Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 5 năm 2023 | 16:12

Gia Lai: Hàng loạt trại heo gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe 700 hộ dân

Sau khi đi vào hoạt động, nhiều trại chăn nuôi heo ở Gia Lai gây ô nhiễm môi trường khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần 700 hộ dân kêu trời vì ô nhiễm

Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư tại các dự án trang trại chăn nuôi, nghiêm túc tực hiện các nội dung đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, các dự án phải đảm bảo nghiêm ngặt về môi trường, nếu phát hiện sai phạm kịp thời xử lý nghiêm, kể cả việc ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định.

Trước đó, khoảng 700 hộ dân tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc trong nhiều tháng qua. Theo nhiều hộ dân, các trang trại heo nơi đây đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Ghi nhận thực tế tại thôn Đoàn Kết, mùi hôi thối bốc ra từ các trang trại heo hòa quyện cùng cái nắng nóng đổ lửa vùng biên giới khiến các hộ dân như “phát điên”. Mặc dù trước đó, người dân đã nhiều lần phản ảnh lên chính quyền nhưng vẫn không được xử lý.

Các trại nuôi heo ở xã Ia Piơr gây ô nhiễm môi trường bị người dân phản đối.

Cứ màn đêm buông xuống, ông Lý Kiều U (thôn Đoàn Kết) lại ám ảnh bởi mùi hôi nồng nặc từ các trại nuôi heo. Ông Kiều U cho biết, mùi hôi từ trại heo theo gió bay về ngôi làng khiến người dân không ai chịu nổi, cuộc sống bị đảo lộn.

“Các trang trại heo được xây dựng chưa được 1 năm, vị trí cách khu dân cư chưa đầy 1km. Cứ buổi tối, mùi hôi bay về khiến gia đình không ăn uống gì được, sinh hoạt bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Kiều U bức xúc.

Ông Triệu Văn On, Trưởng thôn Đoàn Kết cho biết, tất cả các hộ dân trong thôn đều bức xúc vì các trại heo gây ô nhiễm môi trường  khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Sau khi các hộ dân phản ánh một số trang trại heo cũng đã xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng mùi hôi thối vẫn chưa hết.

Theo ông On, các trại heo được xây dựng từ năm 2022, sau vài tháng hoàn thành đưa vào sử dụng xảy ra tình trạng ô nhiễm như hiện nay. Mùi hôi thối rất khó chịu, những nhà xây kín còn đỡ mùi hôi, còn lại đều phải bịt khẩu trang trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này còn kéo dài, sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã về việc hạn chế cho xây dựng các trang trại heo, nếu xây dựng phải xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường không để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, sau khi phản ánh, xã chỉ giải thích các dự án này thuộc cấp tỉnh kêu gọi đầu tư nhằm phát triển kinh tế nên người dân hãy hạn chế kiến nghị”, ông On bức xúc cho biết.

Theo tìm hiểu được biết, chỉ riêng trên địa bàn xã Ia Piơr có 14 dự án trang trại heo đăng ký xây dựng, trong đó 9 trang trại đã có quyết định chủ trương đầu tư. Hiện có 3 trang trại đã xây dựng xong và đang đi vào hoạt động gồm: Trang trại Nguyên Bảo có diện tích 20ha, chăn nuôi 24.000 con heo thịt; Trang trại Thuận Duyên 2 có diện tích 21,3ha, chăn nuôi 1.200 con heo núi; Trang trại Ia Pior Tân có diện tích 11,5ha chăn nuôi 2.205 con heo nái.

Ông Bùi Văn Phụng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr cho biết, sau khi nhận được phản ảnh, xã đã đi kiểm tra thực tế và cho thấy, hoạt động chăn nuôi của 3 trang trại trên đã để bốc mùi hôi, thối ra ngoài môi trường và làm ảnh hưởng trực tiếp đến thôn Đoàn Kết, Làng Phung, thôn Yên Hưng. Đặc biệt, vào khoảng từ 17 giờ đến 23 giờ hàng ngày, mùi hôi thối theo hướng gió đưa về khu dân cư, bốc mùi hôi nặng nhất là trang trại chăn nuôi heo Nguyên Bảo.

“Chúng tôi đã yêu cầu các trang trại trên sớm có biện pháp khắc phục mùi hôi thối, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để không làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân. Theo đó, đại diện các trang trại xin hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất", ông Phụng cho biết.

