Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2024 | 8:11

Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới

Thủ đô Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong nhiều phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hà Nội đã triển khai quyết liệt, với nhiều cách làm bài bản, thu được những kết quả quan trọng...

Diện mạo nông thôn mới tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) đang ngày một khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều cơ chế, chính sách

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thành phố Hà Nội đã chủ động vào cuộc với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Các sở, ban, ngành của thành phố cùng các huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm với những chỉ tiêu cụ thể; bám sát cơ sở để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra…

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình số 24-CTr/TU ngày 3-2-2023 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. HĐND thành phố ban hành 2 nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023.

Trong đó, thành phố hỗ trợ 1.226,7 tỷ đồng để các huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới năm 2022 và phân bổ vốn năm 2023 cho chương trình là 1.713,05 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội kịp thời ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 187/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025, ngày 13-3-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” thành phố Hà Nội đến năm 2025. Thành phố phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70%; đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch và nhiều tiêu chí cụ thể khác.

Hiệu quả từ phong trào thi đua

Với sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao từ thành phố, sự vào cuộc của các địa phương, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn Thủ đô đã đạt nhiều kết quả.

Đặc biệt, với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, cách làm phù hợp, như: Mô hình “Tổ dân phố văn minh - an toàn - tự quản”; mô hình “Con đường bích họa trong trật tự văn minh đô thị”; mô hình “Khu dân cư không có tụ điểm rác, chân rác, quảng cáo, rao vặt trái phép”...

Cùng với đó, Thành đoàn Hà Nội đã phát động và duy trì phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”; Hội Nông dân thành phố có phong trào “Ngày chủ nhật không túi ni lông”, cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Còn Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Hiện tại, toàn thành phố có hơn 91% hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và “Gia đình văn minh hạnh phúc”. Đặc biệt, phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” đã góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay của Hà Nội đạt hơn 40.651 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là 8.699 tỷ đồng. Đến nay, 100% số xã, 100% số huyện của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2023, thành phố có 172 xã nông thôn mới nâng cao và đến hết năm 2025, thành phố có 113 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó khẳng định vị thế là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023, thành phố khen thưởng cho 123 tập thể, 267 gia đình và 51 cá nhân; 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 1 hộ gia đình đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

 

Nguyễn Mai/Hà Nội mới
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top