Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 1 năm 2023 | 10:39

Nâng tầm vị thế và tạo đột phá mới cho hàng nông sản đặc sản

Việc phát triển sản phẩm có thế mạnh ở địa phương gắn với thực hiện Chương trình OCOP, nâng cao giá trị đang là con đường giúp người dân gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần nâng tầm vị thế, tạo đột phá mới cho các nông sản đặc sản.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Hương Giang.

Hà Nội: Phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hoạt động này đã góp phần nâng tầm vị thế cho nông sản Thủ đô.

Chuyên kinh doanh sản phẩm giò chả mang thương hiệu Xuân Hương (quận Hoàng Mai), ông Hoàng Xuân Toàn cho biết, cơ sở có 3 sản phẩm (chả cốm, chả sườn sụn và giò lụa) tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Để bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại, nhập nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, làm ra sản phẩm chất lượng thơm ngon, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, với diện tích 15ha, trong đó 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 5ha đạt GlobalGAP, thời gian tới, hợp tác xã chuyển dần sang sản xuất rau sạch, rau hữu cơ; đồng thời hoàn thiện chuỗi khép kín, đầu tư thêm nhà chế biến, máy sấy lạnh, đa dạng hóa sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện mỗi ngày, hợp tác xã thu mua gần 2 tấn rau sạch cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là BigC và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện nay, toàn thành phố có 1.700 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, bao gồm chế biến sản phẩm thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%); mỗi tháng cung cấp khoảng 1.000 tấn sản phẩm ra thị trường… Lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn, nên chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục hạn chế này; sản phẩm chế biến còn cho hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô.

Tuy vậy, nhìn chung, thị trường tiêu thụ lớn, có nhiều điều kiện kết nối, hệ thống vận chuyển, kho bãi thuận lợi nhưng chế biến nông sản của Hà Nội hiện vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ chế biến ở các hợp tác xã, hộ sản xuất còn lạc hậu, công suất thấp, chưa xứng tầm với quy mô thị trường của Thủ đô.

Để phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản an toàn qua chế biến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam (quận Hoàng Mai) Trần Thu Hằng cho biết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với hệ thống chế biến; nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp gắn với hạ tầng thương mại tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Về phía mình, công ty đã đầu tư đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chế biến nông sản...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), để phát triển ngành Nông nghiệp, quy mô công nghiệp bảo quản, chế biến phải đủ lớn. Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến sâu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong mọi tình huống, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả thành tựu công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Hà Nội cũng tăng cường sự kết nối, hình thành nền nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản…

Thanh Hóa: Để sản phẩm OCOP “đi xa”

Việc phát triển sản phẩm có thế mạnh ở địa phương gắn với thực hiện Chương trình OCOP, nâng cao giá trị đang là con đường giúp người dân gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP “đi xa” đòi hỏi các chủ thể không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư chế biến sâu, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm rượu An Tâm được ngâm từ củ sâm báo (Vĩnh Lộc) trưng bày, bán tại Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm an toàn năm 2022.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, từ chỗ chỉ có 13 sản phẩm đủ điều kiện được UBND tỉnh quyết định gắn sao. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 30 sản phẩm đang chờ quyết định công nhận của UBND tỉnh. Bức tranh OCOP tỉnh Thanh Hóa không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm cũng được chú trọng đầu tư nâng cao. Hằng năm, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình XDNTM, các địa phương đã đầu tư những dự án phát triển sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân mạnh dạn đăng ký tham gia, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy các hình thức liên kết tổ chức sản xuất, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến những sản phẩm OCOP của địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống), dù mới thành lập được hơn 5 năm nhưng đã sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm dứa đóng hộp Trường Tùng và dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng. Sự thành công của 2 sản phẩm đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội của nông sản khi được đầu tư chế biến sâu. Đồng thời, mở ra những cơ hội, triển vọng mới đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Lê Trường Tùng, giám đốc công ty, cho biết: Vốn là cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản; trong đó, dứa, dưa bao tử là một trong những sản phẩm thế mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra thị trường những sản phẩm đã được chọn lọc nhưng vẫn ở dạng thô, thời gian bảo quản không dài, giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn phát triển được các sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới xuất khẩu. Do vậy, sau khi thành lập, công ty mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng, vùng nguyên liệu... bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tạo ra những sản phẩm đóng hộp chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và đủ điều kiện xuất khẩu vào một số thị trường khó tính. Nhờ đó, các sản phẩm dứa, dưa bao tử đã có hiệu quả kinh tế cao gấp hàng trăm lần so với tiêu thụ thô. Được biết, khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP với bộ tiêu chí khắt khe, yêu cầu cao, công ty đã triển khai phát triển sản xuất theo chu trình OCOP, nhờ đó, 2 sản phẩm dứa đóng hộp Trường Tùng và dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng đã được công nhận 4 sao năm 2022.

