Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 11 năm 2023 | 10:40

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”: Thúc đẩy thi đua sản xuất (Bài 3): Thay đổi nếp nghĩ - cách làm

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ: Mục đích chính của cuộc phát động là thay đổi cách làm ăn và suy nghĩ của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua phong trào để cùng nhau thi đua sản xuất vượt khó vươn lên trong cuộc sống, không còn trông chờ và ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

>> Bài 2: Phát triển kinh tế VAC

>> Bài 1: Thi đua sản xuất trong mỗi gia đình, mỗi người dân

Phong trào phát triển sâu rộng

Huyện A Lưới đã thực hiện lồng ghép phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” vào thực hiện các chương trình lớn như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cụ thể, bằng các phong trào “Làng, bản không ma túy”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”… với khoảng 38.590 lượt cán bộ, đảng viên, học sinh và người dân hưởng ứng tham gia.

Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phong trào “Dòng họ, Iàng, bản, không có hộ nghèo” được hưởng ứng sâu rộngở Thừa Thiên Huế. Ảnh: T. Thành

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới phong trào “Dòng họ, Iàng, bản, không có hộ nghèo” được hưởng ứng sâu rộng ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: T. Thành

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới cho biết, việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở các chỉ đạo của tỉnh, huyện A Lưới đã triển khai tổ chức và thực hiện trên địa bàn toàn huyện. Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được cấp ủy từ huyện đến cơ sở hết sức quan tâm, gắn với đó là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình lớn, thông qua các kênh mặt trận, phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân… đã kêu gọi hỗ trợ được 16 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cho người nghèo. Huyện cũng giao cho các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đỡ đầu cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%.

Sau thời gian nỗ lực thực hiện, đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người ở A Lưới đạt 30,63 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 38,2%. Huyện A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo hiện nay xuống còn 3.691 hộ). Năm 2022, huyện A Lưới cũng đã xóa được hơn 1.000 nhà tạm trên tổng số 3.995 nhà tạm, theo kế hoạch đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục xóa khoảng 1,6 ngàn ngôi nhà tạm.

Đời sống người dân dần được nâng cao, đường nông thôn khang trang, sạch đẹp ở vùng cao Thừa Thiên Huế. Ảnh: T. Thành

Đời sống người dân dần được nâng cao, đường nông thôn khang trang, sạch đẹp ở vùng cao Thừa Thiên - Huế. Ảnh: T. Thành

Sau A Lưới, huyện Nam Đông cũng đã tổ chức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” gắn với xây dựng nông thôn mới và triển khai sâu rộng. Huyện Nam Đông đã rà soát các nguyên nhân nghèo của từng hộ dân, đề ra những phong trào cụ thể. Cùng với đó, khuyến khích, động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Huyện ủy Nam Đông đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và làm vườn tại các địa phương; chỉ đạo duy trì thường xuyên các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, công trình sinh hoạt, xây dựng thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, ngày Chủ nhật xanh..., và đã được hàng ngàn người dân đã tích cực tham gia. Lãnh đạo huyện Nam Đông cũng đã kêu gọi người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kĩ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Theo ông Nguyễn Đình Đức Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Tính đến năm 2023, tỉnh đã có 67/94 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 71,3%. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,44 tiêu chí/xã, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện Quảng Điền đạt chuẩn NTM và Thị xã Hương Thuỷ cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong tổng số 30 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, có 21 xã ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; 9 xã còn lại vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn của giai đoạn trước”.

Đánh giá về việc thực hiện phong trào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Qua phát động của Tỉnh ủy thì phong trào đã lan tỏa rất nhanh trên tất cả các địa bàn; các cấp ủy, mặt trận, dân vận đã phối hợp các địa phương triển khai đồng bộ; nhiều địa phương triển khai sâu rộng xuống tận thôn bản, tổ dân phố và được người dân hưởng ứng cao.

Phong trào phát triển rất đa dang và phong phú, trong quá trình thực hiện nhiều địa phương cũng đã lồng ghép những phong trào riêng với một cách xuyên suốt như: “Làng, bản không có hộ nghèo, không ma túy”, “Dòng họ không có hộ nghèo”, “Nông dân thi đua sản xuất để thoát nghèo”... Đặc biệt, các trưởng thôn, trưởng bản đều có cam kết trong việc triển khai phong trào giảm nghèo.

Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” được phát động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, già làng, trưởng thôn trong gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo.

Đồng thời, vừa thể hiện truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong dòng họ, làng, bản. Đồng thời, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của các dòng họ, làng, bản chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện thành công giảm nghèo bền vững.

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới nói về những khó khăn và kết quả của phong trào ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới nói về những khó khăn và kết quả của phong trào ở địa phương. Ảnh: T. Thành

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương việc thực hiện phong trào đạt kết quả chưa cao, do đời sống của người dân ở vùng cao ở Thừa Thiên - Huế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến thức, kỹ năng, tư duy để đầu tư phát triển kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế; nhiều phong tục, tập quản cũ vẫn còn ảnh hưởng đến nhận thức của người dân; nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt vùng khó khăn; năng lực quản lý của các HTX nông nghiệp còn hạn chế; chưa chủ động trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm địa phương.

Theo ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới: Khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng là rào cản lớn trong việc triển khai giảm nghèo bền vững ở địa phương; nhiều hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, do nhận thức còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động trong việc chuyển đổi ngành nghề cho bà con cũng nhiều khó khăn.

“Qua thực hiện phong trào, huyện nhận thấy một số lãnh đạo ở cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt, nhiều đồng chí chưa xông xáo, còn lơ là trách nhiệm. Huyện đang tiếp tục đánh giá việc thực hiện phong trào để cuối năm 2023 tổng kết 01 năm thực hiện. Qua đó, có hình thức biểu dương và khen thưởng cho các cấp ủy, dòng họ, làng bản thực hiện tốt và đưa phong trào đến từng người dân. Đồng thời, cũng có nhắc nhở đối với các địa phương còn lơ là”, ông Giang cho hay.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: T. Thành

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trao đổi với phóng viên về Phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Ảnh: T. Thành

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, mục đích xuyên suốt cuộc phát động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” ở địa phương là làm sao từng người dân, gia đình tự vươn lên lao động sản xuất, xây dựng nhà cửa để thoát nghèo. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm bản làng, dòng họ, người có uy tín trong việc động viên con em, công dân bản làng tự vươn lên thoát nghèo.

“Việc  tự vươn lên thoát nghèo của bà con là quan trọng nhất và có tính chất lâu dài trong chiến lược giảm nghèo bền vững ở địa phương. Người dân phải tự vươn lên bằng sức lao động của chính mình, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ những cái cơ bản như vay vốn sản xuất, đào tạo nghề, xóa nhà tạm... Phong trào cũng tạo thi đua giữa các làng bản, dòng họ để khơi dậy lòng tự tôn, tự ái trong mỗi người dân. Bản thân các trưởng họ, trưởng bản, người có uy tín là những tấm gương trong việc vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế gia đình cũng như trong việc vận động người dân”, ông Thọ nhấn mạnh.

Để phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, theo ông Thọ, phong trào không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn phải thể hiện tính nhân văn sâu đậm qua vai trò của cộng đồng đối với những hộ nghèo, neo đơn, tàn tật yếu thế trong xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng họ, người có uy tín trong công cuộc vận động, rà soát hộ nghèo trong dòng họ, bản làng mình để có phương án huy động nguồn lực hỗ trợ một cách thiết thực. Các địa phương cũng cần có những hình thức thi đua giữa các dòng họ, làng bản trong xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã cho thấy là chủ trương lớn, mang nhiều ý nghĩa, nhằm sớm giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xuống mức thấp nhất; đưa A Lưới ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo với 36.708 khẩu nghèo, tỷ lệ 3,56 % và 10.854 hộ cận nghèo với 33.579 khẩu, tỷ lệ 3,30%. Toàn tỉnh có 16 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 25% đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên. Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến hết năm 2023 giảm số hộ nghèo xuống còn 9.366 hộ, tỷ lệ còn lại là 2,79%.

Theo rà soát, Thừa Thiên - Huế cũng không ghi nhận hộ tái nghèo, cho thấy tác động tích cực và hiệu quả của chủ trương thoát nghèo bền vững ở địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo ở huyện A Lưới đến cuối năm 2022 là 38,20%, giảm 11,78% so với năm 2021, phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 26,12%.

 

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top