Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023 | 16:54

Quảng Ngãi: Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi năm 2023 đạt kế hoạch

Tuy ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng năng suất, sản lượng cây trồng và vật nuôi vẫn đạt và tăng. Nhìn chung nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được mùa, được giá...

Ngày 28/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi chức Hội nghị Sơ kết sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Trong năm 2023, sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có sự thống nhất và chủ động trong việc chỉ đạo thực hiện về lịch thời vụ, cơ cấu giống, các biện pháp kỹ thuật và phòng trừ sâu, bệnh, dịch bệnh được triển khai từ tỉnh đến các địa phương ngay từ đầu vụ. Ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong vấn đề chấp hành khuyến cáo, tuyên truyền về lịch thời vụ gieo trồng, nuôi trồng thủy sản, áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT.

Tổng sản lượng lương thực ước đạt 500.195 tấn, đạt 101,8% so với kế hoạch, tăng 1,4% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thóc đạt 441.928 tấn, tăng 1,4%; sản lượng ngô đạt 58.267 tấn, tăng 1,8%.

Về cây lúa, diện tích thực hiện 74.344 ha, năng suất bình quân đạt 59,4 tạ/ha, sản lượng 441.298 tấn. So với năm 2022, diện tích giảm 0,7% (498,7 ha), năng suất tăng 2,1% (1,2 tạ/ha) và sản lượng tăng 1,4% (6.086,5 tấn); so với kế hoạch, diện tích tăng 2,5% (1.780,8 ha), năng suất giảm 0,5% (0,3 tạ/ha) và sản lượng tăng 1,9 % (8.425,7 tấn).

Năng suất lúa năm 2023 bình quân toàn tỉnh ước đạt 59,4 tạ/ha, tăng 2,1% (1,2 tạ/ha) so với năm 2022.

Năng suất lúa năm 2023 bình quân toàn tỉnh Quảng Ngãi ước đạt 59,4 tạ/ha, tăng 2,1% (1,2 tạ/ha) so với năm 2022.

Nguyên nhân diện tích sản xuất giảm so với năm 2022 là do một số diện tích đất thuộc các dự án phải thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, một số diện tích đang thực hiện dồn điền đổi thửa nên không gieo trồng; bên cạnh đó có một số diện tích thực hiện chuyển sang trồng cây khác.

Năng suất lúa tăng do thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo, công tác làm vệ sinh đồng ruộng, làm đất để tiêu diệt các mầm bệnh được chú trọng. Bên cạnh đó, người dân sử dụng các giống lúa có chất lượng cao, phát động ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ, dùng nhiều biện pháp để bảo vệ cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.

Về cây ngô, diện tích thực hiện 10.030 ha, năng suất bình quân đạt 58,1 tạ/ha, sản lượng 58.267 tấn. So với năm 2022, diện tích tăng 0,5% (48,7 ha), năng suất tăng 0,8 tạ/ha và sản lượng tăng 1,8% (1.052,3 tấn); so với kế hoạch, diện tích tăng 1,4% (134,6 ha), năng suất giảm 0,2 tạ/ha và sản lượng tăng 1,0% (586,4 tấn). Ngoài ra, diện tích Ngô sinh khối là 774 ha, năng suất bình quân 451,4 tạ/ha, sản lượng 32.163 tấn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 80 ha lúa được chứng nhận VietGAP, với sản lượng 800 tấn/năm; 14,75 ha rau được chứng nhận VietGAP, với sản lượng 599,5 tấn/năm. Có 91,05 ha  cây  ăn  quả  được chứng  nhận VietGAP, với sản lượng 1.850,515 tấn/năm. Ngoài ra còn có 02 cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, củ quả (sản xuất rau thủy canh), với diện tích sản xuất 3.800 m2, sản lượng 56 tấn/năm.

Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm khác là 771,6 ha ; diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm là 01 ha; diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn sang trồng khác là 470,15 ha .

Đến cuối năm 2023, ước đàn trâu có 66.225 con, đàn bò có 278.131 con, tỷ lệ bò lai đạt 74,6%, đàn heo có 395.103 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 91.637 tấn. So với năm 2022, đàn trâu giảm 1,4%, đàn bò giảm 0,9%, đàn heo tăng 1,9%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 4,5%. Nhìn chung, việc phát triển chăn nuôi theo đúng định hướng.

Tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản năm 2023 ước đạt 1.373,8 ha, đạt 98,06% kế hoạch (diện tích cộng dồn ước vụ 1, vụ 2 và vụ đông là 1.800,9 ha), trong đó thả nuôi nước lợ 513,5 ha, nuôi thuỷ sản nước mặn với 156.600 m3 lồng và 860,3 ha thả nuôi cá nước ngọt. Sản lượng thu hoạch ước đạt 11.244,8 tấn, đạt 101,91% kế hoạch năm.

Xây dựng 105 cánh đồng mẫu lớn

Quảng Ngãi triển khai thực hiện 105 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.944 ha, tăng 33 cánh đồng  so với kế hoạch đề ra. Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa, các mô hình luân canh, xen canh được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những cánh đồng mẫu lớn cũng chỉ mới tập trung cho cây lúa, các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn chưa được quan tâm đúng mức; đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định.

Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa.

Quảng Ngãi triển khai xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa.

Tỉnh đã được cấp 10 giấy xác nhận mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt, trong đó có 09 giấy xác nhận mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa và 01 giấy xác nhận mã số vùng trồng xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không phải là ngành có đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, nhưng là ngành có đóng góp rất lớn vào ổn định đời sống cho hơn 70% dân số sống ở nông thôn và được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế trong tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đang tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Gieo sạ vụ đông xuân 2023 – 2024 từ ngày 15-31/12

Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, bố trí lịch thời vụ đông xuân 2023 – 2024 gắn với cơ cấu giống lúa ngắn, trung ngày tùy vào điều kiện cụ thể từng vùng, cho lúa đại trà trổ từ 01/3 đến trước 15/3/2024, thu hoạch dứt điểm trước 15/4/2024.

Căn cứ thời điểm lúa trổ, các địa phương xác định khung lịch thời vụ gieo sạ lúa đại trà cho phù hợp.

Đối với chân ruộng sử dụng nguồn nước từ ao, hồ, đập nhỏ hoặc không chủ động nguồn nước: Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để gieo sạ lúa cho phù hợp với nguồn nước (nên gieo sạ trước ngày 15/12/2023).

Đối với những vùng ruộng trũng, thoát nước kém: Tranh thủ nước rút đến đâu, xuống giống đến đó nhưng phải kết thúc gieo sạ trước ngày 10/01/2024 để thu hoạch trước 15/4/2024.

Đối với chân ruộng chủ động tưới, tiêu: Trà chính vụ, gieo sạ từ ngày 15/12 đến 31/12/2023 đối với các giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 105 ngày đến dưới 115 ngày. Trà muộn gieo sạ từ ngày 01-10/01/2024 đối với các giống lúa có TGST dưới 105 ngày.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top