Năm 2023, Sóc Trăng có 7 chỉ tiêu vượt và 11 chỉ tiêu đạt 100% nghị quyết, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước và đứng thứ 7 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nông dân huyện Long Phú sử dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết: Với sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có xu hướng phục hồi, cơ bản đạt mục tiêu và nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Năm 2023, có 7 chỉ tiêu vượt và 11 chỉ tiêu đạt 100% nghị quyết, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước và đứng thứ 7 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê, năm 2023, tổng sản phẩm nội tỉnh (giá hiện hành) ước đạt 72.093 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,77% (chỉ tiêu nghị quyết là từ 7,5 - 8%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,39%; khu vực dịch vụ tăng 8,76%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,47%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,10 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ cấu khu vực I-II-III-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng là 41,57% - 15,45% - 39,82% - 3,15% (chỉ tiêu nghị quyết là 41,42% - 16,84% - 38,56% - 3,18%). Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung thực hiện; công tác giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng, các công trình, dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ; công tác lập Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước Cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chú trọng.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt lĩnh vực văn hóa - xã hội, chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số…; công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… được quan tâm thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững; xử lý kịp thời, hiệu quả những tình huống phát sinh, không để kéo dài, lan rộng, tạo thành “điểm nóng”, phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Tình hình trật tự, an toàn giao thông có sự chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023 vẫn còn một số khó khăn nhất định. Cụ thể, năm 2023, còn 6 chỉ tiêu thực hiện không đạt nghị quyết, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp; diện tích nhà ở bình quân đầu người; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế.
Năm 2024, mục tiêu thực hiện là tập trung triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng các dịch vụ công; bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra 24 chỉ tiêu nghị quyết năm 2024.
Mô hình chăn nuôi bò ở huyện Mỹ Xuyên.
Để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết năm 2024, theo ông Lâm Văn Mẫn, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nỗ lực trong giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư công và đầu tư tư, tiêu dùng, xuất khẩu), trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), gắn với triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên các ngành, lĩnh vực; nâng cao sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phấn đấu trong năm 2024, có thêm 2 đơn vị cấp huyện là Châu Thành và Cù Lao Dung đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chăm lo, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các cấp học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục các cấp học. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tuyển dụng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, y đức của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ ngành Y tế. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức cho nhân dân đón tết Nguyên đán năm 2024 vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là an ninh trong dân tộc, tôn giáo. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.