Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024 | 10:33

Mù Cang Chải thoát nghèo nhờ cây sơn tra

Người Mông trên những dải núi cao Mù Cang Chải (Yên Bái) từ bao đời nay coi cây sơn tra là "người bạn" rất mực thủy chung của họ. Cây sơn tra đã giúp đồng bào Mông từng bước xóa đói giảm nghèo.

Xây dựng mô hình thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị

Để từng bước khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế tại chỗ trong phát triển cây sơn tra cũng như tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại 2 xã Lao Chải và Kim Nọi.

Cây sơn tra đã giúp đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Viết Đỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: "Phát huy hiệu quả thế mạnh tại chỗ về vùng khí hậu, thổ nhưỡng, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cây sơn tra, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc thực hiện mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại 2 xã Lao Chải và xã Kim Nọi. Qua đó, chúng tôi đã tổ chức đào tạo, tuyên truyền nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ kỹ thuật, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, đặc biệt là các hộ tham gia thực hiện mô hình ở 2 xã về kỹ thuật thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị.

Cùng với chỉ đạo sản xuất, kiểm tra giám sát, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc và UBND 2 xã tiến hành lựa chọn địa điểm triển khai thực hiện dự án, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của dự án và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đến người dân để đăng ký nhu cầu tham gia dự án nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất”. 

Trong năm 2022 - 2023, huyện đã lựa chọn 2 bản là Hú Trù Lình, xã Lao Chải với 12 hộ dân và bản Dào Xa, xã Kim Nọi với 10 hộ dân để tiến hành thẩm định điều kiện về diện tích tham gia dự án. Ngoài xác định lượng giống, phân bón, vật tư cần thiết, huyện tập trung tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị. Cụ thể, cùng với được phổ biến kỹ thuật ghép nhân giống, nhân dân đã nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc sơn tra ghép. 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cho biết: Thời điểm xử lý thực bì được tiến hành vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, sau khi phát không đốt mà được thu gom xếp thành băng chạy dài theo đường đồng mức. Đến tháng 4, tháng 5 sẽ tiến hành đào hố, mật độ trồng 500 cây/ha. Trước khi trồng 1 tháng sẽ tiến hành bón lót với liều lượng 5 kg phân chuồng hoặc phân xanh kết hợp với 300 g phân NPK/hố. Đến tháng 6, tháng 7 hàng năm tiến hành trồng và nên trồng cây vào những ngày trời râm mát. Sau khi trồng 1 tháng, tiến hành trồng dặm cây chết để đảm bảo mật độ. 

Về chăm sóc, năm đầu chăm sóc 1 lần vào  tháng 11 - 12; từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 đều chăm sóc 3 lần vào các thời điểm đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa. Từ năm thứ 5 trở đi, cây đã phát triển tốt, có tán rộng và bước đầu cho quả, tiến hành chăm sóc, cắt tỉa cây sau mỗi vụ thu hoạch quả và bón thúc từ 1 kg - 1,5 kg phân NPK/cây; duy trì chiều cao vút ngọn cây từ 3 - 4 m để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hái quả. 

Ông Lờ A Chang, bản Hú Trù Lình, xã Lao Chải cho biết: "Sau khi triển khai mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại xã, gia đình tôi đã đăng ký thực hiện 0,5 ha. Cùng với được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, các hộ còn được cấp giống, phân bón để trồng đảm bảo thời vụ. Tôi rất hy vọng chất lượng và hiệu quả sẽ đạt được như mong muốn để mở ra hướng mới trong phát triển cây sơn tra tại địa phương”. 

Bước đầu, mô hình đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo tiền đề để phát triển nhân rộng cây sơn tra thời gian tới. Đồng thời, với sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp nói chung và cây sơn tra nói riêng phát triển ổn định, bền vững, tiến tới sản xuất hàng hóa để phục vụ cho du lịch. 

Đặc biệt, thông qua mô hình, sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về hướng phát triển cây sơn tra chất lượng, hiệu quả hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập của người dân. Từ mô hình trồng thâm canh cây sơn tra ghép theo chuỗi giá trị tại xã Lao Chải và xã Kim Nọi sẽ khắc phục được các tồn tại, hạn chế trong sản xuất cây sơn tra trước đây như: không theo quy hoạch, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phó mặc hoàn toàn vào tự nhiên..., góp phần quan trọng phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh vùng miền trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện nói chung và các xã đặc biệt khó khăn nói riêng.

Mô hình thành công sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương từ những loài cây trồng chỉ có một mục đích sang loài cây trồng đa mục đích, vừa có chức năng phòng hộ vừa cho thu nhập ổn định.

Cây xóa đói giảm nghèo

Những ngày đầu tháng 9, các trục đường đi về các bản thuộc các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Kim Nọi, Lao Chải... của huyện Mù Cang Chải lại nườm nượp xe máy của người dân chở sơn tra (táo mèo) xuống trung tâm xã, huyện để bán. Từ bán sơn tra đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp cho nhiều hộ dân để có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, nhất là lo trang bị cho con em bước vào năm học mới được chu toàn hơn.

Thu hoạch sơn tra.

