Khát vọng làm giàu trên quê hương đã thúc đẩy chàng trai Nguyễn Đăng Mạnh (SN 1984) ở xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) thử sức và đi đến thành công bước đầu với mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao, mỗi năm có thu hàng tỷ đồng.
Biến đất hoang thành mô hình cho thu tiền tỷ
Kể về cơ duyên gắn bó với sản xuất nông nghiệp, Nguyễn Đăng Mạnh chia sẻ: “Tôi xuất thân là thợ cơ khí, nhiều năm đi làm xa. Sau khi trở về quê, tôi thường xuyên đi làm nhà màng, nhà lưới cho các nhà vườn tại Can Lộc, Thạch Hà. Trong quá trình làm việc, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới có nhiều tiềm năng phát triển tại địa phương mình nên tôi ấp ủ ước mơ xây dựng”.
Anh Mạnh đã áp dụng khoa học vào canh tác bằng cách lắp đặt hệ thống phun sương tưới tự động, có thể theo dõi và giám sát cây trồng thông qua thiết bị điện thoại di động thông minh.
Nhận thấy quỹ đất nông nghiệp chưa sử dụng tại xã Thạch Hạ còn lớn, Mạnh đến từng hộ dân để thuê lại với quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Giữa năm 2020, sau khi thuê được 3.000m2 đất, Mạnh dùng toàn bộ vốn liếng tích góp bao năm và vay mượn gần 1 tỷ đồng để đầu tư vào mô hình dưa lưới. Anh bắt đầu học hỏi cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, tìm hiểu nguồn giống và thị trường tiêu thụ từ các mô hình ở trong tỉnh.
Nói về những khó khăn ban đầu, Mạnh bồi hồi nhớ lại: “Mùa đầu tiên bắt tay vào làm, thời tiết lạnh và mưa nhiều, kinh nghiệm chưa có nên khiến hàng tấn dưa lưới trồng thử nghiệm phải cắt bỏ vì độ ngọt thấp, không thể xuất bán ra thị trường. Bản thân “tay ngang” làm nông nghiệp nên ai cũng hoài nghi, lo ngại. Lúc đó, tôi cũng lo lắm vì bao vốn liếng bỏ vào đây hết nhưng tôi vẫn quyết tâm liều một lần”.
Từ vụ dưa không thành công, Mạnh tiếp tục tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả, kết nạp thêm thành viên cùng chí hướng. Trên diện tích sẵn có, anh quyết định tái sản xuất, trồng 9.000 gốc giống dưa lưới TL3.
Sau 3 tháng chăm sóc, vườn dưa phát triển khá tốt, cho năng suất 18 tấn quả. Giá bán thời điểm đó là 30.000 đồng/kg, giúp anh thu về gần 600 triệu đồng.
Với kết quả ban đầu, Mạnh mạnh dạn thành lập HTX Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ với 7 thành viên, trong đó thu hút thêm những kỹ sư ngành nông nghiệp trẻ để cùng sản xuất, phát triển thị trường.
Đặc biệt, vừa mới ra đời, HTX đã mở rộng thêm 7.000m2 nhà màng, đưa diện tích nhà màng lên 10.000m2; đầu tư thêm hệ thống tưới nước, bón phân và lắp đặt hệ thống chăm sóc tự động. Năm 2021, HTX thu lãi 1,5 tỷ đồng, thu nhập của các thành viên bình quân 7 - 9 triệu đồng/người/tháng; tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Hiện, HTX có 8.000m2 dưa lưới TL3 và 2.000m2 dưa lê vàng Hàn Quốc. Tính bình quân, mỗi năm, năng suất các loại đạt khoảng 110 tấn, được thương lái thu mua với giá 35.000 - 42.000 đồng/kg, tổng doanh thu hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ còn mở rộng quỹ đất thêm 10.000m2 để trồng rau, củ, quả ngoài trời và xây dựng mô hình du lịch sinh thái.
Chia sẻ về lựa chọn của mình, Mạnh cho biết: “Chúng tôi chọn dưa lưới TL3 và dưa lê vàng Hàn Quốc vì 2 cây này phù hợp với khí hậu nắng nóng, thổ nhưỡng Hà Tĩnh, quả ngọt, hình thức đẹp và có thị trường tiêu thụ. Mỗi năm, HTX trồng 2 vụ và dành 15 ngày giữa 2 vụ để tiến hành cải tạo đất, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Cùng với đó, nhờ sự tiếp sức của TP. Hà Tĩnh, chúng tôi đang triển khai mô hình nông nghiệp trọng tâm, áp dụng công nghệ số, kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ vào sản xuất nhằm tăng chất lượng, giá trị của sản phẩm. Quan trọng hơn là đưa sản phẩm tiếp cận nhiều thị trường lớn hơn”.
Khát vọng đưa sản phẩm đi xa
Không chỉ sản xuất đơn thuần, Mạnh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con trên địa bàn TP. Hà Tĩnh và các địa phương lân cận.
Thành công bước đầu với mô hình dưa lưới, anh Nguyễn Đăng Mạnh, Giám đốc HTX Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ (xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh) thu về mỗi năm hàng tỷ đồng.
Quan điểm của anh và các thành viên trong HTX ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp là phải đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiến tới sản xuất đạt chuẩn hữu cơ nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường và tạo ra giá trị gia tăng cao trên mỗi sản phẩm.
Cùng với đó, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đạt chuẩn VietGAP từ việc ghi nhật ký, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc BVTV đúng kỳ, đúng chủng loại, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học; các khâu từ sản xuất, thu hoạch, phân loại, đóng gói sản phẩm đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc. HTX cũng đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động, hệ thống bón phân tự động, theo dõi độ ẩm của đất và sự phát triển của cây thông qua điện thoại thông minh. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác giúp HTX tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức chăm sóc.
“Cuối năm 2022, các sản phẩm dưa lưới, dưa chuột, dưa lê của chúng tôi được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Đây cũng là năm đầu tiên đánh dấu sản phẩm của HTX đủ điều kiện xuất ngoại, với 12 tấn dưa vàng xuất sang thị trường Hàn Quốc”, Mạnh phấn khởi cho biết.
Theo anh, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận khá tốt, ngoài cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản Thành Sen mart, hiện một số bạn hàng đã đặt với số lượng lớn đi các tỉnh và xuất sang các nước trong khu vực. HTX đang trồng thử nghiệm 200m2 nho và 1.200m2 đu đủ đực để làm thảo dược nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời mở hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với nông dân và các tổ hợp tác để sản xuất các loại sản phẩm theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của các bạn hàng lớn.
“Hiện tại, ngoài tập trung sản xuất, tìm kiếm thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX tiếp tục mở rộng quy mô phát triển thêm một số sản phẩm mới như: cây dược liệu, dịch vụ trải nghiệm nông thôn mới, liên kết với các hộ sản xuất vườn mẫu tiêu thụ sản phẩm cho bà con,... Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo đà cho người dân yên tâm phát triển sản xuất”, Mạnh chia sẻ thêm.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.