Cổ Loa là mảnh đất linh thiêng, nơi đây là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ X sau Công nguyên.
Sau khi tiêu diệt được quân Tần, An Dương Vương lên ngôi mở đầu cho một nền độc lập của một quốc gia. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, ngày vua Thục An Dương Vương lên ngôi, dân của Bát xã (8 làng) tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ đến An Dương Vương vị vua đầu tiên của Dân tộc.
An Dương Vương lập nước Âu Lạc, nhà nước tự chủ đầu tiên trong lịch sử
Theo sử sách ghi lại, Thục Phán – An Dương Vương là người “đứng đầu một cộng đồng Âu Việt từ miền núi Việt Bắc – Tây Bắc theo lưu vực sông Hồng mà tiến xuống miền châu thổ Chạ Chủ – Cổ Loa”, “Thục Phán là một thủ lĩnh của người Tây Âu trên địa bàn phía Bắc nước Văn Lang”.
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức tại kinh thành Cổ Loa khi xưa
Vào thời cuối các vua Hùng, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa to lớn. Ở Trung Quốc, thời đó Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Hàng vạn quân Tần vượt biên giới tràn vào lãnh thổ phía Bắc và Đông Bắc nước ta lúc đó. Lúc này hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa lại có điều kiện liên kết chặt chẽ lại với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.
Theo sách Hoài Nam Tử, “lúc đó người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt”, và “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần” . Đó là hình thức phôi thai của lối đánh du kích và thông qua lối đánh này mà lực lượng kháng chiến của người Việt ngày càng lớn mạnh; còn quân Tần dần dần bị dồn vào thế nguy khốn và tuyệt vọng. Trên đà chiến thắng, người Việt tập hợp lực lượng tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc.
Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt – Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán, Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.
Sau chiến thắng trước quân Tần, An Dương Vương quyết định giao cho tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự. Tục truyền rằng thành xây nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành. Thục An Dương Vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An Dương Vương cũng phát triển thuỷ binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.
Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tối 26/1/2023, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chứng nhận Lễ hội Cổ Loa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Cổ Loa là hội truyền thống có từ nhiều đời nay, với sự tham gia của Bát xã, gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu.
Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy - một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.
Lễ hội Cổ Loa không chỉ của một làng mà là lễ hội chung của “Bát xã hộ nhi” xưa kia, có sự tham gia của nhiều làng, gắn liền với một không gian lịch sử-văn hóa của thời kỳ Nhà nước Âu Lạc.
Sở dĩ có “Bát xã hộ nhi” là do vua An Dương Vương về đóng đô ở Cổ Loa đã lập tám xã có nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ triều đình. Ngày nay, các làng xã ấy thuộc các xã Cổ Loa, Xuân Canh, Uy Nỗ và Liên Hà. Do đó, Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội liên làng, được thể hiện rất rõ nét và mang đặc trưng của một không gian gắn liền với lịch sử về sự ra đời của nước Âu Lạc.
Lễ hội Cổ Loa là dịp để biểu dương sức mạnh của cộng đồng nhân dân trong Bát xã Loa thành và phát huy tính đoàn kết, sức mạnh của tập thể, sức mạnh của cộng đồng được thể hiện trong công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hành nghi lễ, trò chơi, trò diễn trong lễ hội.
Lễ hội Cổ Loa là nơi bảo tồn tốt nhất các nghi lễ, tế rước, các hoạt động nghệ thuật, trò diễn, trò chơi dân gian, các phong tục tập quán, những nét văn hóa riêng của cộng đồng nhân dân trong Bát xã Loa thành.
Trong lễ hội Cổ Loa, người dân đứng ra tổ chức và tái hiện lại các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng. Do đó, người dân không ngừng sáng tạo ra những nét văn hóa mới đồng thời vẫn bảo lưu được giá trị cốt lõi, tốt đẹp, truyền thống để thế hệ mai sau lại trao truyền và không ngừng sáng tạo, hưởng thụ văn hóa.
Tại Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL ngày 3/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Lễ hội Cổ Loa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Niềm vui của nhân dân khi Lễ hội Cổ Loa được tổ chức lại
Trong sáng 27/1 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), trong tiết trời đặc trưng của mùa xuân, tôi về Cổ Loa để tham dự buổi Khai mạc Lễ hội Cổ Loa năm 2023.
