Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 | 11:27

Giải bài toán thu nhập ở Tả Thàng

Cách trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) 38km nhưng phải mất đến 2 giờ đồng hồ để vào được xã Tả Thàng bởi đồi dốc quanh co, sương mù dày đặc.

Trong nắng sớm, bản làng của xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì huyện (trên 60%) lác đác hiện ra.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp khiến chính quyền địa phương chật vật tìm lời giải nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào.

Chủ động vượt khó

Toàn xã có 541 hộ dân thì đến 99,5% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc cộng với tập quán sống trên lưng chừng núi, người dân sống thưa thớt, rải rác khiến cho các tuyến đường giao thông của xã càng khó thực hiện vì kinh phí bị đẩy lên quá cao và cũng không tìm được nguồn vốn đối ứng.

Địa hình chia cắt, đất canh tác ít, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào 33ha lúa nước, 40ha lúa nương, còn lại phần lớn là cây ngô 330ha... chỉ sản xuất một vụ. Thời tiết khắc nghiệt, giá lạnh quanh năm nên có đến 70% diện tích chìm trong sương mù rét buốt khiến hiệu quả canh tác đạt thấp.

Phát động trồng chè cho bà con.

Không nén được tiếng thở dài, ông Thào Páo Dình, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng, chia sẻ: “UBND xã đã xây dựng Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 17/02/2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2022, nhưng rà soát xã mới  đạt 6/19 tiêu chí NTM. Đây đều là những tiêu chí được các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện vào cuộc quyết liệt, tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho xã như: Giao thông, thuỷ lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh”.

Để khơi dậy những nỗ lực quyết tâm chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, Ban Chỉ đạo XD NTM xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều buổi họp dân bàn giải pháp phát triển kinh tế. Năm 2022, xã tuyên truyền 32 cuộc bằng nhiều hình thức tuyên vận, họp giao ban, họp thôn..., thu hút hơn 2.170 lượt người tham gia. Trong nhiều cái khó cũng ló ra được cái vui, đó là những đồi chè Shan cổ thụ sống cùng bà con người Mông từ hàng trăm năm nay. Hơn 16ha chè Shan tuyết cổ thụ phân bố rải rác ở các thôn Bản Phố, Tả Thàng, nhiều nhất là khu vực thôn Sú Dí Phìn đang trở thành nguồn thu ổn định, cải thiện đáng kể đời sống cho người dân.

Người dân Tả Thàng tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả.

Vừa thoăn thoắt leo lên hái những búp chè non phủ một lớp phấn bạc, bà Hàng Mỷ (thôn Sú Dí Phìn) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên khi những thân chè cao lớn, có gốc bằng cả người ôm. Chè mọc tự nhiên ở những vùng quanh năm giá rét mà không cần phải chăm sóc, mọc trên đất của gia đình nào thì gia đình đó sử dụng, bán cũng không ai mua. Trong thôn có khoảng 40 hộ sở hữu cây chè Shan tuyết. Vài năm trở lại đây, khi có nhà máy chế biến, có người thu mua, chè bán được với giá hàng trăm nghìn/kg, có thời điểm lên đến 500.000 đồng/kg, gia đình thu được vài chục triệu đồng/năm”.

Đem lại thu nhập, toàn bộ diện tích chè cổ thụ đã được các cấp chính quyền và người dân chung tay bảo vệ, quản lý chặt chẽ, đánh số vào gốc cây, không chặt phá, đốt nương làm rẫy ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Tả Thàng đang đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Trong đó, xã triển khai các chính sách của tỉnh về phát triển HTX kiểu mới, hỗ trợ cải tạo, trồng cây chè cổ thụ, tập trung phát triển vùng nguyên liệu chè hàng hóa, phát triển vùng sản xuất quế và phát triển chăn nuôi lợn đen, chủ động thành lập các tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp. Hàng năm, xã đều có quy hoạch vùng trồng chè và triển khai cho người dân đăng ký diện tích trồng mới. Đến nay, tổng diện tích chè cổ thụ trên địa bàn xã là 76ha. Trong đó,  trồng mới 37 ha; kiến thiết cơ bản 22,5 ha; chè cổ thụ cho thu hoạch 16,5ha.

Các hộ dân được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để làm chuồng nuôi nhốt gia súc, mua trâu, bò, tham gia dự án trồng cỏ làm thức ăn gia súc. Nhiều gia đình nuôi trồng thuỷ sản được hỗ trợ giống, lồng nuôi cá để phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Liên kết sản xuất

Chè Shan tuyết đang trở thành cây trồng chủ lực trong chương trình phát triển kinh tế ở Tả Thàng. Một trong những yếu tố làm nên giá trị của cây chè cổ thụ là sinh sống ở điểm cao nhất của vùng đất Lào Cai, hứng những đợt rét đậm trong điều kiện sương mù bao phủ quanh năm. Búp chè Shan tuyết hấp thụ tinh tuý của đất trời, không có sự chăm sóc của bàn tay con người, không có sự ảnh hưởng bởi phân bón, hoá chất, đảm bảo độ tinh khiết 100%. Sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu này cũng thơm ngon, đậm vị, rất được khách hàng ưa chuộng.

Chính vì vậy, có nhiều doanh nghiệp, HTX chế biến đã tìm đến Tả Thàng liên kết, thu mua sản phẩm búp chè tươi như: Công ty CP Chè Tiên Thiên, Công ty CP Chè Cao Sơn...

Bà con thu hái búp chè Shan tuyết.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Chè Cao Sơn, cho biết: “Chúng tôi hiện có 2 nhà máy chế biến chè xuất khẩu công suất 60 tấn/ngày và 40 tấn/ngày. Mỗi ngày 2 nhà máy chế biến 30 tấn chè tươi cho ra thành phẩm chè đen và chè xanh viên, xuất sang Trung Quốc và hơn 10 nước Trung Đông, doanh thu 6 tỷ đồng/tháng. Doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác để làm ra sản phẩm chè theo phân khúc cao cấp hơn đưa vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ đó, giá thu mua chè nguyên liệu cho bà con cũng cao hơn gấp 3 lần so với trước đây.

Nhưng, để có được vùng nguyên liệu tốt, sạch, đáp ứng được yêu cầu thì chúng tôi rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc đứng ra thành lập các tổ hợp tác từng thôn, xã, liên kết giữa bà con nông dân và doanh nghiệp thực hiện quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật từ khâu chăm sóc, đốn tỉa đến thu hái..., làm sao để đảm bảo sản phẩm đúng chất lượng, giữ nguyên được hương vị khác biệt mà điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương mang lại”.

Ông Thào Páo Dình chia sẻ: Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển ngành hàng chủ lực theo tinh thần Nghị quyết 10- NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, xã đang nỗ lực vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng đường giao thông, tạo điều kiện để hàng hoá giao thương thuận lợi. Hiện, con đường dẫn vào đồi chè cổ thụ thôn Sú Dí Phìn đã được bê tông hóa, việc đi lại thuận tiện cũng thu hút được nhiều du khách đến tham quan rừng chè cổ thụ và khám phá thiên nhiên hùng vĩ, kỳ bí hoang sơ bao phủ quanh Tả Thàng”.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top