Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 10 năm 2022 | 10:9

Hà Nội xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề

TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai 1 - 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Mô hình mẫu

Ngày đầu Thu, tôi cùng đoàn của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về xã Hồng Vân (Thường Tín) tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề.

Vừa kéo loa, vừa thuyết trình với đoàn tham quan trong khi mồ hôi nhễ nhại, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất của sinh thái phải là giữ được môi trường trong lành, vườn cây, vườn hoa phải được thâm canh theo hướng an toàn, hữu cơ. Trong không gian xanh đó, người tham quan được ăn, được ở, được trải nghiệm. Khi đó nguồn thu từ nông nghiệp sinh thái không chỉ là giá trị của nông sản mà nguồn thu chính từ dịch vụ du lịch đem lại.

Con đường hoa giấy tại xã Hồng Vân.

Sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2019, để tạo đột phá, Hồng Vân đã tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và được UBND TP. Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Xã có 21 tuyến đường chính, mỗi con đường trồng một loài hoa và tên đường cũng được đặt theo các loài hoa đó, như: Hoàng yến, Bằng lăng, Hoa ban, Phượng vĩ… Khách đến xã tham quan vào mùa nào trong năm cũng được thưởng lãm vẻ rực rỡ của các loài hoa, như ngắm đường Hoàng yến nở hoa vàng rực và đường Phượng vĩ nở hoa đỏ thắm vào mùa hè; đường Hoa ban tím biếc vào mùa xuân...

Từ quy hoạch mỗi tuyến đường trồng một loài cây, loài hoa đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch sinh thái… đã làm cho người dân trong xã hiểu rằng: “Cứ làm cho làng quê sạch, đẹp cũng là góp phần phát triển du lịch của xã”. Nhận thức phát triển kinh tế từ du lịch đã thông suốt từ cán bộ đến người dân. Nhiều hộ gia đình trong xã tận dụng khoảng sân, vườn rộng của mình để trồng và trưng bày các loài cây cảnh, sắp xếp đẹp mắt để thu hút khách tham quan.

Khi đến với làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được giao lưu, trò chuyện cùng các nghệ nhân tại làng nghề. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân”, có thể tự tay tạo tác, cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh do mình tạo ra hoặc thả bộ trên đường làng quê yên bình và bờ đê sông Hồng, thưởng ngoạn những cảnh sắc thanh bình nơi đây.

Hàng năm, lượng du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt 15.000-20.000 lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với thu nhập  6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Ngô Xuân Giang, người dân thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân), chia sẻ: Thời gian qua, chủ trương chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, đặc biệt là du lịch đã giúp đời sống người dân trong xã luôn ổn định, ngày càng xuất hiện nhiều hộ giàu. Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng NTM, đường sá được mở rộng, rác thải được thu gom hàng ngày… nên người dân trong xã phấn khởi, ai ai cũng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Để mô hình du lịch sinh thái phát triển, rất cần đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Khi đã được đầu tư tốt về hạ tầng thì bản thân vùng chuyên canh hoa cây cảnh sẽ là phần bổ trợ rất lớn cho nhà vườn, mô hình sinh thái lõi phát triển hiệu quả. Hiện, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn vẫn còn hạn chế”, ông Đăng cho hay.

Trang trại Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) là điểm đến quen thuộc của học sinh nhiều trường học và các gia đình tại Hà Nội. Đến đây, các con sẽ được trải nghiệm các hoạt động của nông nghiệp khi tham gia các thí nghiệm mô phỏng tác dụng của cây xanh đối với cuộc sống con người, tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật trồng cây và tham gia trực tiếp vào quá trình trồng cây. Ngoài ra, còn được tìm hiểu về một số loài vật nuôi tại trang trại, trổ tài nhà nông lấy nơm úp cá, thỏa sức vui chơi với nước...

 

Khuyến khích xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Hà Nội đã có kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn  giai đoạn 2022 - 2025. Thành phố  đặt mục tiêu, giai đoạn này triển khai 1 - 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp.

Một cơ sở sinh vật cảnh tại xã Hồng Vân.

Song song đó, sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Thành phố khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... ; phát triển kinh tế du lịch tại các xã có làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với các xã có chợ truyền thống, chợ chuyên doanh.

Việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch nông thôn không thể không có những khó khăn, thách thức. Theo TS. Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn cho mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, các địa phương cần lưu ý phải hoàn thành và tuân thủ quy hoạch nông thôn. Đặc biệt, không để các quy hoạch khác làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới những mô hình đã và đang phát triển hiệu quả.

Về định hướng phát triển, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương cho hay, giai đoạn 2022 - 2025, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống. Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn, còn có nhiệm vụ quan trọng là “lá phổi xanh” của nội đô.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch nông thôn đã có những hiệu quả ban đầu, cuộc sống của người nông dân ở những địa phương này có sự khởi sắc, ngày càng nâng cao. Điều này chứng tỏ hướng đi này là hoàn toàn đúng đắn, các địa phương có tiềm năng và thế mạnh cần vận dụng và phát huy để thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng với sự phát triển chung của toàn thành phố cũng như xã hội. Có như vậy, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” của Đảng và Nhà nước đề ra mới sớm trở thành hiện thực.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top