Mặc dù, so với một số năm trước đây thì giá sơn tra năm nay cũng còn thấp. Song, so với cây nông nghiệp chủ lực truyền thống của người dân địa phương thì sơn tra vẫn mang lại thu nhập cao hơn nhiều. Chẳng hạn, giá sơn tra chỉ ngang giá thóc, ngô hạt nhưng ngược lại, cây sơn tra cơ bản không mất chi phí đầu tư theo từng vụ nên gần như thu hoạch được bao nhiêu là người dân được hưởng bấy nhiêu. 

Cân bao tải sơn tra bán cho khách xong, ông Giàng A Su, bản Háng Gàng, xã Lao Chải chia sẻ: "Tôi có 3 nương sơn tra hiện đều đã cho thu hoạch quả và gia đình đã hái mang ra trung tâm huyện bán được hơn 1 tấn. Giá sơn tra năm nay dao động từ 4.000 đồng đến 8.000 đồng/kg đối với loại để ngâm, còn loại quả để ăn thì bán được giá hơn 10.000 đồng/kg. Năm nay, sơn tra của gia đình tôi ít quả và quả không được đẹp do đầu năm bị mưa đá nên ước sản lượng khi hái hết chỉ khoảng 3 tấn, nên trừ chi phí xăng dầu vận chuyển chỉ còn hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn được nhiều hơn so với trồng lúa, ngô, vì không mất chi phí giống, vật tư, chăm sóc và thu hoạch đơn giản. Đặc biệt, hằng năm chỉ cần thăm nom không để gia súc vào phá, không để trộm vặt quả, không để xảy ra cháy thì trồng một lần có thể thu hoạch cả đời người”. 

Không riêng gì phía bên trung tâm huyện, mà ở xã Nậm Có, địa phương được các thương lái đánh giá là sơn tra có hình thức quả đẹp nhất nhì trong huyện và mỗi ngày có trên 50 lượt xe máy chở táo từ bản Lùng Cúng xuống trung tâm xã để bán. 

Chia sẻ về tình hình sơn tra của địa phương năm 2024, ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Xã hiện có trên 1.400 ha với hơn 300 ha đã cho thu hoạch quả. Dự tính vụ quả sơn tra năm 2024 ước tổng sản lượng đạt trên 400 tấn và với giá bán hiện nay dao động từ 4.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Sơn tra của xã năm nay khá sai quả. Theo đó, xã xác định tuy giá sơn tra năm nay không được cao như một số thời điểm trước đây nhưng so với cây lúa, cây ngô thì cũng vẫn bán được giá. Bởi vậy, để bảo đảm bán được hết sản lượng cũng như không để tư thương ép giá, bà con cần bảo nhau không thu hoạch ồ ạt và chuyển ra thị trường bán hằng ngày ở mức cung vừa đủ cầu”. 

Với mục tiêu bán được giá ổn định nhất và bán được nhiều sản lượng nhất, vụ sơn tra năm nay dự tính nhân dân bản Lùng Cúng của xã Nậm Có sẽ có nhiều hộ có thu nhập trên 20 triệu đồng từ cây sơn tra như các hộ: ông Chang A Ninh, Thào Sú Rùa, Lù Dủ Sinh... Với số tiền từ 10 đến 20 triệu đồng cũng không phải là nhiều so với ở thành thị, nhưng với đồng bào Mông ở vùng cao, cả năm lao động chính của họ chỉ sản xuất ra khoảng từ 2,5 - 3 tấn lương thực có hạt, quy ra giá trị sau khi trừ hết chi phí giống, vật tư, công lao động thì thu nhập của họ chỉ còn chưa đến 10 triệu đồng, nên con số thu nhập như trên từ quả sơn tra cũng là rất lớn đối với họ. Với số tiền từ bán sơn tra, nhà ít cũng đủ lo cho con vào năm học mới, nhà nhiều có thể mua được con trâu, bò giống để phát triển kinh tế...

Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 6.000 ha sơn tra, trải khắp ở 13 xã; trong đó, hơn 3.000 ha đã cho thu hoạch, bình quân tổng sản lượng hằng năm đạt trên 3.000 tấn. Theo đó, với giá táo ổn định như hiện nay thì hằng năm cây sơn tra cũng mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho nhiều người dân, góp phần giúp bà con giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống. 

Đặc biệt, diện tích sơn tra đã ra quả thì hằng năm, chỉ việc trông coi gia súc phá, phòng chống cháy rừng, không mất chi phí đầu tư, chăm sóc nữa mà vẫn cho thu hoạch; giá cả sản phẩm quả sơn tra tương đương giá lúa tẻ, giá ngô hạt. Đây là động lực mạnh mẽ giúp người dân nâng cao trách nhiệm, ý thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, sơn tra là cây thuộc họ cây thân gỗ lớn có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp với thực tế ở vùng cao.

Sơn tra (hay còn gọi táo mèo) là loài cây mọc tự nhiên, còn nay đã được người dân tập trung đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn đất, tạo môi trường sinh thái bền vững, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.

Cây sơn tra được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo… Sơn tra có thể chế biên thành nhiều sản phẩm: trà táo mèo, siro, rượu, mứt.. và làm dược liệu do nhiều dược tính nổi trội dùng trong y học. Nhiều sản phẩm từ sơn tra đã được công nhận là sản phẩm OCOP.

Huyện Mù Cang Chải dự định tổ chức Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất vào trung tuần tháng 9/2024, tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 nên Lễ hội đã bị hoãn lại.

Theo baoyenbai.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top