Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024 | 10:11

Hiệu quả nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở A Lưới

Những năm qua, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở A Lưới đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở vùng cao Thừa Thiên - Huế. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ban, ngành liên quan nhân rộng mô hình nhiều triển vọng này.

Hiệu quả kinh tế cao

Tự học hỏi, tìm tòi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp, anh Hồ Văn Phúc (SN 1988) - Trưởng thôn A Đâng, xã Hồng Thái đang sở hữu 15 lồng cá. Bình quân mỗi năm, nghề này mang lại cho anh lợi nhuận 150-200 triệu đồng.

Theo anh Phúc, từ năm 2018, anh bắt đầu nuôi hai lồng cá trên lòng hồ thủy điện A Sáp sau khi học hỏi kinh nghiệm từ một người quen. “Thời điểm đó chưa có nhiều vốn và kỹ năng, mình nuôi theo kiểu thử nghiệm, theo dõi tập tính, thức ăn của cá và ghi chép đầy đủ. Sau khi bán lứa cá đầu tiên, toàn bộ tiền được đầu tư trở lại mua sắt, làm lồng kiên cố để tăng số lượng cá nuôi. Tính kế làm ăn lâu dài, mỗi lồng mình đầu tư chi phí gần 13 triệu đồng nên đến nay chưa có tình trạng hư hỏng”, anh Phúc chia sẻ.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của hộ Hồ Văn Phúc thôn A Đâng, xã Hồng Thái, huyện A Lưới.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của hộ Hồ Văn Phúc.

Hiện, anh nuôi 7.000 con cá rô, hơn 1.200 con cá trắm… Ngoài thức ăn công nghiệp phụ trợ, anh dùng cá nhỏ vùng sông suối và cỏ làm thức ăn chính. Không chỉ tự mình cắt cỏ tự nhiên, anh còn trồng hơn 1ha cỏ làm thức ăn. Một lần trồng có thể khai thác 4-5 năm.

Khác với nuôi cá lồng ở khu vực đồng bằng, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện có nhiều điểm lợi. Anh Trần Hoàng, hộ nuôi cá với hơn 40 lồng các loại, chủ yếu là cá trê, trắm cỏ, rô đồng… ở A Lưới, chia sẻ: Lòng hồ thủy điện có môi trường nước sạch, không ô nhiễm vì dòng nước lưu thông thường xuyên và mực nước khá ổn định. Điểm đặc biệt là có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, nhất là cỏ ở khu vực xung quanh và cá đánh bắt được.

Từ mô hình của anh Hoàng, anh Phúc, hiện có thêm 10 hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới và đang cho thấy hiệu quả. Theo những hộ nuôi cá lồng, cá trắm ở đây được bán giá cao, sức mua ổn định bởi theo phong tục tập quán cưới hỏi địa phương, nhà gái phải mời nhà trai ăn cá - gà - xôi khi đãi tiệc.

Vụ thu hoạch cá lồng đại trà của người nuôi rơi vào mùa Tết là chủ yếu. Đến hẹn, thương lái, khách hàng đến mua cá tấp nập. Người dân cũng bán lẻ cá trên mạng xã hội facebook, zalo… hoặc theo nhu cầu của khách và giao hàng tận nơi.

Nhân rộng mô hình

Thời gian gần đây, phong trào nuôi cá ở miền núi A Lưới phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện có hàng trăm hecta nuôi cá với khoảng 500 hộ nuôi; sản lượng bình quân mỗi năm đạt trên 800 tấn (năng suất 3,3 tấn/ha); doanh thu 33 tỷ đồng/năm. Hàng trăm hộ nuôi cá có thu nhập ổn định, bình quân 20 - 70 triệu đồng/năm. Trong đó, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới mang lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng cho việc phát triển mô hình kinh tế của người dân vùng cao.

Ông Trần Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện A Lưới đánh giá cao hiệu quả mô hình nuôi này. Với diện tích mặt hồ còn nhiều, môi trường nước đảm bảo trong khi các phụ phẩm, thức ăn cho cá từ nguồn nuôi trồng và tại nương rẫy của người dân có sẵn, huyện khuyến khích người dân phát triển nuôi cá lồng. Về lâu dài, khi mô hình phát triển hiệu quả cao, có thể nghiên cứu để nhân rộng ra các khu vực hồ thủy điện khác.

Chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng bởi mô hình nuôi này mang lại triển vọng kinh tế tốt cho người dân.

Chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng bởi nuôi cá lồng mang lại triển vọng kinh tế tốt cho người dân.

Chính quyền địa phương và ngành chức năng luôn tạo mọi điều kiện, nhất là mặt kỹ thuật và tìm đầu ra thị trường để hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ mô hình này. Địa phương đang phối hợp với các ban ngành liên quan xem xét, rà soát để nhân rộng mô hình.

“Tìm mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân phát triển sản xuất, làm ăn kinh tế là bài toán không đơn giản. Lãnh đạo tỉnh và huyện cùng các đơn vị chức năng đã nhiều lần đến khảo sát và khuyến khích nhân rộng bởi mô hình này mang lại triển vọng kinh tế, tạo thu nhập tốt cho người dân”, ông Lập nói.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có gần 100 hồ chứa thủy lợi, thủy điện và tự nhiên với dung tích 1.189 triệu mét khối, diện tích 530ha, lưu vực rộng lớn rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng, cho giá trị kinh tế cao nhưng chưa có quy hoạch. Ngoài hồ thủy điện Bình Điền, một số nơi đã tổ chức nuôi cá lồng như: thủy điện A Lưới, Khe Lời, hồ Nam Lăng (Hương Thủy), Khe Ngang (Hương Trà), hồ Hòa Mỹ (Phong Điền)…

Theo đó, với các công trình hồ chứa phong phú trên địa bàn tỉnh, mức độ đầu tư hiện nay chưa tương xứng để tận dụng được tiềm năng mặt nước. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và có kế hoạch, lộ trình phát triển thủy sản trên các hồ đập là cần thiết. Khi người nuôi có sự đồng thuận trong tổ chức sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học để quản lý môi trường nuôi, thực hiện các công nghệ nuôi sạch, an toàn về môi trường và dịch bệnh, sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch có giá trị cao.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top