Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 7 năm 2023 | 13:6

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở miền Trung: Tiềm năng nhưng nhiều vướng mắc

Những năm gần đây, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung khá phát triển, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, đưa sản vật nông nghiệp, bản sắc văn hóa nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc về đất đai đang là rào cản để loại hình này phát triển.

Hiệu quả từ những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn các tỉnh miền Trung

Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vì có các vùng sinh thái rộng lớn, nhiều cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Một trong những mô hình được coi là “đi tiên phong” - trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, đến nay, tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh Nghệ An, đều có những mô hình du lịch canh nông hiệu quả.

Vườn hoa ở Nghĩa Đàn luôn là điểm thu hút khách du lịch

Vườn cam sinh thái bản Pha (Con Cuông), những vườn hoa rực rỡ ở Nghĩa Đàn, khám phá vùng miền Tây Mường Lống (Kỳ Sơn) gắn với bạt ngàn vùng đào, mận của bà con dân tộc Mông và vườn trồng dược liệu của Tập đoàn TH, vườn hồng Nam Anh (Nam Đàn)… là những điểm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.

Một Hòn Mát với diện tích 42ha tạo nên quần thể sinh thái tiện ích, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình như một Đà Lạt thu nhỏ. Khu du lịch sinh thái Hòn Mát đã được đầu tư theo hướng nông trại kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm các hoạt động gần gũi với thiên nhiên.

Anh Đặng Trọng Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn), bày tỏ: “Chúng tôi đã chuẩn bị các sản phẩm du lịch gắn liền với sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm canh nông. Hiện nay, chúng tôi đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với trải nghiệm để chào đón du khách trong, ngoài tỉnh. Một tin vui cho chúng tôi là sản phẩm du lịch canh nông Hòn Mát được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện và đang hoàn thiện hồ sơ công nhận của tỉnh. Hy vọng, với chính sách mở cửa của chính quyền địa phương, của ngành Du lịch, sẽ tạo cơ hội để người dân yên tâm tiếp cận các sản phẩm du lịch và đơn vị du lịch cũng có cơ hội phục vụ cộng đồng tốt hơn”.

Edufarm Tượng Sơn - mô hình trải nghiệm học tập đầu tiên được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép đã liên kết với một số hộ dân thôn Hà Thanh mở rộng không gian học tập sáng tạo, trải nghiệm NTM. Với sự kết nối này, đến Tượng Sơn, du khách không chỉ được rèn luyện các kỹ năng sống mà còn thỏa thích chiêm ngưỡng những thành quả đặc sắc của NTM do bàn tay con người tạo nên.

Là chủ nhân của một trong những khu vườn từng đón hàng nghìn lượt khách, ông Trần Văn Báu luôn có ý thức chỉnh trang, xây dựng “sản phẩm” du lịch độc đáo phục vụ khách tham quan. Ngoài vườn rau, củ bốn mùa xanh tốt, ông còn sưu tầm, trưng bày công cụ sản xuất, tái hiện bức tranh làng quê xưa, tạo sự thích thú cho khách khám phá, trải nghiệm.

Du lịch cộng đồng trải nghiệm ở Quảng Bình

Thị trấn Phong Nha, gần đây đang phát triển mạnh loại hình du lịch Homestay (đây là một trong những loại hình thức du lịch tại gia), Farmstay (du lịch cộng đồng trải nghiệm). Với những lợi thế trên, người dân địa phương nắm được nhu cầu ăn ở của khách du lịch, chủ động vay vốn đầu tư xây dựng khu nhà homestay; xây dựng trang trại vườn để thu hút khách; đồng thời mở các tour tuyến hộ gia đình làm nông, chăn nuôi cho khách du lịch nước ngoài trải nghiểm. Bên cạnh việc hỗ trợ giúp người dân làm du lịch, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho bà con vùng Phong Nha, chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa; đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao đời sống cho người dân; đồng thời tập trung quy hoạch vùng lưu trú trong thôn, xã để giữ chân du khách.

Để phát triển du lịch nông thôn trong năm 2023, huyện Bố Trạch đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với OCOP; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử; lực lượng lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực truyền thống; xây dựng quy trình mẫu về nghề truyền thống; xây dựng sản vật nông sản làm quà tặng lưu niệm; khảo sát các điểm du lịch ở xã Hưng Trạch để xây dựng đề án thành lập Làng du lịch Bồng Lai; đồng thời phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai Đề án Làng văn hóa, du lịch xã Cự Nẫm; khai thác dịch vụ du lịch ven biển Đá Nhảy và Trung Trạch…

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đem lại những hiệu quả không hề nhỏ, ngoài việc đem lại nguồn thu nhập cho người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là một kênh để quảng bá văn hóa, sản phẩm đặc trưng vùng miền. Từ đó thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân.