Khỏi phải nói về niềm vui của nhân dân đến từ các địa phương nói chung và nhân dân huyện Đông Anh nói riêng khi Lễ hội Cổ Loa được mở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ Nguyễn Văn Thơ ở xã Cổ Loa
Cụ Nguyễn Văn Thơ, 85 tuổi, ở thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa, vui mừng cho biết, nhân dân Bát xã Loa thành chúng tôi vô cùng phấn khởi khi Lễ hội Cổ Loa năm nay được mở lại. Điều chúng tôi vui mừng và phấn khởi hơn đó là Lễ hội Cổ Loa đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ hội Cổ Loa là lễ hội để các thế con cháu chúng ta ghi nhớ đến công ơn dựng nước, giữ nước của Vua Thục Phán An Dương Vương, là dịp để giáo dục, hun đúc thêm truyền thống tự tôn, tự cường của dân tộc ta cho con cháu. Lễ hội còn là dịp để chúng ta bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam ta”, cụ Nguyễn Văn Thơ nói.
Năm nay, huyện Đông Anh tổ chức chuỗi sự kiện liên quan đến Lễ hội Cổ Loa, đó là Lễ công bố Lễ hội Cổ Loa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Khai mạc Lễ hội Cổ Loa năm 2023. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện Đông Anh đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng sự kiện, đặc biệt nhất là Lễ công bố Lễ hội Cổ Loa là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tối ngày 26/1.
“Mặc dù chúng ta đã khống chế được dịch bệnh Covid-19, nhưng lãnh đạo huyện Đông Anh vẫn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức Lễ hội Cổ Loa nói riêng và các lễ hội khác trên địa bàn nói riêng. Chúng tôi khuyến cáo nhân dân khi tham gia Lễ hội phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, tham gia lễ hội với một ý thức văn hóa, không ô nhiễm môi trường”, bà Tám nói.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh phát biểu
Trong diễn văn khai mạc Lễ hội Cổ Loa, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nói: “Xuân Quý Mão 2023 là một mùa xuân đặc biệt, năm có ý nghĩa quyết định, khẳng định việc hoàn thành toàn diện các tiêu chí, điều kiện để huyện Đông Anh thành quận, các xã thành phường. Từ Cổ Loa đến Thăng Long - Hà Nội là một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, Cổ Loa tạo nên sự cổ kính, văn hiến của Thủ đô Hà Nội, là điểm nhấn cho vị trí, vai trò trung tâm, đầu não, phồn thịnh của miền đất Thượng kinh. Những tính chất đặc trưng như: Kinh thành, quân thành, thị thành cổ đại, cùng với những giá trị của một quá trình lâu dài đấu tranh bảo vệ, bảo tồn bản sắc, bản lĩnh của mình đã tôn lên giá trị của Cổ Loa và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Đông Anh và Thủ đô Hà Nội”.
Ông Nguyễn Xuân Linh mong muốn, mỗi người dân địa phương, lớp lớp con cháu của người dân Âu Lạc xưa đang sinh sống trên mảnh đất Cổ Loa, Đông Anh cần phải có trách nhiệm với lịch sử, với Cổ Loa bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa, bảo vệ gìn giữ và kế thừa có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp, những lễ tục quý báu của cha ông để lại, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương khi về trẩy hội, phát huy giá trị, nâng cao vị thế của di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa trong thời kỳ mới.
“Đứng dưới Anh linh của đức vua An Dương Vương, chúng ta thành tâm, đoàn kết một lòng, nguyện cùng nhau xây dựng quê hương Đông Anh ngày càng phát triển bền vững, là một Quận văn minh, hiện đại của Thủ đô, để tiếp nối nền móng vững bền của Cổ Loa Thành mà vua Thục đã xây dựng cách đây trên hai ngàn năm. Chúng ta hy vọng trong tương lai không xa, Cổ Loa sẽ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, sẽ là điểm đến của du khách muôn phương”. Ông Linh nói.
Năm 2023, huyện Đông Anh sẽ trở thành quận, một vùng đất địa linh nhân kiệt cổ xưa đang dần thay da, đổi thịt theo hướng hiện đại hóa. Theo chủ trươg của thành phố Hà Nội, Đông Anh sẽ trở thành thành phố thông minh của Thủ đô Hà Nội. Với những kết quả mà huyện Đông Anh đạt được trong năm 2022, việc trở thành thành phố thông minh không còn xa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Cổ Loa năm 2023:
Lễ vật của Bát xã dâng lên Đức vua An Dương Vương
Dâng lễ vật vào cung
Du khách đến tham dự Lễ hội Cổ Loa
Lãnh đạo huyện Đông Anh tưởng nhớ Đức vua An Dương Vương