Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 4 năm 2024 | 11:7

Nhiều thách thức trong XDNTM ở Điện Biên

Điện Biên tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, xuất phát điểm thấp với 19 dân tộc sinh sống nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức.

Một trong những thách thức là khó giữ chuẩn nông thôn mới khi nhiều xã tụt hạng, không đạt tiêu chí NTM.

Sáng tạo xây dựng nông thôn mới

Trước đây, đường vào các bản Phai Tung, Noong Hung, Phiêng Bung (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) là đường đất, nắng bụi mưa lầy. Bây giờ những tuyến đường này đã được “cứng hóa” từ sự đóng góp tích cực của người dân. Cảnh quan môi trường thoáng đãng,  xanh- sạch - đẹp; những ngôi nhà sàn khang trang gắn biển homestay trang trí bắt mắt.

Tuyến đường vào bản Phai Tung, xã Mường Báng được bê tông hóa, trang trí đẹp mắt, sạch sẽ.

Anh Tòng Văn Vũ, người dân thôn Noong Hung cho biết: Tham gia xây dựng NTM, người dân thực hiện trồng cây xanh, hoa, cây cảnh tại các khu vực công cộng; tổ chức vệ sinh môi trường, phát quang đường thôn. Nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ tường bao, hàng rào để hiến đất mở rộng đường giao thông. Đến nay đã có 45 hộ hiến đất để làm đường và các công trình công cộng.

Sau khi thay đổi địa giới hành chính, xã Mường Báng từ chỗ có 29 thôn, bản đến nay chỉ còn 13 thôn, bản và trở về xã chưa đạt chuẩn NTM. Năm 2022, khi bắt đầu lại công cuộc xây dựng NTM, xã Mường Báng đã xác định lấy cấp thôn, bản làm hạt nhân để nhân rộng và những thành quả đến nay làm thay đổi diện mạo từng thôn/bản. 3 bản: Tiên Phong, Phai Tung, Noong Hung đã được công nhận bản đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Báng cho biết: Xã phấn đấu 4 thôn bản: Tiên Phong, Phai Tung, Noong Hung, Phiêng Bung đạt chuẩn thôn, bản NTM năm 2023. Xã xác định xây dựng được nhiều thôn/bản NTM sẽ giúp xã sớm về đích NTM. Việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở thôn, bản đã giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Đó cũng là cách tạo nên diện mạo mới hiệu quả nhất cho các thôn, bản.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, công cuộc xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) đã tạo ra sự đột phá, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp và an toàn.

Trong 19 tiêu chí NTM thì 2 tiêu chí quan trọng và khó thực hiện nhất là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Đảng ủy, chính quyền xã Noong Hẹt tích cực vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân vươn lên, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, xã tập trung hỗ trợ 2 bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao là bản Bông và bản Noong Bua.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Đối với 2 bản đặc biệt khó khăn, xã ưu tiên mọi nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập. Đồng thời rà soát hộ nghèo còn khó khăn để vận động, xã hội hóa kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm. Mọi nỗ lực đã được đền đáp bằng kết quả tích cực: Nếu như năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo của bản Bông là 26,8% đến năm 2023 giảm còn 10,84%; bản Noong Bua giảm từ 27,27% xuống 12,4%. Xã phấn đấu đến năm 2025 đưa 2 bản này ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Tùy điều kiện, thực tế mỗi địa bàn, cấp ủy chính quyền địa phương có cách làm khác nhau, từ giải pháp tập trung từng thôn, bản đối với xã đang xây dựng NTM như Mường Báng, hoặc triển khai toàn diện đối với xã đã đạt chuẩn và đang xây dựng NTM nâng cao như Noong Hẹt… Với sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của các cơ quan, đoàn thể, ủng hộ của cộng đồng xã hội và sự đồng thuận của người dân chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt kết quả tích cực.

Nhiều thách thức

Xã Lay Nưa (TX Mường Lay) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 50 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn gần 37%; số tiêu chí NTM bình quân của cấp xã đạt khoảng 14 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn Điện Biên đang đổi thay và khởi sắc. Tuy nhiên, khi rà soát lại chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, vấn đề đặt ra là thách thức giữ chuẩn NTM bởi nhiều xã không đạt chuẩn NTM. Khó khăn nhất là tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở vật chất, văn hóa, các xã đều khó đạt và khó giữ chuẩn.

Ngoài thách thức giữ chuẩn, việc một số huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà chưa có xã đạt chuẩn NTM cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Thực tế xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành cần chủ động vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tranh thủ nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án cải thiện hạ tầng nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, đời sống vươn lên thoát nghèo.