Tiềm năng lớn

Tại Hội nghị online với chủ đề: "Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn", chia sẻ tại Hội nghị, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico cho biết, ở góc nhìn của một người làm nông nghiệp đã gần 20 năm, được đi nhiều nơi, với ngành nông nghiệp có lịch sử phát triển rất nhiều năm, nếu biết khai thác tiềm năng đó gắn với du lịch thì đây sẽ là một ngành cực kì tiềm năng.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có đặc thù riêng và kinh tế xã hội, các sản vật riêng đều rất phong phú. Trong đó, du lịch nông nghiệp chính là ngành giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, giúp bà con nông dân sống vui khoẻ, tăng thu nhập từ chính sản phẩm của mình, do đó ngành Du lịch và ngoại ngữ đã được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển, đào tạo với các kỹ năng vô cùng đa dạng, từ học ngoại ngữ, marketting đến kỹ năng tổ chức các tour, tuyến, điểm…, thu hút những bạn trẻ có đam mê với nông nghiệp và khoa học sự sống.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của mình ở khu vực ĐBSCL, nơi vẫn được đánh giá có sự tương đối đồng nhất giữa các địa phương, anh Võ Văn Phong đến từ Công ty du lịch C2T, Thành Phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) nhấn mạnh: chúng tôi làm du lịch theo hướng liên kết, xây dựng các mắt xích trong chuỗi du lịch giữa chủ các vườn cây ăn trái, các vùng nông sản đặc sản; chủ các homestay; những người làm trong ngành vận tải… tất cả các mắt xích này đều liên kết chặt chẽ với nhau và sẵn sàng tham gia đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Quang Doanh, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững nêu rõ, không chỉ tập trung vào nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp từ bà con nông dân tới cán bộ địa phương mà cần cả chính sách phát triển du lịch địa phương đi đúng hướng hơn.

Không ai có thể phủ nhận được hiệu quả kinh tế từ những mô hình du lịch nông nghiêp, nông thôn ở các tỉnh thành đang hoạt động hiện nay, tiềm năng từ loại hình du lịch có được ở mỗi địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc hạn chế nhiều cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn này phát triển. Đó là cơ chế chính sách về đất đai để bà con nông dân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Tháo gỡ những vướng mắc 

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư đồng bộ về mọi mặt. Trước hết là thay đổi mạnh mẽ nhận thức để coi trọng, đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào chương trình du lịch nhằm quảng bá rộng rãi, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng.

Chính sách đất đai đang là một rào cản để mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển

Trong đó, cần thay đổi cách thức quảng bá, thúc đẩy chương trình của tỉnh về xúc tiến du lịch nông nghiệp, nông thôn. Mỗi điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn đều tạo được dấu ấn riêng nhằm khơi dậy được sự hỗ trợ, đoàn kết của cộng đồng trong hoạt động du lịch. Đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa các cộng đồng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Gắn du lịch nông nghiệp, nông thôn với phát triển, tuyên truyền, quảng bá nông sản, dược liệu địa phương, các sản vật, hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn độc đáo từng vùng, miền, các dân tộc thiểu số,...

Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo môi trường tốt nhất để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, vì nếu không có đất người nông dân, các HTX hay các doanh nghiệp không thể đầu tư, xây dựng trang trại trồng rau, trồng hoa hay trồng những loại sản phẩm nông sản có giá trị khác, hoặc xây dựng các homestay nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch đến với loại hình du lịch này.

Nhiều doanh nghiệp cho biết rất muốn đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên một trong những hạn chế mà các doanh nghiệp này khó thực hiện được, đó là việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay theo Luật Đất đai năm 2013, không cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những trường hợp không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Vì thế việc tích tụ ruộng đất để mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, trang trại để gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là điều không thể.

Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phát huy tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan, phong tục, tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc. Tổ chức khảo sát các mô hình đã có và khuyến khích các chủ hộ, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới các mô hình để thu hút du khách; hình thành và tổ chức khoa học các tour, tuyến du lịch.

Với thế mạnh là môt quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, có nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đồng ruộng màu mỡ và có nhiều làng nghề cổ truyền rất ppjcho du lịch nông nghiệp, nông thông phát triển. Nếu chúng ta có những chủ trương, chính sách đúng đắn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sá ch nhà nước, tạo thêm một nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và còn giới thiệu, quảng bá được hình ảnh văn hóa của con người, đất nước Việt Nam chúng ta.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top