Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 3 năm 2024 | 15:52

Nông nghiệp sinh thái Thủ đô phải là nền nông nghiệp chất xám

Những năm qua, nông nghiệp Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp sinh thái. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái phát triển cho thấy sự lựa chọn và phát triển nông nghiệp Thủ đô đang đi đúng hướng.

Do đó, Hà Nội cần phải xây dựng và trở thành trung tâm của nông nghiệp sinh thái của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và là nền nông nghiệp chất xám.

Nông nghiệp sinh thái hiệu quả

Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ sinh thái tại địa phương là một trong những mô hình thành công trong thời gian qua.

Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm năm thành viên với quy mô gần 5ha. Nho ở đây được trồng, chăm sóc, thu hoạch với quy trình sản xuất an toàn. Mô hình vừa tạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.

Mô hình nông nghiệp sinh thái ở xã Hồng Vân đã tạo cho nghề cây cảnh phát triển

Hồng Vân từ một xã nông nghiệp của huyện Thường Tín, đến nay, đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm. Với cách làm sáng tạo, mỗi năm, xã Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách đến du lịch trải nghiệm, thu nhập ước tính đạt trên 6 tỷ đồng/năm. Năm 2018, xã Hồng Vân được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh thái. Đây là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, 18/18 huyện và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Số liệu ước tính đến năm 2023 đã đạt 63,28 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 lần so với năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống chỉ còn 0,06% (tức là cơ bản không còn hộ nghèo so với từ 12,5% năm 2008).

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, một số lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội dẫn đầu toàn quốc, như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước. Ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước với quy mô đàn trên 40 triệu con (trong đó, đàn gia cầm đứng đầu cả nước, đàn lợn đứng thứ 3)…

Vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên

Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn. TP. Hà Nội hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình chăn nuôi, 54 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội còn phát triển nhiều mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng sản xuất xanh. Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát huy tối đa nguồn lực từ nông nghiệp đô thị.

Nông nghiệp của Hà Nội phải là nền nông nghiệp chất xám

Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội phải là nơi trung chuyển, phân phối nông sản an toàn cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền từng nhấn mạnh: Với điều kiện của Hà Nội hiện nay, trọng tâm không nằm ở sản xuất mà là sản xuất gì, mô hình nào phù hợp điều kiện sinh thái, bảo vệ môi trường, xứng tầm kinh tế Thủ đô. Do đó, nền nông nghiệp của Hà Nội phải là nền nông nghiệp của chất xám trong sản xuất, quy mô không quá lớn song phải là công nghệ cao, chất lượng và giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, nông nghiệp Hà Nội phải khai thác được thế mạnh về sinh thái, văn hóa để hình thành nền nông nghiệp có đặc thù riêng. Là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, văn hóa… vì vậy, Hà Nội cũng phải là trọng điểm của kinh tế thị trường, là vùng trung chuyển, kết nối kinh tế các tỉnh, thành phố lân cận.

Đóng gói sản phẩm nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần KMS Đầu tư sản xuất và thương mại (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm.

Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ, công ty đã hình thành chuỗi các cửa hàng tại Hà Nội để đưa nông sản từ các tỉnh về Hà Nội. “Với điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp Hà Nội ngày một thu hẹp, các doanh nghiệp nông nghiệp ở Thủ đô cần kết nối với các tỉnh để cung ứng nông sản cho người dân. Hiện sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) bán trong hệ thống BigGreen đang chiếm khoảng 60-65% và công ty đang có 85 điểm OCOP ở 25 quận, huyện, thị xã. Tại những điểm OCOP này, các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh bạn”, ông Nguyễn Tiến Hưng thông tin.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tham mưu phối hợp với 43 tỉnh, thành phố chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội đang đi đúng hướng. Với điều kiện con người, chất xám và là trung tâm kinh tế, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần khai thác thế mạnh này. Kinh tế nông nghiệp không đơn thuần là sản xuất, mà là hiệu quả của mô hình sản xuất đó ra sao, phù hợp với điều kiện Hà Nội thế nào.

Theo đó, nông nghiệp Hà Nội phải là cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng “chất xám” cao cho các tỉnh lân cận. Đồng thời, phải nâng cao được tính kết nối thị trường, khai thác thế mạnh từ thị trường để có mô hình phù hợp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thông thường dành cho các địa phương khác.

Với lợi thế là Thủ đô của cả nước, có nhiều cơ quan nghiên cứu đồng thời lại nằm trên vùng đất châu thổ sông Hồng, điều kiện thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp của Thủ đô có điều kiện phát triển hơn rất nhiều ở các địa phương khác, nhất là nền nông nghiệp sinh thái. Vì thế nông nghiệp sinh thái cần phải được quan tâm để phát triển và tăng thêm thu nhập cho người nông dân trong sự phát triển của cả Đất nước.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top