị nêu rõ nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và có chế độ đãi ngộ đặc biệt.
Vì vậy, ông Quân đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa, bổ sung chính sách thu hút nhân tài; chế độ đãi ngộ cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế vào dự thảo luật. Trước mắt, Chính phủ cần sửa đổi quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề với công chức, viên chức tại bệnh viện công; cân nhắc tăng phụ cấp nghề lên 80-100% với cán bộ y tế.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (phó đoàn Cần Thơ) đề nghị, dự luật cần giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đãi ngộ đặc biệt với người hành nghề y. HĐND cấp tỉnh tùy theo nguồn lực địa phương, ban hành nghị quyết về chính sách này.
Hiện nhân lực y tế đang có làn sóng dịch chuyển mạnh từ cơ sở công lập sang tư nhân, đặc biệt sau hai năm phòng chống Covid-19. Từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, toàn quốc có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, trong đó có hơn 3.000 bác sĩ, 2.800 điều dưỡng... Tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc cao ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng. Ở cơ quan Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 có 19 công chức nghỉ việc.
Theo quy định, bác sĩ sau khi học 6 năm, thêm 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu được tuyển dụng vào bệnh viện công, họ sẽ nhận lương gần 3,5 triệu đồng/tháng, với phụ cấp ưu đãi nghề 40%, tổng thu nhập 4,8 triệu đồng mỗi tháng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Vừa qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng 40-70% lên 100%; cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế...
Theo VnExpress.net
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.