Từ lâu việc trồng và sơ chế các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp hướng đến nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), cho biết: Cây cà gai leo - một vị thuốc nam quý được y học cổ truyền ghi nhận. Do đó, để có nguyên liệu sản xuất, ngay từ năm 2018, công ty đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn tại các xã Thạch Sơn (Thạch Thành) và Đông Hoàng (Đông Sơn) trồng hơn 40 ha cà gai leo, kim ngân, rau má, thìa canh... Đồng thời, ký kết hợp đồng với các hộ dân chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu bằng phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Từ nguyên liệu thô, công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để sơ chế, chế biến các nguyên liệu dược liệu thô thành 10 dòng sản phẩm, như: trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc, trà mật gấu dây thìa canh... Trong đó, sản phẩm trà hoàng thảo mộc và trà cà gai leo túi lọc của công ty đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP năm 2020 và đang phân phối tại 90 siêu thị trong cả nước, với sản lượng thành phẩm bình quân từ 80 - 100 tấn/năm.

Tương tự, với câu chuyện cây sâm Báo, vốn là cây bản địa trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã được nhiều đơn vị đầu tư, chế biến sâu để phát triển thành sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, ngoài sản phẩm rượu An Tâm được ngâm từ củ sâm báo tươi, thì đã có một số sản phẩm như siro bổ dưỡng sâm báo Triso, viên nang sâm báo Triso của Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo chia sẻ của anh Thiều Đình Hùng, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn, vốn có đam mê với các loại cây dược liệu lại được nghe nhiều về cây sâm báo nổi tiếng. Song, những năm gần đây, khi người dân mở rộng diện tích sản xuất thì áp lực tiêu thụ trong thời điểm chính vụ là rất lớn. Do đó, công ty đã đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm tinh chế, chiết xuất từ cây sâm báo để vừa bảo đảm giá trị dược liệu, vừa mang hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất lại không còn áp lực lớn trong bảo quản, tiêu thụ. Khi được thông qua chế biến sâu, sản phẩm có nguồn gốc từ cây sâm báo đã có giá trị kinh tế cao gấp hàng trăm lần sản phẩm thô. Được biết, với ý tưởng chế biến sâu sản phẩm từ cây sâm báo, hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị thực hiện sấy dẻo, nấu cao sâm báo và dự định sản xuất kẹo sâm báo, trà sâm báo...

Tại nhiều hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, các thành viên hội đồng đã nêu rõ quan điểm, đối với nhóm sản phẩm nông sản, hội đồng sẽ tập trung đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đó cũng là cách để thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và thu nhập của Nhân dân.

Hưng Yên: Nâng tầm giá trị và tạo đột phá mới cho nông sản quê hương

“Mang tâm người Phố Hiến - Nâng tầm cùng đất Việt” là khẩu hiệu hoạt động của Công ty TNHH SX -TM và xuất khẩu nông sản Việt Vinagri, (viết tắt là Công ty Vinagri) có cơ sở sản xuất ở thôn Mai Xá, xã Minh Phượng (Tiên Lữ). Trò chuyện với Phó Giám đốc Công ty Vinagri Trần Minh Đức (sinh năm 1989), chúng tôi càng thêm cảm mến những tình cảm của anh khi luôn hướng về quê hương, mong muốn đóng góp kiến thức, sức trẻ của mình để đưa nông nghiệp quê hương lên một tầm cao mới.

Kiểm tra quy trình đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH SX-TM và xuất khẩu nông sản Vinagri.

Trần Minh Đức sinh ra và lớn lên ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu). Năm 2011, anh tốt nghiệp Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Hà Nội). Với sự năng động vốn có, anh nhanh chóng tìm được công việc tại một doanh nghiệp xây dựng với nhiều dự án làm việc ở nước ngoài. Công việc ổn định, thu nhập khá nhưng anh luôn đau đáu suy nghĩ trở về quê lập nghiệp với những nông sản thế mạnh của quê hương. Năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tận mắt chứng kiến nhãn quả tươi của người dân không tiêu thụ được, phương pháp chế biến long nhãn còn thô sơ, anh đã bàn bạc với gia đình nghỉ việc ở Hà Nội để trở về quê lập nghiệp từ chính quả nhãn của địa phương. Tháng 7/2021, Công ty Vinagri được thành lập, có trụ sở tại thôn Đa Hoà, xã Bình Minh (Khoái Châu) và cơ sở sản xuất ở thôn Mai Xá, xã Minh Phượng (Tiên Lữ).

