Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024 | 10:21

Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Lang Chánh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ cấp huyện đến cơ sở. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cây, con giống để xây dựng mô hình kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân đã ý thức được sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế.

Sinh kế trao tay, ổn định cuộc sống

Từ trung tâm xã Giao An (huyện Lang Chánh), chúng tôi được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng cán bộ xã đưa tới thăm gia đình chị Phạm Thị Chinh - hộ nghèo dân tộc Mường ở xóm Chiềng Nang. Năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ 2 con dê cái sinh sản thuộc dự án 2. Trước khi tiếp nhận, chị được tập huấn về cách chăm sóc để dê phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt.

“Ban đầu nhận 2 con dê về, tôi rất bỡ ngỡ và lo không biết chăm sóc có đảm bảo để dê phát triển, sinh sản tốt như kỳ vọng của Nhà nước hay không. Nhưng được lãnh đạo thôn, xã luôn sát sao hướng dẫn tận tình nên tôi đã tự tin hơn. Đến nay, đàn dê phát triển tốt, đã sinh sản dê con”, chị Chinh chia sẻ.

Theo chị Chinh, sắp tới, gia đình sẽ mua thêm con đực để phối giống nhân đàn. Mô hình này rất tiềm năng, khu vực gia đình ở tựa núi, nguồn thức ăn khá dồi dào cung cấp cho dê.

Từ cặp dê được Nhà nước hỗ trợ, gia đình chị Phạm Thị Chinh ở xóm Chiềng Nang, xã Giao An đã nỗ lực chăm sóc để có đàn dê hiện nay.

Rời khỏi gia đình chị Chinh, chúng tôi men đường đồng được bê tông hóa tới gia đình chị Lê Thị Ngụy ở thôn Chiềng, hộ nghèo, có 4 nhân khẩu. Chồng chị đi làm thuê chỉ đủ chi phí hằng ngày cho gia đình; các con đi học còn rất khó khăn. Gia đình chị được cấp 2 con lợn cỏ để chăn nuôi.

“Gia đình rất vui, cảm ơn Nhà nước quan tâm và hỗ trợ  để có lợn nuôi gây giống, từ đó có thêm việc làm. Một con lợn được phối giống hơn 1 tháng nay, sắp tới tôi sẽ mở rộng thêm chuồng trại, nhân giống phát triển thành đàn, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, cố gắng thoát được cái nghèo đeo bám bao lâu nay. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình có căn nhà mới yên tâm sinh sống”, chị Ngụy nói.

Đánh giá về nỗ lực của các hộ gia đình được hỗ trợ sinh kế, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao An, cho biết: Toàn xã có 109 hộ tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Dự án đã hỗ trợ giống vật nuôi phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo ra việc làm và thu nhập, giúp các hộ ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi dê, bò.

Theo ông Sơn, hết năm 2023, xã còn 102 hộ nghèo (chiếm 16,04%) và 208 hộ cận nghèo (chiếm 32,70%); phấn đấu năm 2024 xã có 59 hộ thoát nghèo. Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đạt được, các mặt hạn chế và đưa ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc phát sinh, giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo, nhằm lan tỏa, nâng cao nhận thức trong Nhân dân.

Bám sát dân để có giải pháp thiết thực

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Lang Chánh quan tâm, chỉ đạo bám sát đến từng hộ, ghi nhận nguyện vọng, cũng như tận dụng lợi thế, địa hình phù hợp để hỗ trợ đúng người, đúng nhu cầu.

Bà Trịnh Thị Thủy, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lang Chánh, cho biết: Triển khai tiểu dự án 2 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cây trồng, vật nuôi giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Lang Chánh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản hướng dẫn, rà soát đối tượng đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ dự án đến tận tay từng hộ dân các xã, thị trấn theo đúng kế hoạch.

Theo bà Thủy, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời của Nhà nước đã góp phần giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, toàn huyện có 805 hộ tham gia, trong đó có 422 hộ nghèo, 362 hộ cận nghèo,  21 hộ mới thoát nghèo.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về nhận thức và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số xã khi chưa thực sự sâu sát, công tác phối hợp chỉ đạo điều hành triển khai hỗ trợ sản xuất còn chậm, lúng túng, gây khó khăn cho công tác tổng hợp, chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo còn chưa chú trọng đầu tư chuồng trại, chưa mạnh dạn tái sản xuất.

Để dự án được triển khai hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; kiên quyết xử lý cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến từng hộ, chủ động nắm bắt và có hướng tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Ngoài ra, huyện tổ chức tôn vinh những gương thoát nghèo điển hình, tiêu biểu và để chính người nghèo tham gia vào công tác truyền thông, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top