Với quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, tỉnh Điện Biên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động các gia đình, thôn bản chung sức xây dựng NTM. Kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh xác định rõ mục tiêu, giải pháp, phân công nhiệm vụ thực hiện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã đạt NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn, 650 thôn bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu. Trong đó TX. Mường Lay phấn đấu là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Triển khai kế hoạch, mỗi địa phương căn cứ tình hình thực tế tham gia xây dựng nông thôn mới trước hết từ những việc chưa cần phải đóng góp kinh phí như vệ sinh môi trường, giữ nếp sống văn hóa…

Trong phát triển kinh tế, các địa phương tìm hiểu, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao thu nhập; sản xuất theo hướng tập trung. Huyện Điện Biên với cánh đồng Mường Thanh đã nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lúa nhằm nâng cao sản lượng, giá trị cây lúa trên địa bàn. Đồng thời, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng hóa mô hình tạo sinh kế cho bà con. Nhiều trang trại, gia trại trồng cây chuyên canh đã xuất hiện trên địa bàn huyện giúp bà con tiếp cận phương thức sản xuất mới, nâng cao thu nhập.

Với huyện Tuần Giáo, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây mắc ca phát triển. Khai thác lợi thế này, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển diện tích đất kém năng suất sang trồng cây có giá trị kinh tế cao với việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca. Huyện đã tập trung nguồn lực các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để trồng mới mắc ca tập trung tại các xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông... Hiện nay toàn huyện Tuần Giáo có gần 1.000ha mắc ca cho thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 3.000 tấn quả tươi năm 2023. Tại huyện Nậm Pồ, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn triển khai mô hình trồng rau củ quả sạch, chất lượng cao, liên kết tiêu thụ nông sản ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tuyến đường ở xã nông thôn mới nâng cao Lay Nưa (TX. Mường Lay). Ảnh: Hải Yến

Với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến, tích cực tham gia xây dựng NTM qua việc hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Song tiêu chí về thu nhập là thách thức Điện Biên khó thực hiện bởi tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện sản xuất khó khăn. Trong khi đó bộ tiêu chí về nông thôn mới tiếp tục nâng mức chuẩn cao hơn đối với các tiêu chí, mức thu nhập cũng tăng lên khiến các xã càng khó thực hiện. Những xã có điều kiện thuận lợi hơn đã phấn đấu đạt NTM còn lại các xã đều có xuất phát điểm thấp, dân trí không đồng đều, thiếu đất sản xuất, khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn tới khó nâng cao thu nhập.

Thực tế xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra tình trạng một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương “bằng lòng, thỏa mãn” với kết quả đạt được; thiếu quyết tâm phấn đấu những tiêu chí chưa đạt nông thôn mới. Việc xây dựng NTM cần nhiều kinh phí trong khi nguồn lực thực hiện các mục tiêu của chương trình được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và việc huy động nội lực từ sức dân tham gia đóng góp gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của thách thức xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gồm cả chủ quan và khách quan song cần xác định giải pháp, tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cấp ủy, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị tham gia, nâng cao vai trò trách nhiệm người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình, điển hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay về nông thôn mới. Chính quyền kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn người dân triển khai hiệu quả các nội dung, tiêu chí nông thôn mới; đặc biệt là xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng, nâng cao thu nhập người dân nông thôn.

8 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, tổng kế hoạch vốn các chương trình MTQG được giao năm 2023 là 2.193,872 tỷ đồng, đã hoàn thành phân bổ chi tiết 2.177,311 tỷ đồng (đạt 99,2% kế hoạch vốn giao). Tỷ lệ giải ngân vốn đạt 1.519,477 tỷ đồng (69,78% kế hoạch vốn). Năm 2024, tỉnh đã hoàn thành phân bổ chi tiết 2.005,982 tỷ đồng (đạt 95,2% kế hoạch), trong đó: Vốn đầu tư phát triển 1.229,659 tỷ đồng (đạt 92,43 %); vốn sự nghiệp 776,323 tỷ đồng, đã phân bổ 100%. Tổng số vốn đã giải ngân 3 tháng đầu năm là 78,485 tỷ đồng, đạt 3,91% kế hoạch (vốn đầu tư đạt 6,3% và vốn sự nghiệp đạt 0,08%).

Triển khai các chương trình MTQG đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi tại tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chương trình vẫn còn nhiều điểm hạn chế, vướng mắc như: Số lượng văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức thực hiện nhiều, có nội dung chưa thống nhất; đầu tư xây dựng công trình, dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần thực hiện nhiều quy trình, thủ tục nên mất nhiều thời gian. Công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cấp xã còn khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND huyện Điện Biên kiến nghị các nội dung về dự án hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG.

Đại biểu các huyện, thị xã, thành phố đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với các nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc nguồn vốn sự nghiệp các chương trình MTQG; trồng quế trong diện tích quy hoạch rừng sản xuất, phòng hộ; hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới thông minh. Đối với các khó khăn hiện hữu, UBND cấp huyện đề nghị UBND tỉnh tổ chức họp bàn, giải quyết dứt điểm để các huyện có cơ sở triển khai.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo đề ra 8 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các chương trình MTQG, như: Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương; đa dạng hóa các nguồn lực (nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn các tập đoàn, tổng công ty hỗ trợ); thực hiện lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức đến mọi cấp, ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp chủ đầu tư cho cấp xã, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát. UBND cấp huyện tập trung nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư.

Các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các chương trình MTQG có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xem xét xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đảm bảo triển khai có hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ và đạt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện. Các ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 111/2024/QH15 và văn bản số 796/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại, tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dự án hỗ trợ sản xuất trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

 

Theo baodienbienphu.com.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top