Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 5 năm 2022 | 11:14

Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần sự chung tay của cộng đồng

Hơn lúc nào hết, ngăn chặn bạo lực học đường là việc cần làm ngay, là trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội.

Nữ sinh dùng mũ đánh vào đầu bạn
 
Ngày 6/5, trên các trang mạng xã hội có đăng tải một clip ghi lại cảnh 1 nữ sinh dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp nhiều lần vào phần đầu một nam sinh cùng lớp. Lúc này, nam sinh này ngồi tại bàn không phản ứng mà chỉ biết dùng tay ôm đầu. Thấy vậy, 1 nam sinh khác đã vào can ngăn, đẩy nữ sinh ra xa. Bên cạnh đó, đoạn clip cho thấy, tại thời điểm diễn ra vụ việc, có thầy giáo đang ngồi trên bục giảng.
 
Xác định sự việc nêu trên xảy ra tại Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).  Cụ thể, thầy Lê Văn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát đã có xác nhận với báo chí, sự việc xảy ra vào ngày 29/4, tại lớp 10A8 của trường. Lúc này, giờ học toán của thầy V.Q.K. (cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp) thì em B.Q.A. đã dùng mũ bảo hiểm đánh em L.. Nguyên nhân là do mâu thuẫn trong việc chấm thi đua (em T. làm tổ trưởng).danh-ban.jpg

Nữ sinh dùng mũ đánh liên tiếp vào đầu bạn (Ảnh cắt từ video clip).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường đã mời các em học sinh lên viết bản tường trình. Nhà trường cũng đã làm việc với phụ huynh và đã giải quyết vụ việc ổn thỏa. “Hành động của em A. là không được, nhà trường sẽ có hình thức xử lý phù hợp để mang tính chất giáo dục, răn đe chung”, thầy Kiệt nói.
Theo đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hội đồng kỷ luật của nhà trường đã tiến hành họp, phân tích, đánh giá và thống nhất đưa ra hình thức kỷ luật “Kiểm điểm và phê bình trước Hội đồng giáo dục” đối với thầy giáo V.Q.K. (giáo viên dạy toán) vì đã phản ứng quá chậm khi sự việc xảy ra, chưa kịp thời ngăn cản hành vi vi phạm của học sinh, gây bức xúc trong dư luận và Khiển trách, thông báo với cha, mẹ học sinh đối với học sinh B.Q.A. (học sinh lớp 10A8) vì vi phạm nội quy của nhà trường.
 
Riêng đối với học sinh quay video clip, nhà trường cũng đã tiến hành xác minh là do em L.N.D.A. (học cùng lớp) đã nhận là người quay video clip và có chia sẻ cho hai bạn khác trong lớp, đồng thời em này có đưa cho phụ huynh xem nhưng không thừa nhận là người tung lên mạng xã hội. Do đó, nhà trường đã tiến hành giao cho giáo viên chủ nhiệm tiến hành kiểm điểm nhắc nhở đối với em A..
 
Theo báo cáo của nhà trường, vào lúc 9h30 ngày 26/4, thầy K. dạy tiết 4 môn toán lớp 10A8. Sau khi vào lớp và ổn định, thầy có nhắc nhở một số lỗi vi phạm của em B.Q.A. nhưng em này cho rằng, bạn L.T.T. đã ghi sai điểm thi đua của mình nên dẫn đến hai bên xảy ra cãi vã.
 
Thấy vậy, thầy K. đã yêu cầu em B.Q.A. ngồi xuống và em L.T.T. ngồi yên để không còn cãi nhau để xử lý sự việc. Đột nhiên, em B.Q.A. đã lấy mủ bảo hiểm đánh nhiều cái vào đầu em L.T.T.. Lúc này, do khoảng cách giữa em B.Q.A. và L.T.T. quá gần nên thầy K. đã phản ứng không kịp để can ngăn.
 
Ngay sau khi sự việc xảy ra, thầy K. đã tiến hành đưa 2 học sinh xuống văn phòng đoàn, đồng thời báo cáo vụ việc với thầy phó hiệu trưởng, phụ huynh học sinh và thầy giáo phụ trách trưởng ban nề nếp của nhà trường. 
 
 
Đánh hội đồng trước cổng trường

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, vào mặt nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Em bị đánh ngay trong những ngày đầu tiên khi quay lại trường học trực tiếp. Một tuần nay, em nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông.

Chị Nguyễn Thị H., mẹ của em học sinh này cho biết: "Tôi nhìn video mà tôi cũng ám ánh. Tâm lý con tôi giờ ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Tôi cũng không thể nào ngủ được, không nghĩ con mình lại bị hành hạ đến vậy".

Trước đó, cũng vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một clip dài hơn 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Theo clip, 2 nữ sinh đã lao vào đánh, giật tóc, bắt quỳ, xé áo kèm những lời hăm dọa, chửi bới; trong khi đó, nữ sinh bị đánh không đánh lại mà ôm người chịu trận. Lúc xảy ra sự việc có nhiều người xung quanh nhưng không ai đứng ra can ngăn. Một số nữ sinh dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.

Vấn nạn bạo lực học đường: Nhà trường, gia đình và xã hội cùng ra tay ngăn chặn - Ảnh 2.

2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị đánh 1 học sinh lớp 7 khiến người xem clip rùng rợn. Ảnh cắt từ clip.

 

Nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm

Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, ở tuổi dậy thì (lứa tuổi THCS, THPT), chuyện xảy ra có nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này (muốn nổi trội, muốn được người khác quan tâm, càng nhiều người biết càng thích, không cần việc đó tốt hay dở; muốn khẳng định mình...).

Cuộc sống xã hội hiện tại rất sôi động, ngày càng hối hả lôi cuốn con người lao vào các sự kiện khác nhau. Người lớn thì còn suy nghĩ, hành động có cân nhắc, nhưng lớp tuổi trẻ thì không như thế. Nhiều học sinh trái ý mình là có thể nổi khùng, ẩu đả nhau luôn, mặc dù chỉ là chuyện rất nhỏ.

Về vai trò và trách nhiệm của phụ huynh trong việc giáo dục cách ứng xử của con cái, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết: Theo Điều 82, Luật Giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục con cái làm tốt nhiệm vụ của người học là: "Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục, chấp hành quy định của pháp luật".

Điều 83 của Luật chỉ rõ quyền của người học: "Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh". Như thế, học sinh nào đánh bạn, chủ động gây mất an toàn cho người khác thì đó là vi phạm luật pháp và phải xử lý.

Với giáo viên, theo Điều 69, Luật Giáo dục chỉ rõ, giáo viên phải "bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học". Bởi vậy, việc đánh bạn, kéo bè kéo cánh, gây thương tích cho bạn thì đó là người phạm pháp. Cả các bậc phụ huynh và giáo viên phải hiểu rõ và thực hiện nghiêm các điều khoản của Luật, đồng thời phải nhắc nhở con em mình có trách nhiệm thực hiện đúng luật.

Đối với những học sinh vi phạm, ông Phú cho rằng, nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp.

Trong điều kiện hiện nay, phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. "Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời".

Bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối kết hợp đồng bộ của gia đình - nhà trường - xã hội. "Nhà trường, gia đình và cả xã hội phải ra tay, lao vào ngăn chặn, thực hiện các biện pháp mạnh để điều chỉnh hành vi của lớp trẻ đi cho đúng hướng. Ta không trách trẻ, nhưng ta phải có trách nhiệm, phải quyết liệt làm trên cơ sở luật pháp đã có", GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top