Theo phản ánh của nhiều người dân tại Điện Biên, một số dự án giảm nghèo đang triển khai cấp bò giống gầy trơ xương và có giá cao gấp 2-3 lần giá trị thực.
Cấp bò giống gầy trơ xương cho hộ nghèo
Phản ánh tới Báo Lao Động, một số hộ dân tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, dự án giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang triển khai tại địa phương đã cấp những con bò giống có giá cao gấp 2-3 lần giống bò tại địa phương.
Bên cạnh đó, những con bò được cấp có thể trạng gầy trơ xương, kén ăn, thậm chí còn có con liên tục bị ngã, chảy nước mũi và trong tình trạng yếu ớt.
Nhiều người dân khẳng định, chỉ bỏ ra 6-8 triệu đồng có thể mua được 1 con bò giống. Trong khi bò đang được cấp theo dự án có giá trên dưới 20 triệu đồng. Ảnh: Thanh Bình
Chị Lò Thị Thanh ở Bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên cho biết, gia đình chị được cấp 2 con bò giống nhưng đều gầy yếu. Trong đó có 1 con liên tục chảy nước mũi, không chịu ăn và hay tự ngã.
"Từ lúc nhận bò về nó ngã 7-8 lần rồi, có lần người ta gọi tôi và bảo con bò nhà chị nó chết rồi, tôi cũng tưởng nó chết thật" - chị Thanh nói.
Một số gia đình được cấp bò dự án tại bản Pá Sáng, xã Hua Thanh, như: Gia đình chị Hờ Ánh Dương, Giàng Thị Dếnh, gia đình anh Vừ A Lẻ, Thào A Vừ... cũng cho biết, một con bò có tuổi và cân nặng tương đương chỉ cần bỏ ra từ 6-8 triệu đồng là có thể mua được. Trong khi đó giá bò giống theo dự án lên đến trên 20 triệu đồng.
Ngày 19.12.2023, trao đổi với PV, ông Thào Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên xác nhận, trên địa bàn xã có 80 hộ được cấp bò giống sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, mỗi hộ sẽ được cấp 2 con bò giống có trọng lượng từ 170 - 220kg/con; trung bình là 205kg/con. Ông Hùng cho biết, 1kg bò giống có giá 100 nghìn đồng, đây là giá đã được UBND huyện Điện Biên thẩm định và phê duyệt.
Những con bò giống đang được doanh nghiệp gửi tại một số cơ sở tại TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên để chờ cấp cho dự án. Ảnh: Thanh Bình
"Con giống không đảm bảo thì cộng đồng tự chịu trách nhiệm!"
Ngày 20.12.2023, trả lời câu hỏi của PV về việc tại sao không ưu tiên lấy giống tại địa phương để giảm giá thành, ông Chu Văn Bách - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Điện Biên cho biết, việc cung cấp bò giống phải tuân thủ các quy định hiện hành và chỉ đơn vị đủ điều kiện mới được cung cấp.
Ông Bách cũng cho biết, với nội dung người dân phản ánh về việc con giống không đảm bảo, Phòng NNPTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch đi kiểm tra việc thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND xã Hua Thanh khẳng định những con bò giống không đảm bảo sẽ yêu cầu doanh nghiệp đổi những con bò khỏe mạnh. Ảnh: Thanh Bình
Về vấn đề phê duyệt giá bò giống cao gấp 2-3 lần bò giống tại địa phương, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Điện Biên cho rằng, đó là giá đã bao gồm phí vận chuyển, tiêm vaccine và các chi phí khác.
"Giá bò giống thì phải cao hơn giá bò khác, cũng như giá lúa giống thì cao hơn giá các loại lúa khác. Còn việc lựa chọn bò giống là do cộng đồng thực hiện, nếu con giống không đảm bảo thì cộng đồng tự chịu trách nhiệm" - ông Bách cho hay.
Một cơ sở được doanh nghiệp gửi nuôi nhốt bò giống trước khi cung cấp cho các xã. Mặc dù trước đó có hàng trăm con bò và nhiều xã đến xem chê gầy không nhận nhưng chỉ ngày hôm sau (19.12.2023) số bò gầy đã được cấp hết cho các xã khác. Ảnh: Thanh Bình
Cho không bò giống người dân cũng không lấy
Ngày 21.12.2023, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cũng cho biết, việc triển khai dự án giảm nghèo, cấp bò giống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn vì người dân không tha thiết với dự án.
"Chúng tôi đã mấy lần đi xem bò nhưng bò bé và gầy quá nên người dân không ưng. Nhiều người cho rằng nếu phải đối ứng 40% - tương đương với 8 triệu đồng thì hoàn toàn có thể mua được 1 con bò giống khỏe mạnh" - ông Tùng cho hay.
Nhiều xã muốn trả lại nguồn vốn dự án vì dân không mặn mà khi được nhận con giống. Ảnh: Thanh Bình
Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cũng cho biết, tại bản đặc biệt khó khăn thì khi tham gia dự án người dân gần như được "cho không" bò giống vì chỉ cần đối ứng 5% để làm chuồng trại và đảm bảo thức ăn, tuy nhiên người dân cũng không muốn nhận.
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động thì mới có 7 hộ đồng ý tham gia dự án. Sau khi đi xem bò thì cả 7 hộ lại xin rút, một số hộ lo sợ bò chết, một số khác vì không có bãi chăn thả hoặc nhà toàn người già yếu không chăm sóc được. Do vậy có nguy cơ sẽ phải trả lại tiền cho Nhà nước" - ông Tùng cho biết thêm.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.