 Xác định quả nhãn là nông sản thế mạnh của Hưng Yên, Công ty Vinagri đẩy mạnh tìm hiểu các phương pháp sấy hiện đại thay thế cho phương pháp sấy truyền thống với ưu tiên hàng đầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, màu sắc, chất lượng sản phẩm. Sau khi đầu tư mua sắm máy sấy điện, trang thiết bị nhà xưởng và kho lạnh bảo quản với kinh phí 600 triệu đồng, anh Đức và ban lãnh đạo Công ty Vinagri tiếp tục tìm tòi, học hỏi các phương pháp sấy và những dòng sản phẩm khác nhau từ quả nhãn. Sau một thời gian thử nghiệm, Công ty Vinagri tìm được phương pháp sấy ưu việt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra. Và sự kết hợp của long nhãn Hương chi và hạt sen được công ty đặt tên sản phẩm là: Long nhãn ôm sen đã thể hiện tâm huyết của công ty với nông sản quê hương. Vị ngọt, dẻo thơm của long nhãn với vị bùi, giòn, xốp của hạt sen giúp người dùng cảm nhận đầy đủ hương vị của mảnh đất Phố Hiến nghĩa tình. Hơn thế, sau khi mang sản phẩm đi phân tích, các chỉ số dinh dưỡng, hàm lượng sắt, kali… của long nhãn và hạt sen khá tương đồng, 2 nông sản khi kết hợp tạo nên giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người dùng.

Hoàn tất thử nghiệm sản xuất giai đoạn 1, năm 2022, Công ty Vinagri đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo lại nhà xưởng, mua sắm thêm thiết bị và cụm máy sấy điện trị giá gần 300 triệu đồng, công suất sấy từ 8 tạ đến 1 tấn quả nhãn tươi/ngày, khắc phục được nhược điểm về nhiệt độ so với máy sấy công nghệ cũ. Đồng thời, tìm kiếm vùng nguyên liệu sạch để thu mua, với giá cao hơn thị trường từ 1 đến 3 nghìn đồng/kg.

Phó Giám đốc Công ty Vinagri Trần Minh Đức chia sẻ: Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, công ty yêu cầu lao động bóc long phải khử khuẩn tay, mặc trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang trước khi vào làm việc ở phòng kín, có điều hòa. Long bóc cần nguyên múi, không bị rách. Trong quá trình bóc long, khi phát hiện nhãn quả có dấu hiệu hỏng, phải loại bỏ để bảo đảm chất lượng cả lô hàng. Mặc dù điều kiện làm việc tốt hơn nhưng nhiều lao động còn “ngại” gắn bó với công ty do có những yêu cầu khắt khe về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật bóc. Để thu hút nhân công làm việc, công ty luôn trả tiền công bóc long cao hơn so với thị trường và luôn ưu tiên tiêu chí chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vụ nhãn năm 2022, Công ty Vinagri đã thu mua trên 20 tấn nhãn quả sản xuất theo quy trình VietGAP của người dân, sản xuất được hơn 1 tấn long nhãn sấy điện và 5 tạ long nhãn ôm sen. Không chỉ được khách hàng ở trong nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm long nhãn ôm sen và long nhãn sấy điện của công ty được một số đơn vị ở nước ngoài đặt mua để đánh giá sự tiếp nhận của thị trường, hướng đến ký kết tiêu thụ với sản lượng lớn.

Anh Đức chia sẻ thêm: Quả nhãn có hàm lượng đường tự nhiên nhiều, đặc tính quả nhiệt đới nên công ty định hướng xuất khẩu sản phẩm long nhãn sấy điện và long nhãn ôm sen sang các nước có khí hậu lạnh như: Nga, Canada, Nhật Bản… Sau khi kiểm nghiệm, các sản phẩm của công ty hoàn toàn đáp ứng với tiêu chí xuất khẩu của những thị trường công ty đang hướng đến. Thời điểm này, công ty đang thỏa thuận hợp tác xuất khẩu long nhãn sấy điện và long nhãn ôm sen với một đơn vị ở Nga.

Bên cạnh 2 sản phẩm đã được công bố và được thị trường đón nhận là: Long nhãn ôm sen và long nhãn sấy điện, hiện nay, công ty còn sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm như: Trà dưỡng tâm với thành phần chủ yếu là long nhãn, lá sen; củ cải sấy, trà hoa cúc… Thời gian tới, công ty đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất nhãn, hạt sen an toàn trong tỉnh, đáp ứng các tiêu chí của công ty để ký kết tiêu thụ, phục vụ xuất khẩu với mục tiêu: Sản xuất nông sản sạch từ tâm để nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

 Rời Công ty Vinagri, chia tay chàng trai trẻ Trần Minh Đức, chúng tôi thấy cảm phục những kế hoạch và dự định của anh với nông nghiệp quê hương. Tin tưởng rằng, với quyết tâm của tuổi trẻ, sẽ có nhiều vùng sản xuất nông sản sạch được hình thành trên địa bàn tỉnh, có thêm nhiều nông sản, đặc sản được xuất khẩu để Hưng Yên trở thành địa chỉ du lịch nông nghiệp đầy hứa hẹn trong thời gian không xa…/.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top