Cần phải loại bỏ dự án gây ô nhiễm môi trường

Gia Lai hiện có 46 dự án chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động. Chưa kể, Gia Lai còn có 53 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu, hiện đang hoàn thiện các thủ tục về pháp lý để lập hồ sơ đề xuất, trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong số 16 dự án đã hoạt động, dự án nuôi heo của Công ty TNHH AgriFarm Gia Lai đã xây dựng khu vực xử lý nước thải áp dụng công nghệ không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Đặc biệt, trong 16 dự án đang hoạt động có đến 13 dự án chưa được cấp phép môi trường theo quy định, 4 dự án chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, 6 dự án chưa lập hồ sơ công tác phòng cháy chữa cháy.

Mặt khác, các dự án chăn nuôi ở Gia Lai có quy mô lớn nhưng chỉ đóng góp cho ngân sách tỉnh Gia Lai 17 tỷ đồng, chủ yếu là các loại thuế thuê đất và các khoản phí. Đây cũng là bài toán dễ nhận thấy khi ngân sách thu về rất hạn hẹp nhưng tác động môi trường ảnh hưởng đời sống của người dân Gia Lai về sau này là cực kỳ lớn.

Trước vấn đề này, cũng đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, đưa ra quyết định áp dụng mật độ chăn nuôi cho từng xã, khuyến cáo việc tập trung nhiều dự án trên 1 xã hoặc các xã gần nhau.

Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng khu vực triển khai dự án, đặc biệt là nguồn tiếp nhận nước thải cũng như ảnh hưởng đối với các dự án xung quanh.

Ông Đinh Hữu Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường Phó Giám đốc Phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cần thận trọng trong thu hút dự án chăn nuôi. Theo đó, chỉ thu hút những dự án lớn, tập trung, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, tỉnh cần kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm chăn nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, không thu hút những dự án nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Áp dung công nghệ cao trong chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng các giải pháp về phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp tỉnh. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà. Tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ...

Huyện Vĩnh Cửu có gần 800 cơ sở chăn nuôi lợn với khoảng 147.000 con. Đa phần các cơ sở vẫn áp dụng xử lý chất thải bằng hầm khí biogas. Nước thải qua bể lắng lọc rồi ngấm xuống đất hoặc thải ra môi trường; phân lợn thu gom ủ hoai bón cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón, các cơ sở chủ yếu sử dụng nước men vi sinh IMO tự chế để phun xịt khử mùi hôi trong chăn nuôi.

Chủ trang trại lợn quy mô 2.000 con tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Hữu Thắng cho biết, khó nhất trong xử lý chất thải nuôi lợn hiện nay là mùi hôi. Trước đây, người chăn nuôi dùng nhiều cách như: Trộn men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, dùng đệm lót, làm hầm biogas, xịt rửa chuồng thường xuyên..., nhưng mùi hôi vẫn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Sau này, dùng nước men vi sinh IMO tự chế phun xịt chuồng thì mùi hôi có cải thiện hơn. Ưu điểm là loại men này tự làm được tại nhà, bằng những nguyên liệu sẵn có hoặc dễ mua với giá thành rẻ.

Cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống môi trường tại một hộ nuôi lợn tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tái chế sinh học BioRec (Hà Nội) Nguyễn Quang Trung cho biết, công ty đã và đang chọn Đồng Nai là nơi thí điểm nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi. “Áp dụng giải pháp này, lợn được bổ sung men vi sinh vào thức ăn để giảm mùi hôi, phân lợn và nước rửa chuồng được đưa vào máy vắt, từ máy vắt này nước đưa xuống hệ thống lọc băng sinh khối để tái rửa chuồng, còn bã phân làm thức ăn cho trùn quế. Phân trùn được dùng sản xuất phân bón hữu cơ, còn con trùn bán làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản..., giúp trang trại tiết kiệm chi phí nhờ tuần hoàn nước, bán phân và con trùn quế; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường…”, ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ.

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai thông tin, sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường; thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Cơ quan chức năng cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Chỉ tính riêng năm 2022, các cấp, ngành của tỉnh Đồng Nai đã xử phạt tổng cộng 32 cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thu gom, xử lý chất thải theo Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26-10-2021 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; xử lý nước thải chăn nuôi để sử dụng cho cây trồng theo Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng; tổ chức sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học...).

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi đặc biệt là các công nghệ về xử lý chất thải chăn nuôi. Xây dựng và hỗ trợ các chính sách liên quan đến phát triển chăn nuôi bền vững, gắn với công tác bảo vệ môi trường".

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top